Làm gì để chống ung thư da cho trẻ?

Chống ung thư da cho trẻ khi mùa hè đến là điều băn khoăn của nhiều cha mẹ. Nắng nóng triền miên, tia UV sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới da và mắt của trẻ.

Thoa kem chống nắng cho trẻ rất cần thiết (Ảnh: iStock)

Cháy nắng xảy ra như thế nào?

Tia UV phản ứng với một chất hóa học gọi là melanin (MEL-eh-nun) trong da. Trẻ em có màu da tự nhiên càng sáng thì lượng melanin hấp thụ tia UV và bảo vệ da càng ít. Trẻ em da ngăm đen có nhiều melanin hơn. Nhưng bất kể màu da nào, tất cả trẻ em đều cần được bảo vệ khỏi tia UV vì bất kỳ vết rám nắng hoặc bỏng rát nào cũng gây tổn thương da.

Cháy nắng xảy ra khi lượng tiếp xúc với UV lớn hơn khả năng bảo vệ của melanin trong da. Càng ở ngoài nắng lâu và ánh nắng mặt trời càng mạnh thì nguy cơ tổn thương càng cao. Bản thân rám nắng là dấu hiệu của tổn thương da và không giúp bảo vệ da.

Làm thế nào để bảo vệ làn da cho con trẻ?

Sử dụng kem chống nắng

Các chuyên gia khuyến nghị, tất cả trẻ em nên bôi kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên. Bố mẹ nên chọn loại có phổ rộng (bảo vệ chống lại cả tia UVA và UVB) và con ở trong hoặc gần nước, phải có nhãn chống nước.

Thoa kem chống nắng cho trẻ 30 phút trước khi ra ngoài trời và thoa lại sau mỗi hai giờ hoặc sau khi bơi hoặc đổ mồ hôi.

Tránh ánh nắng mạnh nhất trong ngày

Cố gắng cho trẻ ở trong nhà hoặc nơi im mát khi thời điểm tia UV mạnh nhất, thường từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Nếu trẻ ra nắng trong khoảng thời gian này, hãy thoa kem chống nắng - ngay cả khi con chỉ chơi ở sân nơi có bóng im. Hầu hết các tổn thương do nắng xảy ra trong các hoạt động hàng ngày vì khi đó dễ bỏ qua việc sử dụng kem chống nắng.

Hãy nhớ rằng ngay cả những ngày nhiều mây, mát hoặc âm u, tia UV vẫn chiếu xuống trái đất. "Ánh nắng vô hình" này có thể gây ra cháy nắng và tổn thương da.

Che chắn cẩn thận

Một trong những cách bảo vệ da trẻ hiệu quả nhất chính là che chắn cẩn thận. Để kiểm tra xem quần áo có đủ khả năng chống nắng không, hãy thử luồn tay vào bên trong. Nếu nhìn thấy rõ tay qua lớp vải thì khả năng chống nắng của trang phục đó không cao. Một số loại quần áo còn có chỉ số chống nắng UPF. Phụ huynh hãy kiểm tra thông tin trên nhãn mác để chọn được trang phục phù hợp.

Làn da của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm và dễ bị cháy nắng. Do đó, tốt nhất là hạn chế cho bé tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Trường hợp bắt buộc phải ra ngoài, hãy cho bé mặc quần áo mỏng, nhẹ, che phủ toàn thân và đội mũ rộng vành để che chắn mặt.

Nếu bé dưới 6 tháng tuổi và có những vùng da hở (như mặt), bố mẹ có thể thoa một lượng nhỏ kem chống nắng SPF 30 lên những vùng da đó. Lưu ý chỉ sử dụng kem chống nắng khi thực sự cần thiết và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng cho trẻ sơ sinh.

Đối với những trẻ lớn hơn cũng cần phải tránh nắng. Khi tham gia các hoạt động ngoài trời, hãy chuẩn bị sẵn ô che nắng rộng hoặc lều bạt di động để cho trẻ vui chơi.

Nếu thời tiết không quá nóng và trẻ không cảm thấy khó chịu, có thể cho trẻ mặc áo sơ mi dài tay mỏng hoặc quần dài để tăng thêm lớp bảo vệ.

Đừng quên bảo vệ mắt cho trẻ bằng kính râm

Ánh nắng mặt trời không chỉ gây hại cho da mà còn ảnh hưởng không tốt đến mắt của trẻ. Tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời theo thời gian có thể dẫn đến bệnh đục thủy tinh thể (thấu kính của mắt bị mờ đi, gây ra mờ mắt) khi trẻ lớn lên.

Cách tốt nhất để bảo vệ mắt cho trẻ là sử dụng kính râm có khả năng chống tia UV 100%.

Làm sao nếu trẻ bị cháy nắng?

Trẻ nhỏ thường sẽ cảm thấy đau rát và nóng ran trên vùng da bị cháy nắng. Cảm giác này thường nghiêm trọng hơn sau vài giờ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Do da bị mất nước, trẻ có thể ngứa và khó chịu. Vùng da cháy nắng thường bắt đầu bong tróc sau khoảng một tuần.

Khuyến khích con không gãi hoặc bong tróc lớp da lỏng lẻo vì vùng da bên dưới vết cháy nắng có nguy cơ bị nhiễm trùng.

Cách điều trị cháy nắng:

Cho con tắm nước mát (không lạnh), hoặc nhẹ nhàng chườm mát, ướt lên da để giúp giảm đau và nóng.
Thoa kem dưỡng ẩm có chứa lô hội hoặc gel lô hội (có bán ở hầu hết các hiệu thuốc) lên những vùng da bị cháy nắng.
Cho trẻ uống thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ.
Không nên bôi thuốc mỡ có chứa petroleum jelly (dầu khoáng) lên vùng da bị cháy nắng vì có thể làm da bị bí, lâu lành.
Cho trẻ uống nhiều nước để tránh mất nước.

Nếu da trẻ xuất hiện mụn nước, sốt hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng khác, hãy đưa trẻ đến bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời.

Tia UV có cường độ mạnh nhất vào mùa hè. Tuy nhiên, thời điểm mùa hè lại khác nhau tùy thuộc vào vị trí địa lý trên thế giới. Nếu bố mẹ đưa trẻ đi du lịch nước ngoài vào mùa hè của nước đó, hãy chuẩn bị sẵn hoặc mua ngay tại nơi đó loại kem chống nắng có chỉ số chống nắng cao nhất mà bố mẹ có thể tìm thấy.

Theo KidsHealth

An Nguyễn

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/lam-gi-de-chong-ung-thu-da-cho-tre-d4213.html