Làm gì để ngăn chặn hàng lậu, hàng giả và kém chất lượng dịp cận Tết?

Mới đây lực lượng quản lý thị trường cả nước phối hợp với ngành chức năng kiểm tra và phát hiện ra hàng loạt vụ việc lớn vi phạm kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, gây hoang mang dư luận, trong đó hàng chục vụ việc đã được chuyển cho cơ quan điều tra để xử lý hình sự.

Theo đánh giá cận tết là thời điểm các đối tượng làm ăn phi pháp lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao tung hàng giả, hàng kém chất lượng ra thị trường. Vậy các ngành chức năng sẽ có những giải pháp gì nhằm ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp cao điểm tết?

PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với bà Vũ Thị Minh Ngọc, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kế hoạch tài chính – Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) xung quanh nội dung này.

PV: Xin bà cho biết các giải pháp triển khai cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm năm 2024?

Bà Vũ Thị Minh Ngọc, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kế hoạch tài chính – Tổng cục QLTT

Bà Vũ Thị Minh Ngọc: Hàng năm Tổng cục QLTT đều ban hành Kế hoạch Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, ngoài việc xác định cụ thể tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm Tổng cục QLTT thường xuyên quán triệt, tăng cường kiểm tra, kiểm soát trong công tác hậu kiểm, đặc biệt đưa mặt hàng chế biến vào danh mục các mặt hàng trọng điểm thực hiện kiểm tra.

Ngoài ra, lực lượng QLTT còn tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm vi phạm hành chính đối với những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như bánh kẹo, đường cát, hoa quả, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát và hàng điện tử, điện lạnh; hàng gia dụng quần áo, giầy dép…

Đặc biệt Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Tổng cục QLTT xây dựng phương án, kế hoạch phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Thanh tra chuyên ngành,… thường xuyên kiểm tra trên khâu lưu thông, rà soát các kho hàng, điểm tập kết hàng hóa, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, làng nghề…

Vừa qua Chính phủ đã phê duyệt Đề án 319 về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025, Tổng cục QLTT đặc biệt ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin và phối hợp đấu tranh, phòng chống các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả...trên môi trường thương mại điện tử.

Đồng thời phối hợp với các cơ quan báo, đài đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông cho nhân dân.

PV: Kết quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các vi phạm về thương mại sau gần 2 tháng triển khai cao điểm?

Bà Vũ Thị Minh Ngọc: Trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán lực lượng QLTT trực 24/24 đảm bảo kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ, hiệu quả. Theo đó từ ngày 20/11/2023 đến nay, triển khai Kế hoạch cao điểm, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 6.673 vụ, xử lý 5.565 vụ vi phạm, chuyển cơ quan điều tra 23 vụ để xử lý hình sự, thu nộp NSNN gần 60 tỷ đồng.

Đặc biệt trong đợt cao điểm vừa qua, Cục QLTT TP Hà Nội phối hợp với Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công An), Cục thương mại điện tử và Kinh tế số triệt phá kho hàng lớn, kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, nhập lậu trị giá 1,7 tỷ đồng bằng hình thức livestream trên các nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Facebook... Đây là chiến công của lực lượng QLTT Hà Nội trong thời gian qua.

Ngoài ra, lực lượng QLTT TP HCM tạm giữ lô hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu trị giá hàng tỷ đồng và thu giữ 25 tấn nội tạng đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, lực lượng QLTT Lạng Sơn phối hợp thu giữ gần 50 kg pháo nổ, Yên Bái thu giữ 10 tấn nầm lợn không rõ nguồn gốc…

PV: Được biết, trong đợt cao điểm này lực lượng QLTT tăng cường công tác hậu kiểm đối với các mặt hàng sữa chế biến theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm. Vậy kết quả ban đầu sau thời gian hậu kiểm như thế nào, thưa bà?

Bà Vũ Thị Minh Ngọc: Sữa là mặt hàng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương. Trong thời gian qua, theo phản ánh của cơ quan báo chí, mặt hàng sữa ở một số nước có nguy cơ nhiễm khuẩn, nhất là sữa bột trẻ em.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng của người dân, nhất là trẻ em, công tác hậu kiểm là vô cùng quan trọng. Tổng cục QLTT không chỉ đưa mặt hàng sữa là mặt hàng trọng điểm vào trong Kế hoạch cao điểm Tết mà còn đưa mặt hàng sữa vào định hướng kiểm tra trong năm 2024.

Cụ thể, trong năm 2023 lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra gần 10 nghìn vụ, xử lý hơn 7 nghìn vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính và thu nộp NNN trên 30 tỷ đồng cac mặt hàng sữa chế biến các loại.

PV: Xin cảm ơn bà.

Hoàng Hà/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/lam-gi-de-ngan-chan-hang-lau-hang-gia-va-kem-chat-luong-dip-can-tet-post1071388.vov