Làm thế nào để chấm dứt bạo lực học đường?

Mới đây, liên tiếp xảy ra các vụ việc liên quan đến bạo lực như cô giáo đánh nhau trước mặt học sinh; cô giáo túm cổ áo, kéo lê học sinh; học sinh đánh bạn hội … gây bức xúc trong dư luận.

Ngày 2/10, cô giáo Lê Thị Quý, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hải Hòa đã có báo cáo giải trình với UBND thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) sự việc học sinh lớp 4 của nhà trường bị giáo viên đánh, do học sinh không chịu làm bài tập cô giao.

Học sinh lớp 4 của nhà trường bị giáo viên đánh

Theo hình ảnh được người thân học sinh chia sẻ, lưng em học sinh có nhiều vết bầm tím. Khi sự việc được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người đã lên án hành động đánh học sinh của cô giáo và cho rằng đây là việc làm không đúng, không phù hợp trong môi trường giáo dục.

Cô giáo Quý cho biết, sự việc xảy ra vào hồi 15h ngày 30/9, cô giáo L.T. H đã có hành động dùng roi tre đánh nhiều lần vào lưng em P.Đ.Q, học sinh lớp 4B.

Theo cô Quý, ngay sau khi nhận được phản ánh của phụ huynh em Q, nhà trường đã mời cô H. lên trình bày sự việc đồng thời gặp gỡ trao đổi với phụ huynh học sinh và báo cáo với chính quyền địa phương.

Cũng trong ngày 2/10, bà Lưu Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND phường Kim Tân (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai), cho biết đơn vị vừa có thông báo về việc tạm dừng hoạt động dạy học của Nhóm trẻ lớp mầm non độc lập tư thục BBMC để xác minh, làm rõ việc cô giáo ẩu đả trước mặt trẻ.

Trước đó, ngày 29/9, trên mạng xã hội Facebook lan truyền video hai nữ nhân viên tại cơ sở trên đã có lời qua tiếng lại. Đỉnh điểm, nữ nhân viên bên ngoài lớp học sau đó đã xông vào trong lớp, trên tay cầm một vật (giống con dao) rồi xô đẩy nữ nhân viên trong lớp. Nhận thấy sự việc căng thẳng, một số người xung quanh đã can thiệp, ngăn không cho hai bên ẩu đả.

Đáng chú ý, vụ ẩu đả trên diễn ra ngay trong lớp học trước sự chứng kiến của hàng chục em nhỏ đang học trong lớp. Ngay sau khi video được lan truyền, lực lượng chức năng của thành phố Lào Cai đã vào cuộc xác minh và kết luận vụ việc xảy ra tại Nhóm trẻ lớp mầm non độc lập tư thục BBMC. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này chưa được cấp phép để hoạt động.

Hình ảnh trong clip cô giáo lôi cổ áo, kéo lê học sinh gây xôn xao mạng xã hội.

Tối 29/9, trên mạng xã hội xuất hiện clip một giáo viên có hành động túm cổ áo nữ sinh, kéo từ hành lang vào lớp học. Sự việc được xác định là xảy ra tại Trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Theo tường trình của cô giáo P., em N.T.K.C là bí thư chi đoàn lớp, được giao nhiệm vụ đặt bánh sinh nhật, song em không làm theo sự thống nhất với cô giáo chủ nhiệm.

Sau khi giáo viên và học sinh trao đổi, cô P. bảo học sinh ra đứng ở cửa lớp. Lớp kê bàn ghế và bày cỗ chuẩn bị sinh nhật tháng xong thì giáo viên chủ nhiệm đi ra ngoài cửa, lúc này học sinh N.T.K.C quỳ ở cửa lớp.

Cô P. bảo học sinh này đứng lên nhưng em không đứng. Do sức khỏe không tốt, học sinh nằm ra cửa lớp, cô giáo có kéo áo học sinh. Cô P. thừa nhận đã xử lý nóng vội, gây hiểu lầm…

Ngày 27/9 vừa qua, một nữ sinh lớp 9 trường THCS Thanh Mỹ (huyện Thanh Chương, Nghệ An) bị 3 bạn khác trường chở bằng xe máy đến đoạn đường vắng dẫn vào rừng keo ở xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương. Nhóm này đã túm tóc, tát vào mặt bạn. Dù nạn nhân khóc, van xin nhưng 3 bạn này không dừng tay, một người còn quay video và dọa đăng lên mạng xã hội.

Làm thế nào để chấm dứt nỗi ám ảnh bạo lực học đường?

Chia sẻ trên vov.vn, ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em cho hay, vấn đề bạo lực học đường xảy ra đã lâu, mặc dù đã được tuyên truyền giáo dục rất nhiều nhưng các vụ việc vẫn liên tục xảy ra, năm sau cao hơn năm trước. Đây là vấn đề đáng lo ngại trong ngành giáo dục hiện nay.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ trẻ em, ông An cho rằng, những sự việc xuất hiện trên báo chí mới chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm, thực tế còn nghiêm trọng hơn nhiều lần. Bởi gần đây có những sự vụ bạo lực rất tàn bạo, học sinh đánh học sinh, thầy cô giáo đánh học sinh, bảo mẫu bạo hành trẻ nhỏ... Nghiêm trọng hơn, có những em nhỏ đã phải tìm đến cái chết, khi điều tra thì nguyên nhân là do bạo lực học đường, bị nói xấu, bị đe dọa trên mạng xã hội.

Ông An khẳng định, những vụ bạo lực học đường cho thấy, ngành giáo dục hiện nay chưa có chuẩn mực đạo đức học đường cho từng cấp học, cho từng lứa tuổi phù hợp.

“Việc giáo dục về tâm lý, kỹ năng sống trong các nhà trường còn hạn chế, đó là sự thiếu hụt nghiêm trọng và cần phải thay đổi; Cần tăng cường giáo dục về kỹ năng, về đạo đức, lối sống cho trẻ, không nên nhồi nhét quá nhiều kiến thức và chạy theo thành tích. Phải chăng, sự thiếu hụt trong giáo dục đã dẫn các vụ bạo lực học đường gia tăng, học trò đánh học trò, thầy cô giáo bạo hành học sinh”, ông Nguyễn Trọng An chia sẻ.

Theo ông An, để hạn chế bạo lực học đường, biện pháp đầu tiên là giáo dục gia đình. Do áp lực cơm, áo, gạo, tiền nên vấn đề giáo dục trong gia đình từ lâu đã bị coi nhẹ. Nhiều nhà phó mặc việc giáo dục con cho nhà trường, thầy cô giáo. Nhiều bậc cha mẹ không lắng nghe trẻ nói, sao nhãng việc giáo dục con, chỉ đến khi xảy ra các sự việc đáng tiếc thì mới tỉnh ngộ.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình có quan niệm “yêu cho roi cho vọt” và thường xuyên dùng roi vọt để giáo dục con. Một đứa trẻ khi bị đánh nhiều quá sẽ trở thành một đứa bé lì lợm và xuất hiện mầm mống bạo lực. Dù ở trường hay ở nhà, đứa bé đều có thể dùng bạo lực với anh em hay bạn bè. Do đó, vấn đề giáo dục gia đình là cốt lõi.

“Luật trẻ em 2016 đã quy định là kiện toàn mạng lưới bảo vệ trẻ em 3 cấp độ. Đó là phải có mạng lưới nhân viên công tác xã hội bảo vệ trẻ em ở cộng đồng; Phải có mạng lưới công tác hội, phải có giáo viên tâm lý học đường trong các nhà trường để hỗ trợ, ổn định tâm lý cho học sinh, từ đó mới giảm thiểu được tình trạng bạo lực học đường”, ông Nguyễn Trọng An cho hay.

Trở lại với câu chuyện cô giáo túm cổ áo, kéo lê học sinh tại hành lang lớp học của Trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội), ông An khẳng định, việc mua nhầm bánh sinh nhật của học sinh là chuyện quá nhỏ để cô giáo bắt lỗi và có hình thức phạt thiếu văn hóa như vậy. Những hành động này của cô giáo không chỉ là hành động thiếu chuẩn mực mà còn là hành động vô cảm trong bối cảnh học sinh này đang có vấn đề về sức khỏe, đó là xúc phạm nhân phẩm học sinh, là bạo lực học đường đúng nghĩa.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Tạp chí Trẻ em Việt Nam

Quốc Anh (t/h)

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/lam-the-nao-de-cham-dut-bao-luc-hoc-duong-d3037.html