Lam Sơn - vùng đất 'địa linh nhân kiệt'

Cái tên Lam Sơn đối với mỗi người dân xứ Thanh đều rất thiêng liêng. Đây là một vùng đất 'địa linh nhân kiệt', là quê hương của Lê Lợi, nơi phát tích của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và cũng là 'kinh đô tưởng niệm' của vương triều Hậu Lê.

Lam Sơn vùng đất địa linh nhân kiệt

Theo các tài liệu sử sách thì đất Lam Sơn là một vùng đất rộng, trung tâm là làng Cham, quê hương Lê Lợi - nơi dòng họ Lê đã có công khai mở và xây dựng. Sách “Lam Sơn thực lục” ghi: Lam Sơn động chủ, cụ cố của trẫm họ Lê, tên là Hối, người thôn Như Áng, hương Lam Sơn, huyện Lương Giang, phủ Thanh Hóa... Một hôm đi chơi đến Lam Sơn, thấy bầy chim bay lượn quanh chân núi như dáng đông người tụ tập. Cụ nói “Nơi này là đất tốt đây”! Thế là cụ rời nhà đến đó ở.

Lê Lợi lớn lên và kế nghiệp cha ông, Lê Lợi làm chủ trại Lam Sơn, vùng đất này dân phát triển và nhiều người biết đến. Lê Lợi đã biến trại Lam Sơn thành nơi chuyên tâm đọc sách thao lược và dốc sạch của cải hậu đãi khách nhân, phát thóc giúp dân cơ bần, thu nạp người chống đối giặc Minh, ngấm ngầm nuôi giấu những kẻ sĩ mưu trí, nơi trú ẩn cho bao sinh mệnh, giúp họ không phải chịu phu phen, tạp dịch, đe dọa, đánh đập.

Vùng đất Lam Sơn còn là nơi phát tích của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn gắn với những địa danh, sự kiện lịch sử. Tiêu biểu là Hội thề Lũng Nhai (núi Pù Mé, xã Ngọc Phụng) - dấu mốc quan trọng đặt nền móng đầu tiên vững chắc cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Nơi đây, vào năm 1416, Lê Lợi đã cùng 18 vị hào kiệt dâng lễ vật, sinh huyết để tấu cáo với trời đất và sông núi, nguyện kết nghĩa anh em, chung sức đồng lòng chống giữ địa phương. Hội thề Lũng Nhai là một biểu tượng của tinh thần đoàn kết và ý chí phục quốc của các anh hùng, hào kiệt binh sĩ trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Khi Lê Lợi lên ngôi, với quan niệm“Vật gốc ở trời, người gốc ở tổ (...) Đất có thịnh thì cây mới tốt, nguồn có sâu thì nước mới dài”, vua đã chocho xây dựng Lam Kinh thành “kinh đô thứ hai” – “kinh đô tưởng niệm” của vương triều Hậu Lê.

Trong cuốn “Thanh Hóa – Nghìn xưa lưu dấu”, nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ, cho rằng: Có lẽ sau khi lên ngôi hoàng đế, vua Thuận Thiên Lê Lợi mới phát hiện thấy địa thế Lam Sơn giống địa thế Thăng Long đến kì lạ. Song, buổi đầu mới dựng nước, nhà vua chủ trương khôi phục kinh tế, không muốn xây dựng nhà cửa to tát, gây tổn hại sức dân. Cho nên Lam Sơn tuy gọi là Tây kinh, Lam Kinh, đền đài, miếu mạo vẫn sơ sài vách phên, mái cỏ. Phải chờ đến đời vua Nhân Tông, Tây Kinh hay Lam Kinh mới thật sự mang bóng dáng một kinh thành. Lam Sơn ngoài miếu đường, lăng mộ các bậc tiên đế, tiên hậu, còn được xây dựng các cung điện nguy nga, tráng lệ, toàn bộ cấu trúc là hình ảnh thu nhỏ của Thăng Long.

Lam Kinh - kinh đô tưởng niệm nhà Hậu Lê.

Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử, đến nay “kinh đô tưởng niệm” ấy đã trở thành di tích quốc gia đặc biệt gồm một quần thể kiến trúc điện, miếu, lăng mộ... phía Bắc dựa vào núi Dầu, mặt Nam nhìn ra sông Chu. Theo các nhà nghiên cứu, việc xây dựng miếu điện, lăng mộ ở Lam Kinh hoàn toàn phụ thuộc vào địa hình có sẵn, do thiên nhiên tạo ra. Trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, Phan Huy Chú có viết: “Điện Lam Kinh đằng sau gối vào núi, trước mặt trông ra sông, bốn bên non xanh nước biếc, rừng rậm um tùm. Vĩnh Lăng của Lê Thái tổ, Thiệu Lăng của Lê Thái tông và lăng của các nhà vua và hoàng hậu nhà Lê đều ở đây cả, lăng nào cũng có bia”. Nhìn từ trên cao quần thể di tích Lam Kinh trên mảnh đất thiêng ấy, được ví như cánh linh điểu rực lửa, đang giang rộng đôi cánh vút lên tầng không và in hằn vóc dáng giữa nền xanh ngút ngàn Lam Kinh. Và rồi, cánh Chu Tước ấy sẽ cất lên tiếng ca của hòa bình, độc lập và khát vọng thịnh vượng cho quê hương, đất nước.

Nhóm PV Thời sự.

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/lam-son-vung-dat-dia-linh-nhan-kiet/28948.htm