Làm sao để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng?

Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng (VCSC), Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam phối hợp với Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa tổ chức hội thảo 'Phòng chống thông tin độc hại và lừa đảo trẻ em trên môi trường mạng', tại Hà Nội.

Trẻ em đang phải đối mặt với các thông tin độc hại tràn lan trên mạng

Thông tin tại hội thảo, Ban tổ chức cho biết sự phát triển mạnh mẽ của Internet và các thiết bị thông minh đã mở ra nhiều cơ hội để trẻ em học tập, vui chơi và tìm hiểu thế giới khi có thể dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận nhiều thông tin hữu ích. Bên cạnh những lợi ích thiết thực, trẻ em cũng đang phải đối mặt với nguy cơ tiếp cận các thông tin độc hại tràn lan trên mạng.

Theo Báo cáo của Tổ chức ChildFund Việt Nam, có tới 76% trẻ em có xu hướng tìm kiếm và chấp nhận bạn mới trên mạng xã hội. Cũng theo số liệu thống kê của Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số, gần 36,5% trẻ em đã phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực trên Internet. Hơn 13% trẻ em bị tiếp xúc không mong muốn với các tài liệu khiêu dâm trên mạng. Các thông tin độc hại, lừa đảo trở thành nguy cơ tiềm ẩn, cạm bẫy khó nhận biết luôn rình rập các em trong khi đa số trẻ chưa có đủ kỹ năng để tự bảo vệ mình khi tham gia hoạt động trên không gian mạng. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho các gia đình, nhà trường và cơ quan quản lý Nhà nước trong phòng, chống thông tin độc hại, lừa đảo và bảo vệ an toàn trên môi trường mạng.

Phó chủ tịch VNISA, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng Ngô Tuấn Anh chia sẻ tham luận tại tọa đàm.

Theo ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch VNISA, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng: Phòng, chống thông tin độc hại và lừa đảo trẻ em trên môi trường mạng là một trong những nội dung trọng tâm của Câu Lạc bộ kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động, với mục tiêu có thể cùng kết nối, chung tay xây dựng không gian mạng trong sạch, an toàn, hạnh phúc cho mọi trẻ em Việt Nam. Để hiện thực hóa được mục tiêu này, chúng tôi đang nỗ lực và sẽ tập trung vào nhiều hoạt động thiết thực.

Theo đó, thời gian tới, CLB sẽ hướng tới xây dựng và vận hành hệ thống chia sẻ dữ liệu bảo vệ trẻ em trên không gian mạng; Xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho các sản phẩm bảo vệ trẻ em để VNISA ban hành và tổ chức đánh giá cấp chứng nhận. Đồng thời, tổ chức các hoạt động để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống thông tin độc hại, lừa đảo nói riêng cũng như bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường nói chung trong thời gian tới.

Nhiều giải pháp để bảo vệ trẻ em

Tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là vấn đề quan tâm không chỉ của Việt Nam, các nước trong khu vực ASEAN mà còn là vấn đề toàn cầu. Trong những năm qua, Việt Nam đạt được một số kết quả nhất định trong vấn đề này. Chỉ riêng trong 8 tháng đầu năm 2023, nhân viên Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 đã kết nối và xử lý hơn 250 trường hợp có những thông tin, nội dung liên quan đến xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Ngoài ra, Cục Trẻ em đã có những chương trình tiếp tục nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng trong bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Thông tin tại tọa đàm, bà Đinh Thị Như Hoa, Phó phòng Kiểm định, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, những thông tin về xâm hại trẻ trên nền tảng mạng xã hội rất ít đặt trên máy chủ ở Việt Nam mà thường ở máy chủ nước ngoài. Do đó, công tác gỡ bỏ những nội dung này gặp khó khăn. Để ứng phó với những vấn đề này, trung tâm thường triển khai các biện pháp ngăn chặn để người dùng địa chỉ IP Việt Nam không thể truy cập vào các trang web có nội dung đó.

Các đại biểu thông tin và chia sẻ những giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Ông Đặng Vũ Sơn, Phó chủ tịch VNISA, nguyên Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ cho biết, nhiều năm trở lại đây, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và viễn thông đã tác động đến mọi lĩnh vực và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống mỗi người, trong đó có trẻ em. Internet và các thiết bị thông minh đã mở ra nhiều cơ hội để trẻ em học tập, tiếp cận nhiều thông tin hữu ích. Bên cạnh đó, trẻ em cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, đặc biệt là việc tiếp cận với các thông tin độc hại và lừa đảo trên môi trường mạng. Thực trạng này đòi hỏi cần có các giải pháp ngăn chặn, làm trong sạch môi trường mạng để các em có thể sử dụng internet an toàn, lành mạnh và hiệu quả.

Việt Nam đã sớm quan tâm và có các chính sách mạnh mẽ để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ ngày càng nhiều trên không gian mạng, trong đó có Quyết định số 830/TTg-CP của Chính phủ về Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”. Để các chủ trương, chính sách của Nhà nước có thể được triển khai sâu rộng, cần có sự nỗ lực chung tay của của tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cả cộng đồng.

Với vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp an toàn thông tin với các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) đã sớm tham gia xây dựng chính sách, chủ trì nhiều hoạt động hướng tới bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên không gian mạng. “Chúng tôi cũng cam kết tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức trong nước và quốc tế cũng như các doanh nghiệp để đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Cam kết này được Hiệp hội hiện thực hóa bằng nhiều hoạt động, trong đó có thành lập Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng (VCSC) hồi tháng 8 vừa qua và trở thành tổ chức chuyên môn của hiệp hội trong lĩnh vực bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên không gian mạng”, ông Đặng Vũ Sơn nhấn mạnh.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/lam-sao-de-bao-ve-tre-em-tren-khong-gian-mang-753777

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/khoa-hoc-tin-hoc/628220-lam-sao-de-bao-ve-tre-em-tren-khong-gian-mang.html