Làm rõ các yếu tố kĩ thuật khi thiết kế đường sắt tốc độ cao vừa chở hàng, vừa chở khách

Sáng nay 26/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và các dự án đường sắt quan trọng Quốc gia. Một trong những vấn đề được quan tâm thảo luận là các chuyến vận tải trên đường sắt tốc độ cao sẽ dành để chở hàng, chở khách, hay kết hợp.

Dự án đường sắt tốc độ cao có chiều dài hơn 1500km, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi, Hà Nội đến ga Thủ Thiêm, TP HCM. Vận tốc thiết kế là 350km/h. Bộ Giao thông Vận tải đề xuất 3 kịch bản với các yếu tố kĩ thuật và mức đầu tư khác nhau. Trong đó, phương án 3 được nhiều chuyên gia lựa chọn, với thiết kế tải trọng khoảng 22,5 tấn/trục, 23 ga khách, 5 ga hàng, mức đầu tư khoảng 67,34 tỉ đô.

Bên cạnh vận tải hành khách, các chuyên gia cho rằng phải tính tới vận tải hàng hóa mới có thể bù đắp chi phí đầu tư dự án này, góp phần giảm chi phí logistic đang ở mức cao hiện nay. Tuy nhiên, chạy tàu khách và tàu hàng với tốc độ chênh lệch lớn trên cùng 1 đường sắt cao tốc được đánh giá là không đủ an toàn. Trong khi đó Bộ Giao thông Vận tải nêu ra có 4 tuyến đường sắt cao tốc Quốc tế đã khai thác theo cách này.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có báo cáo, chỉ rõ các tuyến đường sắt Quốc tế vận hành song song chở tàu và chở khách. Đồng thời, chỉ rõ các yếu tố kĩ thuật để đảm bảo vận hành theo cách này.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Đỗ Minh - Trương Tùng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/lam-ro-cac-yeu-to-ki-thuat-khi-thiet-ke-duong-sat-toc-do-cao-vua-cho-hang-vua-cho-khach-215732.htm