Làm gì để trẻ không bị ngộ độc khi đi dã ngoại?

Theo chuyên gia, cần dạy cho trẻ cách nhận diện thực phẩm. Khi trẻ biết cách nhận diện thực phẩm thì sẽ không có câu chuyện bữa ăn có vấn đề mà một lượng lớn học sinh đều không phát hiện ra.

Liên quan đến vụ học sinh Trường Tiểu học Kim Giang (Hà Nội) nghi bị ngộ độc thực phẩm sau chuyến dã ngoại, chiều 29/3, thông tin từ Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm Hà Nội, tính đến 12h cùng ngày đã có 73 học sinh có các biểu hiện ngộ độc phải vào viện cấp cứu và điều trị. Trong số đó, 58 cháu đã được ra viện, hiện còn 15 cháu đang điều trị tại các cơ sở y tế.

Sự việc kể trên một lần nữa đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc bảo đảm an toàn cho học sinh khi tham gia các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường. Vậy phải làm gì để đảm bảo an toàn cho trẻ khi đi dã ngoại?

Trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, Chuyên gia giáo dục – TS. Vũ Thu Hương cho biết, tại nhiều nước trên thế giới, ở các nhà trường hoạt động dã ngoại và thực hành chiến đến 40% thời lượng học tập, thì ở Việt Nam lại quá ít, 9 tháng học chỉ có 2 – 3 buổi dã ngoại. Điều này cho thấy học sinh Việt Nam vẫn nặng học lý thuyết và rất ít thực hành, không có tính thực tế. Đây là câu chuyện cũ vẫn chưa thể giải quyết được.

Học sinh Trường Tiểu học Kim Giang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai vào trưa ngày 29/3.

Và nguyên tắc của dã ngoại là phải được học về thực hành, học về thực tế, học về kỹ năng sống,… cho nên việc chăm lo bữa ăn của chính mình cũng là một nội dung giáo dục, chứ không phải đi dã ngoại là các con đi chơi và được phục vụ. Nếu học sinh đi dã ngoại lại chủ yếu chơi và được phục vụ thì chuyến dã ngoại đã hoàn toàn sai về ý nghĩa.

"Cái sai này xuất phát từ tâm lý chiều học sinh của gia đình và nhà trường. Nếu các con tự chuẩn bị cho bữa ăn của chính mình (hoặc bố mẹ chuẩn bị cho tại nhà) thì sẽ không có câu chuyện ngộ độc tập thể như vậy. Đến bữa ăn, mỗi bạn sẽ phải tự mang xuất ăn đã chuẩn bị tại nhà của mình ra, tự tìm chỗ ngồi, tự phục vụ bản thân… Nếu trong điều kiện thời tiết nắng nóng không may khiến thức ăn bị hỏng thì các con cũng cần phải biết cách phản ứng, bằng việc nhờ đến sự giúp đỡ của thầy cô giáo hoặc các bạn", TS. Vũ Thu Hương hướng dẫn.

Cũng theo TS. Vũ Thu Hương, phần lớn các bậc cha mẹ cũng chưa hề có ý định dạy trẻ cách nhận diện thực phẩm. Nếu trẻ biết cách nhận diện thực phẩm thì sẽ không có câu chuyện bữa ăn có vấn đề mà một lượng lớn học sinh đều không phát hiện ra.

"Điều này rất quan trọng! Cần phải dạy cho con cách nhận diện thực phẩm không ăn toàn, như thức ăn chưa chín hay thức ăn đã bị ôi thiu… Nếu biết được những kỹ năng đơn giản này thì chắc chắn việc bị ngộ độc tập thể sẽ được hạn chế rất nhiều, thậm chí khó có thể xảy ra.

Bởi có không ít những câu chuyện con vô tư sử dụng thực phẩm hỏng mà không hề hay biết, như việc uống hết hộp sữa rồi bị đau bụng, mẹ cắt hộp sữa ra thì mới thấy sữa đã hỏng, mốc. Hay con ăn hết đùi gà chiên rồi mẹ mới thấy thịt gà còn chưa chín kỹ… Chính vì vậy, việc dạy cho trẻ cách nhận diện đồ ăn không an toàn là vô cùng cần thiết", Chuyên gia giáo dục – TS. Vũ Thu Hương phân tích.

Để tránh ngộ độc, cần tổ chức thật tốt khi đi dã ngoại

Cũng liên quan đến sự việc nêu trên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, hiện nay nhiều trường tổ chức di tham quan vào ngày lễ, ngày nghỉ cho học sinh. Trước mỗi chuyến đi dã ngoại như vậy cần phải được chuẩn bị rất cẩn thận.

"Điều quan trọng nhất khi nhà trường tổ chức cho trẻ đi dã ngoại là phải tổ chức cho tốt. Nếu đã nghĩ đến chuyện mang thức ăn từ trường hoặc ký hợp đồng với đơn vị cung cấp thì cần phải kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ cơ sở. Muốn có chuyến đi tham quan trọn vẹn, ban giám hiệu nhà trường phải quá có quá trình kiểm tra kỹ càng chứ không thể qua loa. Các trường cần yêu cầu rõ cơ sở nấu ăn phải tuân theo yêu cầu của mình, đồng thời yêu cầu đơn vị đó phải chịu trách nhiệm", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nêu ý kiến.

Về nguyên nhân khiến các học sinh Trường Tiểu học Kim Giang bị ngộ độc, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh đưa ra phán đoán, có thể do sinh vật khác nhiễm vào trong quá trình bảo quản thực phẩm mà cụ thể là độc tố thịt (Clostridium botulinum). Khi nấu chín thức ăn vi sinh vật chết nhưng độc tố không mất, dẫn đến trẻ ăn vào bị ngộ độc. Hoặc cũng có thể do quá trình bảo quản thực phẩm tại cơ sở chế biến không đúng quy trình nên đã bị nhiễm khuẩn.

Mời bạn đọc xem tiếp video: Hơn 50 học sinh ngộ độc sau chuyến dã ngoại giờ ra sao?

Tình Hình Hơn 50 Học Sinh Nghi Ngộ Độc Sau Chuyến Dã Ngoại Giờ Ra Sao? SKĐS

Quỳnh Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lam-gi-de-tre-khong-bi-ngo-doc-khi-di-da-ngoai-16923033011462656.htm