Làm giàu từ mô hình VAC

Trở về sau kháng chiến chống Mỹ, anh Hoàng Khởi Tằng, sinh năm 1950 quê ở thôn Lục Nà, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đã bị mất đi bàn tay phải. Không khuất phục với số phận nghiệt ngã, ông đã vươn lên làm kinh tế và trở thành một tấm gương điển hình cho phong trào “Hộ gia đình làm kinh tế giỏi”.

Mô hình kinh tế của ông Tằng là cả vườn cây ăn quả được trồng xen đá. Con suối Pắc Cậm ngay sau nhà vào mùa nước cạn trở thành bãi đá rộng mênh mông, từ bao đời nay chưa ai dám nghĩ đến việc cải tạo hay trồng cây trên đá. Thế nhưng, ông Tằng mạnh dạn thuê máy về đào bớt đá để trồng cây ăn quả, số đá lấy từ con suối ông xây một con đê vững chắc ngăn nước lũ. Nhìn ra vườn cây ăn quả của ông, bà con quanh xóm ai cũng nể phục, ít ai nghĩ rằng chủ của nó là người thương binh cụt một cánh tay. Hiện nay, vườn cây ăn quả của gia đình ông có gần 400 gốc các loại, đã cho thu hoạch, còn trang trại lợn đang có trên dưới 30 con, mỗi năm cho xuất khoảng 5 tấn lợn thịt. Ngoài ra, gia đình ông còn là nguồn cung cấp lợn giống an toàn cho bà con trong xã. Thêm vào đó là ao cá ngay sau nhà giúp gia đình ông cải thiện bữa ăn. Thời gian tới, ông sẽ tiếp tục mở rộng mô hình trồng cây ăn quả và nuôi gia súc, gia cầm. Mỗi năm, trừ các chi phí, thu nhập của gia đình ông đạt khoảng 70 đến 80 triệu đồng. Từ mô hình VAC hiệu quả của ông Tằng, nhiều gia đình học, làm theo và đều nhận được sự giúp đỡ tận tình của ông. Khi hỏi về bí quyết làm kinh tế, ông Tằng chia sẻ: “Cái quan trọng nhất của người làm kinh tế là phải quyết tâm, dám nghĩ, dám làm. Đặc biệt, khi phát triển mô hình kinh tế VAC thì chú trọng đến giống và cách chăm sóc. Có như vậy mới đạt được kết quả cao”. Bài và ảnh: CAO TUÂN - NGÂN HỒNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/11/11/11/119190/Default.aspx