Làm sao để trở thành bác sĩ nội trú?

Bác sĩ nội trú được xem là niềm mơ ước của sinh viên sau khi hoàn thành chương trình học ngành Y khoa.

Bác sĩ nội trú là chương trình đào tạo đặc biệt dành cho sinh viên ngành Y khoa mới ra trường. Chỉ tiêu đào tạo bác sĩ nội trú đối với từng chuyên ngành rất ít, nên kỳ thì này có tỷ lệ chọi cao và diễn ra khá căng thẳng.

Tuy nhiên, đối với nhiều người khái niệm bác sĩ nội trú vẫn là điều khá mới mẻ. Để biết được bác sĩ nội trú là gì và làm sao để trở thành bác sĩ nội trú, chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong nội dung bài viết dưới đây.

Bác sĩ nội trú là niềm mơ ước của nhiều sinh viên ngành Y khoa. (Ảnh minh họa)

Làm sao để trở thành bác sĩ nội trú?

Bác sĩ nội trú là chương trình đào tạo dành cho sinh viên Y khoa chính quy đã học xong hệ đại học và muốn học lên cao hơn. Khái niệm này khá xa lạ với người bình thường nhưng với sinh viên Y khoa thì ngược lại. Họ không chỉ hiểu rõ bác sĩ nội trú là gì mà còn khao khát thi đỗ được chương trình này.

Thông thường sinh viên Y khoa sau khi kết thúc chương trình đào tạo đại học sau 6 năm, họ có thể chọn học cao hơn bằng cách thi vào chương trình bác sĩ nội trú với điều kiện dưới 27 tuổi, chưa bị kỷ luật và từng là sinh viên Y khoa chính thức. Mỗi sinh viên Y khoa chỉ được tham dự kỳ thi bác sĩ nội trú 1 lần duy nhất.

Để có thể trở thành bác sĩ nội trú, bạn phải làm bài thi dạng trắc nghiệm với thời gian làm bài mỗi môn là 90 phút. Với 4 môn thi cụ thể như sau: môn chuyên ngành 1; môn chuyên ngành 2; môn cơ sở, môn ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Trung).

Mỗi chuyên ngành đều có số lượng hạn chế chỉ tiêu bác sĩ nội trú. Hầu hết các giáo sư, tiến sĩ của ngành Y đều có xuất phát điểm với vị trí bác sĩ nội trú. Sau khi thi đỗ, bạn sẽ được đào tạo trong 3 năm với chương trình học khá nặng và quá trình đánh giá khắt khe.

Các chuyên ngành đào tạo bác sĩ nội trú

Chuyên ngành đào tạo bác sĩ nội trú rất đa dạng. Trong đó, chuyên ngành Nội khoa bao gồm: Huyết học - Truyền máu, Cấp cứu Hồi sức, Nhi khoa, Tim mạch, Lao, Thần kinh, Truyền nhiễm, Da liễu, Tâm thần, Y học cổ truyền, Y học hạt nhân, phục hồi chức năng, nội khoa.

Chuyên ngành thuộc hệ thống phẫu thuật bao gồm: ngoại khoa, răng hàm mặt, sản phụ khoa, tai mũi họng, gây mê hồi sức, nhãn khoa, chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật tạo hình, ung bướu. Chuyên ngành y học cơ bản và dự phòng: Vi sinh, Ký sinh trùng, Mô phôi, Giải phẫu bệnh, Y học dự phòng, Sinh lý học.

Thí sinh có thể tham khảo chương trình đào tạo bác sĩ nội trú của một số trường như: trường Đại học Y Hà Nội, trường Đại học Y Dược TP.HCM, trường Đại học Y Dược Cần Thơ, trường Đại học Y Huế, trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Sau khi tốt nghiệp bác sĩ nội trú, bạn sẽ được cấp bằng và chứng chỉ do Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế tỉnh cấp theo quy định của pháp luật. Với tấm bằng này, bạn sẽ dễ dàng tìm được việc làm và hành nghề trong tương lai.

Anh Anh (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/lam-sao-de-tro-thanh-bac-si-noi-tru-ar840180.html