Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý tài sản công

"Luật cần phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong vấn đề quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công”, ĐB Lưu Thành Công (đoàn Vĩnh Long) nêu ý kiến.

Sáng 31/10, tại Hội trường, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).

Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).

Sau khi kết thúc các nội dung làm việc tại Hội trường, các Đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).

ĐB Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) phát biểu: “Tôi thống nhất đề nghị với Ủy ban Tài chính Ngân sách về tên gọi của luật đổi lại là Luật Quản lý, sử dụng tài sản công cho hợp lý.

ĐBQH Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam).

Thời gian qua, chúng ta thấy việc sử dụng tài sản Nhà nước hiệu quả chưa cao, còn có lãng phí. Việc sử dụng tài sản công vào mục đích riêng vẫn còn xảy ra. Thậm chí cho thuê cho mượn, sử dụng sai mục đích, lãng phí, có cả trường hợp lạm dụng quyền hạn chức vụ trong sử dụng tài sản công dẫn đến lãng phí, tiêu cực. Chính về thế, cần thiết phải ban hành Luật để quản lý chặt chẽ tài sản công. Điều này là hết sức cần thiết.

Xây dựng luật này phải đảm bảo quản lý chặt không để xảy ra việc lạm dụng của cơ quan tổ chức, cá nhân. Đặc biệt là người đứng đầu. Xác định rõ trong luật về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý tài sản công, lấp cho được lỗ hổng trong việc sử dụng sai mục đích, lợi dụng, có ý đồ cá nhân trục lợi trong sử dụng tài sản công.

Tăng cường vai trò giám sát nhưng phải có cơ chế. Như trong dự thảo quy định vai trò giám sát của mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị. Trong này, vai trò giám sát của người dân chưa được quy định cụ thể. Giám sát cá nhân, giám sát của báo chí có nói đến nhưng chưa rõ.

Theo tôi, quan trọng nhất ở đây là cơ chế để thực hiện được quyền giám sát. Chúng ta quy định quyền giám sát nhưng cơ chế thực hiện quyền này chưa rõ.

ĐBQH Lưu Thành Công (đoàn Vĩnh Long). Ảnh: Đỗ Thơm

Đồng quan điểm về việc dự thảo Luật cần phải làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong việc quản lý, sử dụng tài sản công, ĐB Lưu Thành Công (đoàn Vĩnh Long) nhấn mạnh: “Luật làm sao phải thiết kế rõ ràng về trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý tài sản công. Theo đó, người đứng đầu cơ quan nhà nước giống như chủ nhà, phải biết nhà mình có gì, cần mua sắm gì. Chính vì thế, Luật cần phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong vấn đề quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công.

Luật phải thiết kế rõ ràng, cụ thể hơn về việc xử lý vi phạm, khen thưởng trong quản lý, sử dụng tài sản công. Làm sao việc xử lý có tính răn đe người đứng đầu để việc sử dụng, mua sắm tài sản công một cách hiệu quả”.

Đỗ Thơm

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/lam-ro-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-trong-quan-ly-tai-san-cong-a304715.html