Làm rõ nội dung quản lý và điều chỉnh hợp đồng thi công xây dựng

Hội thảo đào tạo đầu ra 4 và 5 của Dự án tăng cường năng lực trong Dự toán chi phí, Quản lý hợp đồng, Chất lượng và An toàn trong các dự án đầu tư xây dựng (CCQS) do Bộ Xây dựng và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đồng tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội. Nhiều nội dung về năng lực chuyên môn của nhà thầu thi công và quản lý, điều chỉnh hợp đồng thi công đã được các chuyên gia của JICA cũng như lãnh đạo Bộ Xây dựng làm rõ.

Quang cảnh Hội thảo.

Kỹ sư quản lý hợp đồng nên hành xử độc lập

Trong tài liệu hướng dẫn quản lý và điều chỉnh hợp đồng thi công, chuyên gia JICA khuyến nghị, tư vấn giám sát phải hoạt động độc lập hoàn toàn với chủ đầu tư. Tuy nhiên, theo tài liệu của Hiệp hội quốc tế các kỹ sư tư vấn (FIDIC) thì tư vấn giám sát phải làm việc theo quyền hạn, nhiệm vụ, quy định trong hợp đồng ký với chủ đầu tư. Và mẫu hợp đồng hài hòa của MDB là các ngân hàng phát triển, trong đó có JICA tham gia, cũng công nhận nguyên tắc trên và chỉ bổ sung thêm một số vấn đề về thời hạn cụ thể chủ đầu tư phải phê duyệt nội dungchi phí và tiến độ cho điều chỉnh hợp đồng với sự tư vấn của tư vấn giám sát, tư vấn giám sát phải hành xử độc lập về chuyên môn theo trách nhiệm nghề nghiệp, được phép kiến nghị với chủ đầu tư.

Câu hỏi đặt ra là, cách hiểu này có mâu thuẫn gì với phần thuyết trình của chuyên gia JICA?Ông Masafumi Yamauchi - Trưởng đoàn Dự án CCQScho biết, mô hình của Việt Nam, tư vấn giám sát theo hợp đồng tư vấn giám sátđược hiểu là đơn vị hỗ trợ chủ đầu tư trong giám sát hiện trường và chủ yếu làm kỹ thuật.

Còn đối với mô hình của FIDIC, vị trí kỹ sư là người chịu trách nhiệm về quản lý hợp đồng, trong đó bao gồm cả phần quản lý hiện trường giống như tư vấn giám sát (nhưng trách nhiệm và quyền hạn của kỹ sư quản lý hợp đồng rộng hơn nhiều so với tư vấn giám sát). Vị trí kỹ sư quản lý hợp đồng có thể chính là người của chủ đầu tư, hoặc ở những nước phát triển, khi trình độ của các kỹ sư tư vấn tương đối cao, đạo đức nghề nghiệp và khả năng làm việc độc lậpcao, vị trí kỹ sư quản lý hợp đồng chính là ngươìthực hiện tư vấn giám sát.

Hiện nay, tạm thời trong Dự án CCQS, các chuyên gia của JICA không gọi vị trí này là tư vấn giám sát mà chỉ gọi là kỹ sư quản lý hợp đồng, cho nên vai trò, trách nhiệm của tư vấn giám sát của Việt Nam rất hạn chế khi so sánh với vị trí quản lý hợp đồng.

JICA đồng thời đưa ra khuyến nghị, vị trí kỹ sư quản lý hợp đồng nên hành xử độc lập so với bên giao thầu, có nghĩa là họ phải đứng công bằng và trung gian giữa hai đối tượng này theo đúng đạo đức nghề nghiệp và chuyên môn.

Ở Việt Nam, tư vấn giám sát khi ký hợp đồng với chủ đầu tư và hỗ trợ chủ đầu tư về mặt kỹ thuật hiện trường cho nên có sự hiểu khác nhau về vai trò của tư vấn giám sát và kỹ sư quản lý hợp đồng. Bởi vậy trong phần khuyến nghị, JICA nhấn mạnh, kỹ sư quản lý hợp đồng phải hành xử độc lập, không khuyến nghị tư vấn giám sát hành xử độc lập vì vai trò của hai bộ phận này là khác nhau hoàn toàn.

Làm rõ nghĩa vụ bên giao thầu

Tại buổi tập huấn, ông Phạm Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng – Bộ Xây dựng cũng đã trao đổi, thảo luận những vấn đề liên quan đến Thông tư 30/2016/TT-BXD do Bộ Xây dựng ban hành ngày 30/12/2016, hướng dẫn hợp đồng thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình, trong đó nội dung về nghĩa vụ của bên giao thầu, cụ thể là về việc thỏa thuận với bên nhận thầu về hồ sơ mời thầu mua sắm thiết bị công nghệ theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng EPC đã ký. Nội dung này được các đại biểu quan tâm, cần được giải thích, chia sẻ một cách cụ thể, bởi khi đã ký hợp đồng, việc thỏa thuận với bên nhận thầu, hồ sơ mời thầu là việc rất khó và phiền phức.

Ông Phạm Văn Khánh thẳng thắn cho biết, quy định của pháp luật về vấn đề này là chưa rõ.Bởi có trường hợp ký hợp đồng, hồ sơ phải thỏa thuận với bên giao thầu.Nhưng cũng có trường hợp không phải thỏa thuận với bên giao thầu.Vì vậy, trong hợp đồng doanh nghiệp có thỏa thuận hồ sơ thì mới phải thỏa thuận.Quy định này trong Thông tư 30 sẽ sớm được chính sửa rõ.

Dự án CCQS bắt đầu từ tháng 4/2015, dự kiến kết thúc tháng 3/2018, là dự án do JICA tài trợ Bộ Xây dựng nhằm đưa ra những chính sách cải thiện cho Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam triển khai các công trình xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong thời gian thực hiện dự án, các chuyên gia JICA cố gắng cải thiện các quy định về quản lý dự án xây dựng, trước hết tập trung vào các dự án sử dụng vốn ngân sách.

Dự án gồm 5 đầu ra, đầu ra số 1 về tăng cường quản lý chất lượng thi công, đầu ra số 2 về tăng cường quản lý an toàn thi công, đầu ra số 3 về tăng cường quản lý dự toán chi phí, đầu ra số 4 về năng lực của nhà thầu thi công và đầu ra số 5 về quản lý và điều chỉnh hợp đồng thi công. Dự án tập trung nhiều vào công tác thi công và nhà thầu thi công.

Bộ Xây dựng cũng tổ chức tập huấn nội dung của sản phẩm đầu ra số 4 và số 5 cho khu vực miền Trung và miền Nam.

Thanh Nga

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/lam-ro-noi-dung-quan-ly-va-dieu-chinh-hop-dong-thi-cong-xay-dung.html