Làm phim ngắn: Sân chơi của người trẻ

GD&TĐ - Hiện nay, phim ngắn đang dần trở thành một trào lưu được yêu thích của giới trẻ. Lấy chất liệu từ những câu chuyện có thực trong đời sống, xã hội, những thước phim ngắn đã ra đời chuyển tải nhiều thông điệp về cuộc sống.

Mặc dù còn có nhiều hạn chế, nhưng những tác phẩm này thể hiện niềm đam mê điện ảnh giúp các bạn trẻ có cơ hội sáng tạo, rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm.

Đam mê và sáng tạo

Vừa qua, một nhóm sinh viên lớp quản lý văn hóa 7A, Khoa Quản lý văn hóa nghệ thuật, ĐH Văn hóa TPHCM cho ra mắt 6 bộ phim ngắn trong “Những mảnh ghép cảm xúc”. Mỗi bộ phim là một câu chuyện phản ánh nhiều vấn đề của giới trẻ, của xã hội. Với nhiều góc quay độc đáo các bạn trẻ đã chuyển tải những thông điệp ý nghĩa về tình bạn, tình yêu và cuộc sống.

Bộ phim “Bàn tay lạnh” chuyển thể từ truyện ngắn “Coi tay vào sáng mưa” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, đã chạm đến trái tim người xem với cuộc trở về của người con sau nhiều năm thất lạc với một bàn tay trơ trọi bị cắt lìa cùng với đó là nỗi đau, mất mát, những vết thương trong tâm hồn người mẹ. “Giữ lại yêu thương” lại ấn tượng người xem với góc quay độc đáo, không chỉ thể hiện vẻ đẹp của Sài Gòn mà còn chuyển tải thông điệp ý nghĩa về tình bạn, tình yêu và cuộc sống thông qua mối tình đồng tính...

Trong làng phim ngắn, vài năm trở lại đây không thể không nhắc đến Thanh Huy, Đỗ Quốc Trung với “Cha Cha Cha”, Trần Dũng Thanh Huy - người từng có vinh dự tham gia LHP Cannes 2013 với bộ phim “16:30”, “Thằng Ròm”...

Một điểm chung của những người làm phim ngắn là biết lấy chất liệu từ những câu chuyện thực trong đời sống, xã hội, chuyển tải những thông điệp bằng ngôn ngữ điện ảnh sống động, cùng với niềm đam mê của mình để tạo những thước phim ngắn sống động.

Đạo diễn trẻ Hoàng Long cho biết: “Khi làm những bộ phim này, nhóm chúng em gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Khó khăn lớn nhất chính là địa điểm và kinh phí. Có lúc, địa điểm quay được thay đổi ở phút cuối vì chủ nhà đổi ý không cho quay phim nữa.

Sự eo hẹp về kinh phí sẽ dẫn đến những thiếu thốn về thiết bị, bối cảnh, nhân lực... Có hôm, chúng em phải quay đến 2 giờ sáng. Thế nhưng khi xem lại sản phẩm em và các bạn thấy rất hạnh phúc, qua việc làm phim, giúp chúng em có cơ hội sáng tạo, rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm”.

Cơ hội trải nghiệm

Ngày nay, với tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ kỹ thuật và truyền thông đại chúng, việc làm phim ngắn càng trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết. Chỉ cần một máy ảnh DSLR, laptop cũng đã có thể giúp các bạn trẻ làm được một phim ngắn. Nội dung phim thể hiện sự mới mẻ, sáng tạo dưới góc nhìn của những người trẻ năng động. Tuy nhiên, để có được một sản phẩm chất lượng lại đòi hỏi rất nhiều yếu tố.

Giống như các bộ phim dài, phim ngắn cũng có đầy đủ các thể loại phim truyện, phim phóng sự - tài liệu, phim hoạt hình... thể tài và chủ đề của phim cũng không có bất cứ hạn định nào.

Ông Đặng Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển tài năng Điện ảnh (TPD) cho biết, nhằm khuyến khích và động viên cho sự sáng tạo cũng như đam mê với điện ảnh, nhiều lớp học làm phim, nhiều cuộc thi làm phim ngắn với giải thưởng hấp dẫn ra đời như “Chúng tôi làm phim”, “Làm phim 48h”…

Những sân chơi hữu ích này giúp các bạn trẻ học hỏi, trau dồi và thỏa mãn được niềm đam mê của mình. Đồng thời, việc áp dụng lý thuyết song song với thực hành trong quá trình thực hiện phim ngắn giúp sinh viên hiểu được những khó khăn, giá trị của từng thước phim do chính mình làm ra.

Không nhằm mục đích thương mại, làm phim ngắn mang đến cho các bạn trẻ những cơ hội được cùng nhau trải nghiệm niềm đam mê với điện ảnh, giúp các bạn trẻ có cơ hội sáng tạo, theo đuổi niềm đam mê của mình.

Trẻ trung, năng động, đầy nhiệt huyết của những người trẻ, cùng với nội dung độc đáo, cách thể hiện mới mẻ, sáng tạo dưới góc nhìn của các bạn trẻ hi vọng những thước phim ngắn sẽ trở thành “món ăn tinh thần” vừa lạ vị, vừa hấp dẫn đối với khán giả yêu nghệ thuật thứ bảy.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/lam-phim-ngan-san-choi-cua-nguoi-tre-1784862-b.html