Làm gì để phát huy sức mạnh của đầu tư công?

Theo các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), để phát huy sức mạnh của đầu tư công, trong thời gian tới, Việt Nam cần duy trì bền vững mức đầu tư, nâng cao chất lượng của dự án và khắc phục những tồn tại trong quản lý đầu tư công.

Dự kiến Việt Nam cần đầu tư bình quân 7,3% GDP mỗi năm cho hạ tầng trong giai đoạn 2021 - 2030. Ảnh: TL

Nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện

Trong quá trình phát triển hướng tới mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam mong muốn trở thành quốc gia công nghiệp và hiện đại, đem lại chất lượng sống tốt hơn cho người dân. Để đạt được mục tiêu phát triển đầy tham vọng nêu trên, dự kiến Chính phủ Việt Nam cần đầu tư bình quân 7,3% GDP mỗi năm cho hạ tầng trong giai đoạn 2021 - 2030. Mặc dù nhu cầu ngày càng lớn, nhưng đầu tư công của Việt Nam đã và đang theo xu hướng giảm dần, từ 8% GDP trong năm 2011 xuống còn 6% trong năm 2022.

Nhìn chung, nền kinh tế vẫn tương đối thiếu vốn đầu tư, đầu tư công tính trên mỗi người và trên mỗi lao động vẫn thấp hơn nhiều so với mức ở các quốc gia thu nhập trung bình cao và quốc gia thu nhập cao. Trong khi đó, kinh

nghiệm quốc tế cho thấy, đầu tư là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của các quốc gia tăng trưởng cao khi họ ở trình độ phát triển của Việt Nam hiện nay.

Chia sẻ xung quanh vấn đề đầu tư công, bà Vũ Hoàng Quyên - chuyên gia Quản trị công cao cấp của WB tại Việt Nam đã chỉ ra rằng, trong giai đoạn từ 2017 - 2022, ngân sách đầu tư thực hiện luôn thấp hơn dự toán, chỉ giải ngân được trung bình 77% dự toán phân bổ. Chênh lệch lớn giữa số dự toán và số thực giải ngân (23%), kèm theo đó là tình trạng chi đầu tư bị chuyển nguồn ở mức cao, đã và đang cao hơn hẳn so với nhiều quốc gia so sánh và cách xa so với thông lệ quốc tế tốt là dưới 5%.

Việc chậm tiến độ khiến cho các dự án bị đội vốn ở mức cao. Theo đánh giá gần đây của WB về một số dự án giao thông quy mô lớn, chậm tiến độ bình quân lên đến 5 năm, mức đội vốn bình quân lên đến gấp đôi so với dự toán kinh phí ban đầu ở giai đoạn thiết kế và phân bổ ngân sách.

Bên cạnh đó, hiệu suất đầu tư còn thấp do trùng lặp trong phân bổ, thách thức trong triển khai, tác động ngoại ứng tiêu cực, huy động nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân chưa tối ưu.

Còn dư địa để tăng chi đầu tư công

Theo các chuyên gia của WB, trong thời gian tới, để phát huy sức mạnh của đầu tư công, Việt Nam cần duy trì bền vững mức đầu tư, hợp lý hóa cơ cấu đầu tư và xử lý những bất cập về thể chế trong quản lý đầu tư theo hướng hỗ trợ cho lộ trình để Việt Nam chuyển sang mô hình xanh hơn với khả năng chống chịu cao hơn.

Các chuyên gia cho rằng, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư; bảo đảm công khai, minh bạch trong việc huy động, quản lý, sử dụng vốn vay; xác định rõ trách nhiệm đồng thời cũng phát huy tính chủ động sáng tạo của các tổ chức, cá nhân liên quan đến đề xuất, phê duyệt, triển khai thực hiện dự án đầu tư công.

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Theo Ngân hàng Thế giới, ngân sách đầu tư công theo kế hoạch nếu được triển khai đầy đủ sẽ nâng đầu tư công lên 7,1% GDP trong năm 2023, so với mức 5,5% GDP dự toán trong năm 2022, với xung lực tài khóa hỗ trợ cho tổng cầu ở mức 0,4% GDP. Trong nửa đầu năm 2023, công tác triển khai đang được đẩy nhanh khi giải ngân vốn đầu tư công tăng tới 43,3% so cùng kỳ năm trước.

Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và bảo đảm phối hợp chặt chẽ, kịp thời ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong thực hiện dự án đầu tư công.

Khuyến nghị những biện pháp trong ngắn hạn, bà Dorsati Madani - chuyên gia kinh tế cao cấp của WB tại Việt Nam cho rằng, cần đặt ra những mục tiêu cụ thể về việc thực hiện những chương trình đầu tư công lớn của quốc gia.

Các bước đi nhằm đẩy nhanh và cải thiện hiệu suất triển khai sẽ giúp giải quyết những hạn chế phát sinh về hạ tầng để phục vụ tăng trưởng, bao gồm nhu cầu đầu tư cấp thiết cho mạng lưới truyền tải điện cũng như nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

Những bước đi đó có thể bao gồm xác định chỉ tiêu giải ngân đầu tư và đảm bảo hiệu lực thực thi, trách nhiệm giải trình ở các cấp chính quyền khác nhau để hoàn thành chỉ tiêu; tập trung cao độ để giải ngân các chương trình đầu tư quan trọng của quốc gia như đường cao tốc, truyền tải điện và các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, có thể cho phép được linh hoạt phần nào để thực hiện một số hoạt động đấu thầu sớm trước khi phân bổ ngân sách (với một số trường hợp đặc biệt).

Còn theo bà Vũ Hoàng Quyên, để tăng cường các thể chế quản lý đầu tư công, Chính phủ cần cải thiện chất lượng đầu vào của dự án bằng cách bố trí thêm thời gian và ngân sách cho khâu chuẩn bị dự án, đưa ra hướng dẫn về phương pháp luận để xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho các dự án. Cần định kỳ cập nhật định mức, đơn giá đầu tư và giá đất cho sát hơn với thị trường để đảm bảo dự toán được lập sát thực tế.

Điều quan trọng không kém là cần đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Giải pháp mang tính thực tiễn là bóc tách giải phóng mặt bằng/tái định cư ra khỏi dự án đầu tư, nhất là với các dự án lớn. Các bộ, ngành trung ương và các tỉnh cần xây dựng các cơ chế có hệ thống và được số hóa để xác định các dự án có rủi ro cao về chậm trễ, không hoàn thành và hợp lý hóa các quy trình, thủ tục điều chỉnh hoặc chấm dứt dự án. Đồng thời, phạm vi và chiều sâu đánh giá hậu kiểm của dự án cần được tăng cường, ít nhất đối với các dự án lớn và quy mô trung bình.

Bà Quyên cũng đánh giá cao những giải pháp và sự tích cực vào cuộc của Chính phủ trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ 6 tháng đầu năm 2023. Bà cũng cho rằng, duy trì bền vững mức đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cơ sở hạ tầng xã hội và sản xuất, tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân đẩy mạnh đầu tư.

“Việt Nam còn dư địa tài khóa rộng khi nợ công và nợ được khu vực công bảo lãnh chỉ đang ở mức 35,7% GDP vào năm 2022 so với ngưỡng nợ 60% do Quốc hội đề ra. Dư địa tài khóa này tạo điều kiện cho Việt Nam có thể chi đầu tư công nhiều hơn để đẩy mạnh tăng trưởng bền vững” - bà Vũ Hoàng Quyên nhấn mạnh.

Cân nhắc vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu trong lựa chọn dự án ưu tiên

Theo WB, đầu tư và tài sản công tại Việt Nam ngày càng có nguy cơ đối diện với rủi ro khí hậu gia tăng. Trong đó bao gồm cả nguy cơ đối với cơ sở vật chất do các hiện tượng thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra, cũng như rủi ro chuyển đổi khi quốc gia đã cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Ước tính của WB cho thấy, trong năm 2022, phí tổn do thiệt hại trực tiếp đối với công trình hạ tầng năng lượng và giao thông do bão và ngập lụt gây ra ước lên đến 475 triệu USD. Các

doanh nghiệp ước tính họ phải chi đến 280 triệu USD do hạ tầng chưa đảm bảo tin cậy và có khả năng chống chịu. Tổng nhu cầu tài chính phát sinh thêm của Việt Nam để xử lý những thách thức liên quan đến BĐKH và chuyển đổi xanh có thể lên đến khoảng 701 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm.

Tuy nhiên, vấn đề thích ứng với BĐKH chưa được tính toán kỹ lưỡng cũng như chưa được cân nhắc trong việc lựa chọn dự án ưu tiên. Các cấp chính quyền địa phương chưa được chuẩn bị sẵn sàng, vì chưa có chính sách, hướng dẫn cũng như quy trình để đánh giá và giảm thiểu những rủi ro về cơ sở vật chất và rủi ro chuyển đổi đối với những tài sản và công trình đầu tư lớn.

Để nâng cao tác động của đầu tư công nhằm cải thiện khả năng thích ứng, chống chịu BĐKH, các chuyên gia WB khuyến nghị, Chính phủ cần quy định về đánh giá tác động của BĐKH ngay từ khâu đầu khi chuẩn bị dự án và đánh giá các biện pháp thích ứng trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi của các dự án có rủi ro khí hậu lớn.

Thảo Miên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/lam-gi-de-phat-huy-suc-manh-cua-dau-tu-cong-133859-133859.html