Làm sao để chống lây nhiễm cảm xúc tiêu cực?

Nếu học được cách định hướng lại sự tập trung của mình từ kích thích tiêu cực sang kích thích tích cực, bạn sẽ trở nên hạnh phúc hơn.

Mặc dù rất có thể chúng ta đang sống trong thời kỳ thịnh vượng nhất trong lịch sử,(*) nhưng cảm xúc tiêu cực có thể lây lan đến mức một số người bị nhấn chìm trong bể lo âu và thực sự bắt đầu tin rằng mọi thứ đều sai. Chủ nghĩa bi quan tập thể khiến họ dễ trở thành nạn nhân của bất lực tập nhiễm, điều này thường là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm.

(*) Ghi chú của tác giả: Hơn 100 tỷ người đã sống trên Trái đất trước chúng ta chưa từng biết đến những thứ như nước có thể uống ngay tại vòi, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẵn sàng, giáo dục và công nghệ tương đối rẻ tiền giống như chúng ta đang có ngày nay.

Mặc dù thế giới chúng ta đang sống không hoàn hảo và có lắm vấn đề, nhưng nếu đem so với các thời kỳ khác trong lịch sử, thời của chúng ta vẫn tốt hơn nhiều, theo cách này hay cách khác.

Ảnh minh họa. Nguồn: Ketut Subiyanto/Pexels.

Làm thế nào để chống lại tình trạng lây nhiễm cảm xúc tiêu cực? Làm thế nào để tránh được vòng lặp bất lực tập nhiễm? Làm thế nào để tận dụng tốt hơn những lợi thế của thế giới ngày nay? Bạn có thể thực hiện những bước nào để không chỉ trở nên hạnh phúc mà còn luôn ở trong trạng thái hạnh phúc?

Đầu tiên, bạn sẽ khám phá cách hình thành vòng lặp bất lực tập nhiễm, và sau đó học cách vượt qua nó. Để đối phó với vòng lặp này, bạn sẽ phải chuyển sự tập trung của mình từ kích thích tiêu cực sang kích thích tích cực, một cách có ý thức.

Nếu học được cách định hướng lại sự tập trung của mình từ kích thích tiêu cực sang kích thích tích cực, bạn sẽ trở nên hạnh phúc hơn.

Vòng lặp của sự bất lực tập nhiễm

Nghiên cứu của Martin Seligman chứng minh chỉ một vài kích thích tiêu cực cũng có thể thuyết phục bạn rằng mọi thứ đều tồi tệ và bạn không thể làm gì để thay đổi.[81] Từ niềm tin này, cảm giác bất lực sẽ chi phối bạn, dẫn đến trầm cảm và thái độ từ bỏ cuộc sống.

Trong một thí nghiệm, họ nhốt một con thú gặm nhấm (ví dụ như chuột hamster) vào chiếc hộp, sau đó đặt lên một tấm bìa trong suốt.[82] Chú chuột hamster cố thoát ra ngoài. Ngày đầu tiên nó nhảy hoài nhảy mãi nhưng cứ bị đập đầu vào tấm bìa. Ngày thứ hai, nó không còn tha thiết tìm cách thoát ra.

Sau vài ngày, chú chuột hamster bỏ cuộc hoàn toàn. Sau đó, các nhà nghiên cứu tháo nắp ra, nhưng nó không bao giờ cố gắng nhảy ra ngoài nữa. Sau vài lần thất bại, nó tin chắc rằng mình không có cơ hội thành công.

Mặc dù điều kiện đã thay đổi, chuột hamster vẫn nghĩ rằng nó không thể thoát khỏi hoàn cảnh. Trạng thái của chú chuột hamster này được gọi là tình trạng bất lực tập nhiễm, điều mà chúng ta cũng có thể gặp phải.

Cảm giác bất hạnh và ý nghĩ “Mình không làm được” là điển hình khi ta rơi vào trạng thái bất lực. Để minh họa rõ hơn vấn đề, chúng tôi gọi việc rơi vào trạng thái này là mắc phải hội chứng “chuột hamster”.

Vậy, khi ta nói rằng ai đó mắc hội chứng “chuột hamster”, điều đó cho thấy rõ họ đang trong hoàn cảnh thế nào. Nếu muốn sống hạnh phúc hơn, bạn cần học cách phát hiện và loại bỏ những chú chuột hamster.

Ta có thể quan sát một ví dụ khác về bất lực tập nhiễm tại các trang trại voi. (Lần này là voi thật.) Người ta thường buộc cố định con vật khổng lồ này bằng sợi dây rất mảnh. Nếu voi muốn, nó có thể dễ dàng thoát ra.

Nhưng hãy hình dung con voi này bị trói bằng cùng sợi dây đó từ khi nó còn bé. Con vật nhỏ cố gắng thoát ra nhưng không thể kéo đứt dây. Sau vài lần thất bại, nó tin rằng mình không thể trốn thoát.

Con voi bắt đầu tin mình bất lực và thôi không cố nữa. Ngay cả khi đã lớn và mạnh hơn nhiều, nó vẫn tin rằng mình không thể kéo đứt dây. Nói bằng thuật ngữ trên thì: “Con voi đã mắc hội chứng chuột hamster.”

Petr Ludwig, Adela Schicker/Fonos - NXB Dân trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/lam-sao-de-chong-lay-nhiem-cam-xuc-tieu-cuc-post1466825.html