Làm sao bớt thi vô lý, lãng phí khi tuyển sinh lớp 10?

Sở GDĐT tỉnh Khánh Hòa vừa công bố điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 các trường THPT công lập, năm học 2020-2021 sắp tới. Dù kết quả điểm thi của học sinh có tốt hơn năm trước nhưng quy định thi tuyển của tỉnh vẫn bộc lộ những bất cập, bị cho là vô lý, cần bổ sung quy định, thay đổi cho phù hợp thực tế hơn.

Việc tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập ở Khánh Hòa năm học 2020-2021 theo phương thức tuyển sinh, do chủ tịch UBND tỉnh quyết định phê duyệt, được thực hiện theo xét tuyển hoặc thi tuyển. Trong đó, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và 22 trường THPT công lập thuộc các huyện đồng bằng, thị xã, thành phố của tỉnh phải tổ chức thi tuyển.

Không đủ thí sinh để tuyển vẫn phải tổ chức thi

Theo Sở GDĐT tỉnh Khánh Hòa, tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học sắp tới của 22 trường THPT công lập kể trên là 10.878 học sinh.

Còn số đăng ký dự thi vào 22 trường đó là 12.879 thí sinh. Như vậy, số thí sinh đăng ký thi tuyển chỉ cao hơn chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 của các trường đã nêu tổng cộng là 2.001 thí sinh (đó là chưa trừ số thí sinh đăng ký nhưng không thi).

Về thí sinh đăng ký dự thi, bên cạnh nhiều trường có số thí sinh chênh lệch cao hơn nhiều so với chỉ tiêu được tuyển lớp 10, vẫn có không ít trường có số thí sinh đăng ký thi tuyển thấp hơn chỉ tiêu được tuyển rất nhiều hoặc có cao hơn chỉ tiêu nhưng không bao nhiêu, chỉ từ 1 - 33 thí sinh.

Thay đổi tuyển sinh lớp 10 phù hợp, giảm thi cử sẽ giảm bớt áp lực cho học sinh cuối cấp THCS hiện nay (Ảnh chụp trường THCS Thái Nguyên, TP Nha Trang). Ảnh: Phan Sông Ngân

Chẳng hạn, trường THPT Phan Bội Châu (TP Cam Ranh) có số thí sinh đăng ký thi tuyển lớp 10 đã được Sở GDĐT “chốt” chính thức là 597 thí sinh, nhiều hơn 9 thí sinh so với chỉ tiêu được tuyển (588TS). Nhưng sau đó, thí sinh vẫn rút đăng ký, nên chỉ còn nhiều hơn 3 thí sinh. “Đã vậy, đến ngày thi lại có thêm thí sinh bỏ thi. Rốt cuộc, số thí sinh dự thi chỉ còn dư đúng 1 em so với chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 của trường. Các thầy cô đùa với nhau, may mà cũng còn dư được 1 em để gọi được là có thi thố, tuyển chọn” - một cán bộ làm công tác tổ chức thi tại trường này kể lại.

Tại huyện Cam Lâm, trường THPT Trần Bình Trọng số đăng ký dự thi và chỉ tiêu được tuyển lớp 10 cao nhất huyện. Nhưng số thí sinh đăng ký thi tuyển cũng chỉ cao hơn 16 thí sinh so với chỉ tiêu được tuyển (520 TS/504 chỉ tiêu).

Ở thị xã Ninh Hòa, trường THPT Trần Quý Cáp được tuyển 504 học sinh nhưng chỉ có 537 thí sinh đăng ký thi, nhiều hơn 33 thí sinh.

Tương tự, ở huyện Vạn Ninh, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng số thí sinh đăng ký thi chỉ nhiều hơn 8 thí sinh so với chỉ tiêu được tuyển (512TS/504 chỉ tiêu). Trường THPT Tô Văn Ơn có số thí sinh đăng ký thi nhiều hơn 19 thí sinh so với chỉ tiêu (481TS/462 chỉ tiêu).

Thế nhưng, còn có một số trường thí sinh đăng ký thi tuyển lớp 10 “âm” so với chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Đó là trường THPT Tôn Đức Thắng (thị xã Ninh Hòa) chỉ có 222 thí sinh, trong khi trường được tuyển tới 294 học sinh, tức còn “thiếu” tới 72 thí sinh so với chỉ tiêu.

Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Vạn Ninh) được tuyển 294 học sinh lớp 10 nhưng chỉ có 263 thí sinh đăng ký thi, như vậy là bị “âm” đến 31 thí sinh.

Ngay cả trường THPT Lý Tự Trọng (TP Nha Trang) được tuyển 630 học sinh nhưng chỉ có 556 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 thi vào trường. Tuy có 346 thí sinh thi vào trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và đăng ký nguyện vọng 2 vào trường THPT Lý Tự Trọng. Nhưng theo quy định, các trường chỉ dành 5% chỉ tiêu để xét tuyển theo nguyện vọng 2.

Như vậy, trường THPT Lý Tự Trọng có đến 598 chỉ tiêu tuyển sinh nguyện vọng 1 nhưng số đăng ký theo nguyện vọng vừa nêu lại thấp hơn chỉ tiêu được tuyển tới 42 thí sinh.

Thế nhưng, tất cả các trường kể trên đều vẫn phải tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 theo đúng quy định của tỉnh và quy trình của Sở GDĐT tỉnh Khánh Hòa đã ban hành.

Lãnh đạo Sở GDĐT tỉnh Khánh Hòa giải thích “các trường đó vẫn phải tổ chức thi tuyển lớp 10 là theo kế hoạch, phương án tuyển sinh đã được chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định phê duyệt từ ngay từ đầu năm 2020. Sở GDĐT không có thẩm quyền điều chỉnh, thay đổi phương án, kế hoạch đó”.

Thí sinh làm bài dưới 1 điểm vẫn đủ điểm trúng tuyển

Về điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 của 22 trường THPT công lập, vừa được Sở GDĐT tỉnh Khánh Hòa công bố, cũng có vấn đề đáng quan ngại, có sự “đồng bộ” với kiểu thi tuyển sinh kể trên.

Đó là bên cạnh nhiều trường có điểm chuẩn rất cao thì vẫn có một số trường điểm chuẩn xét tuyển chỉ từ 5 - 8,25 điểm. Điểm để xét tuyển của thí sinh tổng điểm của cả 3 môn thi. Trong đó, điểm hai môn Văn, Toán được nhân (X) hệ số 2, cộng với điểm bài thi Tiếng Anh và điểm ưu tiên (nếu có).

Theo phó giám đốc Sở GDĐT tỉnh Khánh Hòa Đỗ Hữu Quỳnh thì “nhìn chung, điểm chuẩn xét tuyển vào lớp 10 của các trường THPT công lập của tỉnh năm nay là cao hơn năm ngoái. Năm nay, tuy có dịch bệnh COVID-19 nhưng việc tổ chức học tập, ôn thi cho thí sinh ở các trường cũng có kết quả tốt hơn”.

Điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021 của Trường THPT Tôn Đức Thắng (thị xã Ninh Hòa): xét tuyển theo nguyện vọng 1 là 5 điểm; nguyện vọng 2: 8 điểm.

Còn Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Vạn Ninh) có điểm chuẩn xét tuyển nguyện vọng 1 là 5,5 điểm; nguyện vọng 2: 8,5 điểm.

Cụ thể, theo ông Quỳnh, có khoảng từ 20-25% bài thi các môn của thí sinh toàn tỉnh đạt từ 8-10 điểm. Về từng môn thi, môn Toán có đến 59,5% bài thí đạt từ điểm trung bình trở lên. Tương tự, hai môn Văn và Tiếng Anh cũng có trên 40% bài thi của thí sinh đạt điểm trung bình trở lên.

“Rõ ràng, so với năm ngoái thì tỷ lệ bài thi các môn có điểm từ trung bình trở lên đều cao hơn. Đương nhiên, khi các môn thi có điểm cao như vậy thì tỷ lệ thí sinh trúng tuyển vào lớp 10 có điểm xét tuyển đạt từ trung bình trở lên cũng chiếm tỷ lệ cao hơn” – ông Quỳnh giải thích.

Tuy nhiên, theo quy định tính điểm xét tuyển kể trên (điểm các môn Toán, Văn X 2 + điểm bài Tiếng Anh + điểm ưu tiên). Trong đó, điểm ưu tiên cho một số đối tượng được quy định từ 0,5 đến tối đa 1,5 điểm.

Như vậy, đối với trường có điểm chuẩn xét tuyển chỉ 5 điểm, nếu thí sinh được cộng điểm ưu tiên (từ 1,5 điểm), thì chỉ cần làm mỗi bài thi đạt từ 0,7 điểm trở lên là được đậu vào lớp 10. Còn thí sinh không được cộng điểm ưu tiên cũng chỉ cần làm mỗi bài thi được 1 điểm là vẫn đủ điểm trúng tuyển vào lớp 10.

Làm sao để hết thi “vô lý đến buồn cười”?

Trao đổi với phóng viên, có một số hiệu trưởng, cán bộ giáo dục đào tạo ở Khánh Hòa cho rằng, đối với các trường có thí sinh đăng ký thấp hơn chỉ tiêu được tuyển lớp 10, hoặc số thí sinh cao hơn chỉ tiêu được tuyển không nhiều như đã nêu trên, mà vẫn phải tổ chức cả kỳ thi như đã diễn ra là không cần thiết.

Đó cũng là một sự lãng phí công sức, kinh phí để tổ chức cả kỳ thi theo “đủ quy trình” quy định. Thậm chí, có người còn nói thẳng “tổ chức thi như thế là vô lý đến buồn cười”.

Bớt áp lực học hành thi cử sẽ giúp học trò có nhiều mùa vui, kỷ niệm đẹp thời đi học. Ảnh: Phan Sông Ngân

Thạc sĩ Phạm Ngọc Thắng – hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ (TP Nha Trang), nguyên chánh Văn phòng Sở GDĐT tỉnh Khánh Hòa, cho biết “trước đây cũng đã từng có đề xuất quy định chỉ tổ chức thi tuyển lớp 10 đối với các trường THPT công lập ở TP Nha Trang thôi. Vì các trường ở Nha Trang mới có tỷ lệ thí sinh đăng ký dự tuyển thường cao hơn nhiều so với chỉ tiêu được tuyển”.

“Còn với các trường ở huyện, thị xã, thành phố còn lại thì đề nghị cho xét tuyển lớp 10 như phương án xét tuyển của tỉnh đối với trường đã được xét tuyển, vì tỷ lệ thí sinh thi tuyển và được tuyển không chênh lệch bao nhiêu. Thế nhưng, đề xuất đó không được chấp thuận” – ông Thắng nói.

Để thay đổi tình trạng nhiều trường phải tổ chức thi “vô lý đến buồn cười” như đã nêu, chỉ cần bổ sung thêm quy định về phương thức tuyển sinh của tỉnh Khánh Hòa hiện nay.

Đó là đối với các trường có số thí sinh đăng ký dự tuyển thấp hơn chỉ tiêu được tuyển, hoặc thí sinh đăng ký so với chỉ tiêu có cao hơn nhưng chưa đạt đến một mức tỷ lệ quy định (giả sử, chỉ nhiều chỉ tiêu tuyển sinh dưới 20% hoặc dưới 30%) thì không phải tổ chức thi tuyển mà được chuyển sang xét tuyển.

Còn trường nào có số thí sinh đăng ký dự tuyển cao hơn chỉ tiêu từ mức tỷ lệ quy định trở lên, giả sử như mức nêu trên, thì phải tổ chức thi để tuyển sinh lớp 10.

Theo quy định đó, Sở GDĐT tỉnh kiểm tra, xác nhận trường đủ điều để thực hiện xét tuyển hay thi tuyển. Đó là quy định “mở” sẽ giúp Sở GDĐT tỉnh và các trường THPT công lập áp dụng được phương thức tuyển sinh linh loạt, tùy theo tình hình thực tế thí sinh đăng ký từng năm. Như vậy, sẽ còn giúp các trường tiết kiệm được kinh phí khi không phải tổ chức “thi tuyển vô lý” như đã kể trên.

Vì thời gian “chốt” hồ sơ, số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển vào từng trường trước ngày thi là khoảng một tháng. Đó là khoảng thời gian đủ để Sở GDĐT tỉnh và các trường THPT triển khai thực hiện xét tuyển hay thi tuyển theo quy định “mở” như đã nêu.

Sau khi nghe trao đổi về đề xuất phướng thức “mở” kể trên, phó giám đốc Sở GDĐT tỉnh Khánh Hòa Đỗ Hữu Quỳnh đã nói với phóng viên “Sở GDĐT sẽ ghi nhận, xem xét về đề xuất đó”.

Chấp nhận thay đổi là thực hiện được ngay, không có khó khăn gì

Theo quy định của tỉnh Khánh Hòa, phương thức tuyển sinh lớp 10 các trường THPT công lập hiện nay là đăng ký và tuyển sinh theo địa bàn từng khu vực của từng huyện, thị xã, thành phố. Chỉ có trường THPT chuyên Lê Quý Đôn là tuyển sinh trong toàn tỉnh.

Do đó, việc quy định “mở” như đề xuất đã nêu trên, để Sở GDĐT và các trường THPT công lập không chuyên áp dụng phương thức tuyển sinh linh hoạt (xét tuyển hay thi tuyển) tùy theo điều kiện thực tế từng năm học, theo từng địa bàn khu vực ở các địa phương.

Theo hiệu trưởng một trường THPT, đồng thời có thâm niên quản lý giáo dục lâu năm ở Khánh Hòa, đã nói “Vấn đề là các lãnh đạo của tỉnh Khánh Hòa có chịu thay đổi suy nghĩ về việc tuyển sinh của tỉnh như lâu nay hay không? Chỉ cần chấp nhận thay đổi là thực hiện được ngay, không có khó khăn gì”. (P.S.Ngân)

Phan Sông Ngân

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/lam-sao-bot-thi-vo-ly-lang-phi-khi-tuyen-sinh-lop-10-24841.html