Lạm phát thế giới hạ nhiệt, giải tỏa áp lực cho Việt Nam

Tình hình lạm phát trên toàn cầu đang có xu hướng hạ nhiệt. Năm 2024, lạm phát bình quân toàn cầu được dự báo sẽ giảm xuống 5,8%, từ mức 6,8% của năm 2023. Xu hướng hạ nhiệt của lạm phát thế giới cũng giải tỏa áp lực cho Việt Nam khi một số hàng hóa thiết yếu phụ thuộc vào thị trường này dự báo giảm.

Nguồn: IMF. Đồ họa: Văn Chung

Lạm phát nhiều nền kinh tế lớn giảm

Trong quý I/2024, thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động do ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội của các quốc gia. Lạm phát của Mỹ tháng 2/2024 tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 2/2024, lạm phát của khu vực đồng Euro tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước; Pháp tăng 3%; Đức tăng 2,5%; Anh tăng 3,4%.

Tại châu Á, lạm phát tháng 2/2024 của Lào tăng 25,35%; Phi-lip-pin tăng 3,4%; Hàn Quốc tăng 3,1%; Indonesia tăng 2,75%.

Tại Mỹ, tăng trưởng kinh tế chậm lại được nhận định sẽ là nguyên nhân giúp giảm lạm phát về mức 2,6% năm 2024. Con số này gần với mức mục tiêu lạm phát 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khi liên tục tăng lãi suất trong năm qua.

Thông tin gần đây cho thấy, dù FED đã phát tín hiệu rằng những điều tồi tệ nhất đã qua, nhưng nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tiềm ẩn những nguy cơ có thể đẩy lạm phát tăng lên. Tính tới tháng 11/2023, lượng tiền tiết kiệm dư thừa cộng dồn của các hộ gia đình Mỹ là 290 tỷ USD và số tiền này có thể tiếp tục đẩy nhu cầu tiêu dùng và từ đó kéo lạm phát đi lên.

Tại châu Âu, lạm phát của các nền kinh tế phát triển được dự báo ở mức bình quân 3,3% trong năm nay. Giá khí đốt giảm và tăng trưởng GDP chậm lại có thể giúp kìm hãm lạm phát tại khu vực này.

Ở châu Á, Trung Quốc đang đối mặt tình trạng giảm phát do cuộc khủng hoảng bất động sản. Trong bối cảnh hoạt động kinh tế ảm đạm, ngành sản xuất suy giảm và niềm tin của người tiêu dùng xuống thấp, lạm phát tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được dự báo là 1,7% năm 2024.

Hay như tại Venezuela, nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, được dự báo ghi nhận lạm phát lên tới 230% năm 2024, mức cao nhất thế giới. Tuy nhiên, đây đã là mức giảm lớn bởi suốt thập kỷ qua, ghi nhận quốc gia này đối mặt tình trạng siêu lạm phát, thậm chí lên tới 9.586% vào năm 2019. Kể từ khi Mỹ nới lỏng một số cấm vận với Venezuela vào năm ngoái, lạm phát tại nước này đã giảm đáng kể nhờ chi tiêu của chính phủ giảm và quá trình đôla hóa nền kinh tế được đẩy mạnh, từ đó giúp đồng nội tệ Bolivar tăng giá.

Đang có xu hướng hạ nhiệt

Năm 2024, lạm phát bình quân toàn cầu được dự báo sẽ giảm xuống 5,8%, từ mức 6,8% của năm 2023, tình hình lạm phát đang có xu hướng hạ nhiệt. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định vẫn có nguy cơ xảy ra một làn sóng lạm phát tăng mạnh do xung đột địa chính trị và gián đoạn chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, thị trường lao động mạnh hơn dự báo cũng có thể thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, từ đó đẩy giá cả leo thang.

Tăng giá điện 2 lần làm CPI chung tăng 0,31 điểm phần trăm

Các yếu tố làm tăng CPI quý I/2024 so với cùng kỳ năm trước: Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng dịp lễ tết, tác động làm CPI chung tăng 0,55 điểm phần trăm.

Chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 9,38% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với từ ngày 4/5/2023 và ngày 9/11/2023, EVN điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, góp phần làm CPI chung tăng 0,31 điểm phần trăm.

Chỉ số giá nhóm giáo dục quý I tăng 9,02%, làm CPI chung tăng 0,56 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,51%, làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,4%, làm CPI chung tăng 1,02 điểm phần trăm.

Theo IMF, năm 2024, lạm phát bình quân toàn cầu được dự báo sẽ giảm xuống 5,8%, từ mức 6,8% của năm 2023. Tổ chức này nhận định áp lực giá cả trên thế giới sẽ giảm bớt khi các quốc gia duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, giá năng lượng giảm, cùng với thị trường lao động mạnh.

Việt Nam được dự báo ghi nhận lạm phát 3,4% năm 2024. Con số này thấp hơn mức lạm phát mục tiêu đã được Quốc hội thông qua cho năm nay là từ 4%-4,5%. Năm 2023, lạm phát bình quân của Việt Nam tăng 3,25%.

Theo chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long, điều hành lạm phát năm nay không quá khó. Bởi ông đánh giá, cơ quan quản lý đã rất có kinh nghiệm trong điều hành giữ lạm phát thấp trong nhiều năm qua. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm.

Trong đó, nhiều giải pháp được triển khai như: Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8%; giảm thuế môi trường với nhiên liệu bay; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp… Đây là các giải pháp quan trọng nhằm bình ổn thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát thấp theo mục tiêu.

Theo ông Ngô Trí Long, lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức phù hợp để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, minh chứng là CPI tháng 3/2024 so với tháng trước giảm 0,23% (khu vực thành thị giảm 0,21%; khu vực nông thôn giảm 0,25%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 7 nhóm hàng giảm giá và 4 nhóm hàng tăng giá.

Bên cạnh nhiều yếu tố tác động lên lạm phát, thì vẫn còn những yếu tố giúp kiềm chế lạm phát như: Việt Nam có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đây là lợi thế của Việt Nam, giúp giảm bớt áp lực lạm phát. Bên cạnh đó, lạm phát toàn cầu hạ nhiệt cũng sẽ giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát, đồng thời giúp cải thiện yếu tố tâm lý, kỳ vọng, hỗ trợ kiểm soát lạm phát.

Nhiều yếu tố “đe dọa” lạm phát

Phải khẳng định rằng, chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Chính phủ trong những năm qua sẽ giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân, từ đó ổn định kỳ vọng lạm phát.

Năm 2024, giới phân tích cho rằng, việc kiểm soát lạm phát không gặp áp lực quá lớn song vẫn cần cẩn trọng với nhiều yếu tố khó dự đoán. Tại Báo cáo nghiên cứu toàn cầu về Việt Nam vừa công bố, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam dự báo, chỉ số lạm phát của Việt Nam sẽ tăng lên mức 5,5% trong năm 2024.

Không đáng lo ngại như dự báo trên, tại Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 1-2024, Ngân hàng HSBC nhận định, lạm phát vẫn là vấn đề đáng lưu tâm. HSBC kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong năm 2024, dự báo ở mức 3,4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu Quốc hội đề ra là 4 - 4,5%.

Tuy vậy cũng không nên quá chủ quan, bởi giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao trong khi tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên biến động của giá hàng hóa trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, đô la Mỹ tăng giá làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước.

Những yếu tố “đe dọa” lạm phát còn đến từ việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, các chi phí thực hiện vào giá dịch vụ y tế và học phí giáo dục sẽ tác động làm tăng CPI. Hay như việc EVN có thể tiếp tục tăng giá điện khi nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, than đều đang ở mức cao; tăng lương cơ sở sẽ kéo theo giá các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong gia đình tăng lên… cũng sẽ tác động làm tăng CPI.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/lam-phat-the-gioi-ha-nhiet-giai-toa-ap-luc-cho-viet-nam-148842-148842.html