Làm thế nào để trẻ không vượt quá giới hạn?

Trẻ nhỏ cần biết việc gì chúng được phép và không được phép làm. Do đó, cha mẹ cần giới hạn một cách nhất quán giúp trẻ cảm nhận được sự an toàn...

Cần giúp trẻ hiểu về những quy tắc trong ứng xử. Ảnh minh họa: TG.

Bỏ qua những yêu sách

Trẻ càng lớn thì càng có xu hướng làm ngược lại với những gì bạn mong muốn, bất chấp hậu quả. Trẻ rất sáng tạo và không phải lúc nào cũng có khả năng đánh giá mức độ nghiêm trọng của sự việc như người lớn.

Chị Lê Thu Huyền - cán bộ Công ty Du lịch Việt chia sẻ về cậu con trai thường xuyên vượt quá giới hạn trong cách ứng xử, giao tiếp. Ví dụ, nếu thấy bố mẹ cởi mở tâm sự, cậu bắt đầu đòi hỏi, đưa ra các lý luận để cãi bướng, đôi lúc còn nói chuyện với người lớn như bạn bè đồng trang lứa. Nhiều người nhìn vào cho rằng anh chị quá chiều con để trẻ vượt quá giới hạn.

Tương tự, anh Lê Huy (Hoàng Mai, Hà Nội) cảm thấy khó chịu về việc con gái học lớp 11 thường xin đi chơi về muộn. Nếu quá khắt khe con phản ứng hoặc nói dối. Còn nếu dễ dãi, con ngầm hiểu rằng bố mẹ không có ý kiến gì về chuyện đó. Điều này cũng rất nguy hiểm.

Bên cạnh đó, cậu con trai út học lớp 6 cũng thường vượt quá giới hạn trong chi tiêu, luôn đòi quyền tự do cá nhân và tài chính. Ví dụ như đợt Tết, tiền mừng tuổi được gần 10 triệu và con nhất định coi đó là tiền của riêng mình, bố mẹ không được phép sử dụng hay quản lý với quan điểm “con tiêu gì là quyền con vì đó là tiền của con”…

Theo cô Nguyễn Lan Hương - Trường THCS Thuận Thành (Bắc Ninh), nhiều bé được nuông chiều quá mức, thậm chí như “ông vua con” trong nhà. Tình trạng này khiến con cảm thấy muốn gì được nấy. Nếu người lớn không đáp ứng yêu cầu, trẻ khó lòng chấp nhận và ngay lập tức phản kháng, bướng bỉnh, thậm chí còn luôn đòi hỏi, vượt giới hạn cho phép.

Bên cạnh đó, môi trường cũng ảnh hưởng lớn đến nguyên nhân của việc vượt quá giới hạn. Những mâu thuẫn trong cách giáo dục con cái sẽ khiến trẻ lợi dụng để đòi hỏi những gì có lợi cho bản thân. Từ đó, chúng có xu hướng vòi vĩnh và bướng bỉnh hơn đối với người chiều chúng nhất.

Đôi khi chính việc đáp ứng nhanh bất cứ yêu cầu nào của con sẽ khiến trẻ trở nên khó bảo. Khi ấy, trẻ nhận thức được rằng bố mẹ rất dễ dàng chiều theo mong muốn của chúng, nên một khi không đòi hỏi được, chúng sẽ tức giận và la hét.

Bởi thế, phớt lờ những yêu sách không thỏa đáng của con cũng là một cách hay để trị dứt điểm sự cứng đầu của con. Đồng thời, hãy giải thích để trẻ hiểu, có những thứ mình thích (lấy ví dụ cụ thể tùy từng trẻ) nhưng không được phép và ngay cả cha mẹ cũng thế. Sau đó, hãy giải thích lý do vì sao cho con hiểu rõ.

Ảnh minh họa ITN.

Đặt ra những mục tiêu lành mạnh

Cô Nguyễn Lan Hương cũng cho rằng, không nên quá nghiêm khắc, đặt áp lực lớn và những khuôn khổ ràng buộc quá sức với trẻ. Bởi có nhiều người kỳ vọng vào con nên có những yêu cầu vượt quá khả năng của chúng. Điều này làm cho trẻ cảm thấy bị bức bối, lầm lì, khó chịu, thậm chí thành người con ngang ngạnh, bất mãn.

“Kỳ vọng của bố mẹ có thể khiến con trở nên căng thẳng và chống đối. Do đó, cần xem xét những kỳ vọng của mình có phù hợp với tính cách, khả năng và sở thích của con hay không. Hãy giúp con trở thành phiên bản tốt nhất của chính con; không phải là phiên bản tốt nhất theo mong muốn của bố mẹ”, cô Hương nói.

Muốn vậy, cha mẹ cần đặt ra những mục tiêu lành mạnh, phù hợp với năng lực, sở thích và cá tính của con. Đừng quá chú ý đến những sai lầm, hãy xem đó như là cách để con học hỏi. Hơn nữa, cha mẹ cũng không nên so sánh con với những người khác và bỏ qua sự hoàn hảo để trút bỏ gánh nặng lên người trẻ.

Để nhất quán trong cách dạy con về giới hạn cho phép, cha mẹ nên đưa ra bộ quy tắc và áp dụng trong việc nuôi dạy trẻ. Trẻ cần tuân thủ nghiêm túc bộ quy tắc này. Việc thay đổi, lúc thế này lúc thế kia sẽ cho trẻ biết chúng có thể không cần nhất nhất tuân theo những quy tắc đó. Thậm chí, chúng có thể sẽ làm ngược lại quy định. Vì thế, muốn những bé bớt bướng bỉnh, cha mẹ cần có sự nhất quán và rõ ràng ngay từ đầu.

Trẻ sẽ quan sát cách bố mẹ cư xử với nhau để học hỏi. Do đó, nếu bố mẹ yêu thương và cân bằng, con trẻ cũng sẽ có xu hướng tương tự. Đây là một điều cần lưu tâm khi bố mẹ tìm cách dạy con. Bởi trẻ em học thông qua quan sát và trải nghiệm.

Nếu chúng thấy bố mẹ cãi nhau suốt ngày, chúng sẽ học cách bắt chước điều đó. Sự bất hòa trong hôn nhân giữa cha mẹ có thể dẫn đến môi trường căng thẳng trong nhà làm ảnh hưởng đến tâm trạng và hành vi của con cái và dễ khiến chúng luôn muốn vượt giới hạn.

“Thực tế, trẻ cũng mong muốn được động viên và khen ngợi hành vi tích cực. Một trong những cách dạy trẻ nghe lời đó là khuyến khích những điều tích cực đó ở con. Ai cũng muốn được khen và trẻ cũng thế. Hãy động viên, khen ngợi hoặc tặng thưởng nếu con cố gắng thực hiện hay làm tốt một điều gì đó. Cho dù đó là những điều nhỏ nhặt”, cô Hương đưa ra lời khuyên.

Trẻ thực sự rất cần có các giới hạn. Do vậy, cha mẹ nên nói trước về hậu quả cho trẻ, tôn trọng trẻ, giới hạn phải hợp lý và hình thành tinh thần trách nhiệm cho con. Như vậy, tất cả những gì bạn làm trên cương vị là người lớn chính là thực hiện những gì mà bạn đã hứa trước đó.

Tùng Bách

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lam-the-nao-de-tre-khong-vuot-qua-gioi-han-post674026.html