Làm gì để thực phẩm Việt tăng thêm sức hút trên thị trường toàn cầu?

Tăng thêm sức hút là một trong những 'chìa khóa' có thể mang lại thành công cho các doanh nghiệp (DN) thực phẩm Việt trên thị trường toàn cầu. Thế nhưng, điều đáng lo là hiện nay có nhiều DN trong lĩnh vực này vẫn chưa thực sự quan tâm đến chiến lược tiếp thị quốc tế, quảng bá sản phẩm, tăng độ nhận diện thương hiệu để thâm nhập vào nhiều thị trường khác nhau.

Trao đổi với các DN nội địa trong ngành thực phẩm, ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm Tp. HCM (FFA) lưu ý là hiện nay, các DN trong nước chỉ mới chủ động nắm bắt các quy định về kỹ thuật, yêu cầu tiêu chuẩn cụ thể của các thị trường, cách tiếp cận về an toàn thực phẩm… Phần lớn DN chưa thực sự quan tâm trong việc xây dựng, triển khai chiến lược tiếp thị và quảng bá sản phẩm, tăng độ nhận diện thương hiệu cho DN thâm nhập vào nhiều thị trường khác nhau.

Cần có chiến thuật tiếp thị quốc tế

Theo ông Hiến, đó là điều mà các DN thực phẩm Việt cần hết sức lưu tâm để chú trọng nhiều về mặt thương hiệu nhằm tăng thêm sức hút trên thị trường toàn cầu. Bởi lẽ, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông, thủy sản và thực phẩm chế biến lớn trên thế giới với nhiều mặt hàng tiêu biểu như gạo, chè, điều, cà phê, hồ tiêu… và có nhiều lợi thế quan trọng để các DN tận dụng.

Một trong những cách để DN thực phẩm Việt tăng sức hút là chú trọng đến khẩu vị người dùng, đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng.

Cần nhắc lại đánh giá của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) với những nông sản xuất khẩu có thương hiệu riêng sẽ gia tăng giá trị 200 - 300%, thậm chí có loại tăng đến 500%. Đó là một phần lý do thúc đẩy các DN thực phẩm Việt cần đầu tư xây dựng hệ thống chế biến các nông sản thực phẩm chất lượng cao và xúc tiến quảng bá thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Để thực phẩm Việt tăng thu hút với khách hàng quốc tế, Ts. Hoàng Văn Việt - Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh FARE (Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM) cho rằng các DN có thể sử dụng chiến lược tiếp thị kỹ thuật số qua các kênh như: Mạng xã hội, Youtube, Tiktok, website của DN, thư điện tử quảng cáo…

Hơn nữa, như chia sẻ của ông Việt, các DN thực phẩm cần tìm hiểu khách hàng và thị trường mục tiêu. Cần hiểu được giá trị cốt lõi, sự khác biệt và lợi thế từ DN của mình và tạo ra các thông điệp chính. Bên cạnh đó, cần xây dựng một kế hoạch tiếp thị mang tính chiến thuật.

Trong việc tăng sức hút cho thực phẩm Việt trên thị trường toàn cầu cũng có thể tham khảo thêm cách làm của Công ty Liên doanh Bột quốc tế (Intermix) - một DN hàng đầu của Việt Nam về sản xuất và xuất khẩu bột trộn sẵn, chủ thương hiệu Mikko Hương Xưa.

Ngày 5/9, công ty này đã tổ chức một buổi đón tiếp long trọng một nữ diễn viên nổi tiếng của Ấn Độ là Avika Gor (người thủ vai chính Nàng Anandi trong bộ phim truyền hình “Cô dâu 8 tuổi”) đến tham quan và giao lưu. Cùng tham gia là một dàn KOL (người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội), các TikToker, Youtuber và một vài nhân vật có tên tuổi trong giới showbiz…

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng việc DN Việt Nam thông qua những chương trình gặp gỡ, giao lưu với các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới, được nhiều người biết đến như nữ diễn viên Avika Gor là một sự hợp tác rất ý nghĩa, thiết thực, hứa hẹn mang lại nhiều kết quả.

“Chìa khóa” gia tăng sức cạnh tranh

Qua những hoạt động hợp tác như vậy, theo bà Hạnh, sẽ giúp lan tỏa giá trị sản phẩm, nâng tầm thương hiệu của DN Việt trên trường quốc tế. Ấn Độ là một thị trường hơn 1 tỷ dân mà hiện nay nhiều DN rất quan tâm, nếu DN làm tốt việc tìm hiểu người tiêu dùng Ấn Độ, tìm thị hiếu thị trường, thì đây là cơ hội lớn cho DN Việt Nam.

“Chẳng hạn như việc DN với đặc trưng là các dòng bột trộn sẵn, phù hợp cho nhiều người tiêu dùng theo đạo Hindu, Hồi giáo trong chế biến món ăn, hay thậm chí là cho các nhà sản xuất bánh tại Ấn Độ…”, bà Hạnh nói.

Còn đứng ở góc độ của một công ty thực phẩm, bà Huỳnh Kim Chi, Tổng giám đốc Intermix, bày tỏ rằng nét văn hóa ẩm thực của Việt Nam và Ấn Độ đều rất phong phú, đa dạng, những sản phẩm mang thương hiệu công ty chắc chắn có sự phù hợp cho những món ăn của người dân Ấn Độ.

Ngoài cách làm như trên, để tăng sức hút một cách hiệu quả cho ngành thực phẩm Việt, bà Bạch Ngọc Hải Yến, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Greatlink Maihouse, cho rằng việc mở rộng thị trường kinh doanh sẽ giúp cho DN Việt gia tăng doanh số bán hàng và góp phần quảng bá thương hiệu trên thị trường quốc tế. Nhưng đây cũng là một thách thức đối với DN khi gia tăng cạnh tranh với các đối thủ quốc tế khác.

Chính vì thế, như lời khuyên của bà Yến, việc xây dựng và duy trì mối quan hệ với khách hàng quốc tế chính là “chìa khóa” thành công, gia tăng sức cạnh tranh cho các DN thực phẩm Việt. Để đạt được điều đó, DN cần nghiên cứu kỹ thị trường (văn hóa, ngôn ngữ, hướng dẫn về vận chuyển, thuế, thanh toán,…), hiểu rõ yêu cầu và mong đợi của khách hàng, xây dựng các giải pháp chăm sóc khách hàng lâu dài, lắng nghe và ghi nhận phản hồi của khách hàng để cải thiện chất lượng dịch vụ và sản phẩm.

Với kinh nghiệm của một DN thực phẩm Việt đã nhiều năm chinh phục thị trường quốc tế, ông Diệp Nam Hải, Tổng giám đốc CTCP Thực phẩm Cholimex, đã nhấn mạnh đến áp dụng chiến lược tiếp thị một cách phù hợp nhất và chú trọng đến khẩu vị người dùng, đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng.

Ngoài ra, theo ông Hải, công ty cũng xây dựng hệ thống quản trị chất lượng, kiểm soát chặt chẽ đầu vào chuỗi cung ứng từ chất lượng, nguồn gốc, giá cả, để đảm bảo hiệu quả về đầu ra của chất lượng và giá thành sản phẩm.

Bên cạnh những chia sẻ nêu trên, giới chuyên gia khuyến nghị các DN thực phẩm Việt cần chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp thị quốc tế và phát triển thương hiệu. Chẳng hạn như đặt hàng và kiểm soát chất lượng từ xa dựa trên nền tảng công nghệ số để từ đó kết nối và tăng tương tác với khách hàng toàn cầu cả trong quá trình sản xuất và giao thương.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/lam-gi-de-thuc-pham-viet-tang-them-suc-hut-tren-thi-truong-toan-cau-1095131.html