Làm sao để tiêu cực do báo chí phát hiện được xử lý?

Sáng 28/4, tại Hà Nội, ban Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, hội Nhà báo Việt Nam, báo Nhân Dân đã đồng tổ chức hội thảo “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.

Tham dự hội thảo có các đồng chí lãnh đạo hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo báo Nhân Dân cùng nhiều chuyên gia, nhà báo và các nhà làm luật.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Thuận Hữu, Chủ tịch hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: "Báo chí, truyền thông có vai trò vô cùng to lớn trong công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Không chỉ vấn đề nhận thức, vấn đề lý luận mà thực tiễn đang ngày càng chứng minh điều đó.

Hội thảo Báo chí với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí.

Tuy nhiên trên thực tế không phải lúc nào vấn đề này cũng được nhận thức một cách đầy đủ. Cũng không phải lúc nào báo chí, nhà báo cũng được tạo điều kiện trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó và luật pháp quy định. Bao gồm cả phát hiện, nêu gương các tấm gương người tốt, việc tốt, các nhân tố mới điểm hình tiên tiến, đấu tranh các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

Mặt khác, ngay chính bản thân các nhà báo không phải lúc nào cũng có đủ nhận thức, tri thức và kỹ năng tác nghiệp để vừa tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng lãng phí một cách hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn cho bản thân và cho cơ quan báo chí".

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mong muốn hội thảo sẽ tìm ra giải pháp để thúc đẩy vai trò của báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng lãng phí. Đồng chí đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc phản ánh thực tiễn, phát hiện các điển hình tiên tiến, các tấm gương tốt, phát hiện các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

“Mặt trận giám sát không có chế tài, báo chí phát hiện cũng càng không chế tài. Vậy chúng ta phải làm thế nào cho yếu tố số một của báo chí là phát hiện ra vấn đề được chuyển thành việc hành động của Đảng, chính quyền chế tài các sai phạm này”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Hội thảo đã tiếp nhận 23 tham luận của các nhà báo, các nhà khoa học, các cơ sở đào tạo báo chí và những người quan tâm đến báo chí. Trên cơ sở đó, các đại biểu đã làm rõ hơn vai trò của báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, mối quan hệ và các nhân tố tác động tới vai trò này.

Những vấn đề đặt ra trong hoạt động thực tiễn của báo chí tham gia hoạt động đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí như: Tính khách quan, chân thực, tính chuyên nghiệp trong khai thác và xử lý thông tin về lĩnh vực này, những khó khăn bất cập, những sai phạm trong tác ngiệp báo chí, tác hại của việc thông tin sai, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của PV, BTV, BBT, TBT trong khai thác và xử lý thông tin về lĩnh vực này.

PGS.TS.Trần Văn Độ (đứng) phát biểu ý kiến tại hội thảo.

PGS.TS.Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND Tối cao chia sẻ: "Báo chí hỗ trợ rất lớn cho cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm. Nhiều vụ án nhất là các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn được phát hiện, khởi tố từ nguồn tin của báo chí. Nhiều vụ án oan sai được báo chí đề cập. Nhiều vụ án được báo chí phát hiện có bất cập trong xử lý… đã giúp cơ quan có thẩm quyền có biện pháp sửa chữa kịp thời.Tuy nhiên theo ông Độ, báo chí cũng tạo áp lực không cần thiết cho hoạt động tố tụng, nhất là phán quyết của tòa".

Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài nêu quan điểm: "Trong quá trình hành nghề, đặc biệt là khi tham gia các vụ án tham nhũng, có một vấn đề khá nhạy cảm, đang còn nhiều ý kiến khác nhau cần có sự đồng thuận trong nhận thức vì nó liên quan đến thông tin và truyền thông.

Đó chính là cách giải quyết bài toán giữa trách nhiệm bảo mật thông tin của khách hàng với bổn phận phải tố giác tội phạm của một công dân khi biết rõ khách hàng của mình phạm tội. Nếu chưa có sự xác minh, thẩm tra, đánh giá thì rất khó có căn cứ để xác định những thông tin mà khách hàng tiết lộ là đúng sự thật hay không.

Việc quy định xử lý trách nhiệm hình sự của người bào chữa như tại khoản 3, Điều 19 Bộ luật Hình sự 2015 (chưa có hiệu lực) rất dễ dẫn đến việc tùy tiện áp dụng để xử lý người bào chữa, đặc biệt trong tình hình hiện nay. Có trường hợp một số cơ quan, người tiến hành tố tụng không muốn người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự khi quan điểm bào chữa khác biệt hoặc ngược lại với quan điểm buộc tội".

Xuân Hòa

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/lam-sao-de-tieu-cuc-do-bao-chi-phat-hien-duoc-xu-ly-a323847.html