Làm đường cao tốc Việt - Ấn: Thoát phụ thuộc Trung Quốc

Nguyên liệu, công nghệ từ thị trường Nam Á sẽ đi vào các nước ĐNA tạo ra đường hướng mới để không bị phụ thuộc vào một thị trường.

Đó là khẳng định của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Trưởng bộ môn Kinh tế (Học viện Tài chính).

Đa phương hóa quan hệ

PV:- Mới đây, tại diễn đàn ASEAN - Ấn Độ diễn ra tại Bangkok, Thủ tướng Thái Lan tiết lộ thông tin sẽ xây dựng tuyến đường cao tốc đi qua Ấn Độ - Myanmar – Thái Lan, kết nối với Campuchia, Lào và Việt Nam. Trong đó, chính phủ Ấn Độ sẽ tham gia đầu tư từ Ấn Độ qua Myanmar và Thái Lan. Ông bình luận ra sao về quyết định trên của Thái Lan? Nếu được thực hiện, tuyến đường này sẽ hiện thực hóa những mục tiêu gì?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh:- Thực ra đây là một vấn đề tương đối lớn, có một tầm chiến lược quy hoạch của các nước Nam Á, Đông Nam Á (ĐNA). Nếu xây dựng tuyến đường cao tốc này, sẽ là một cơ sở kết nối rất tốt, nhanh nhất, thuận tiện nhất giữa Ấn Độ - Myanamar- Lào - Việt Nam.

Và đây là công trình có dự kiến từ lâu rồi nhưng chưa tạo ra được sự kết nối giữa một quốc gia có nền kinh tế lớn, số dân đông là Ấn Độ với các quốc gia ĐNA, Myanamar, Lào, Việt Nam, Thái Lan, Campuchia. Tuy nhiên, quyết tâm của Chính phủ Thái Lan và Ấn Độ là đòn bẩy giúp tuyến giao thương giữa Nam Á và ĐNA sẽ trở thành sức mạnh trong tương lai.

Cũng phải nói Ấn Độ có nhiều sản phẩm hàng hóa, họ có thể cung cấp cho các nước ĐNA, nhưng cũng có nhiều sản phẩm các quốc gia ĐNA có thể cung cấp cho Ấn Độ. Sự hợp tác tương hỗ lẫn nhau giữa các quốc gia sẽ trở thành một vấn đề lớn, có truyền thống lâu dài.

Thực ra giao thương giữa Việt Nam, hay các nước ĐNA với Ấn Độ nói riêng và các nước Nam Á nói chung đã diễn ra từ lâu, qua các thuyền buôn, các con đường trên biển.

Làm tuyến đường cao tốc nối Ấn Độ với Việt Nam

Bây giờ nếu như có tuyến đường cao tốc này thì thời gian đi lại giữa các nước sẽ nhanh hơn, tiết kiệm chi phí, với tuyến này thì giao thương giữa Ấn Độ và các nước ĐNA sẽ tăng lên rất nhiều. Mặt khác, tạo thuận lợi lớn cho quá trình phát triển không chỉ có thương mại mà cả về sản xuất kinh doanh cũng như các kết nối về văn hóa, các vấn đề khác, giữa Ấn Độ và các nước ĐNA.

Tất nhiên để xây dựng được tuyến đường cao tốc này đòi hỏi một quyết tâm rất lớn, không riêng về kinh tế mà còn là chính trị, vì đi qua nhiều quốc gia, nhiều ý thức hệ khác nhau.

Với các điều kiện khó khăn, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian xây dựng dài, nhưng điều quan trọng là cơ chế hợp tác giữa các quốc gia trong vùng tạo điều kiện cho tuyến đường này hoạt động một cách thuận lợi, có hiệu quả, đó mới là việc cần thiết.

Xây dựng tuyến đường sắt dài là rất khó khăn vì địa hình phức tạp, các đòi hỏi về đầu tư, thời gian, chiến lược lớn, nhưng điều quan trọng là làm thế nào để con đường này phát huy được hiệu quả, đảm bảo được tính chất giao thương một cách thuận lợi nhất, có ý nghĩa nhất, giữa các quốc gia trong khu vực, mới ra vấn đề chúng ta cần quan tâm, ý chí về mặt chính trị.

Bản thân vấn đề ở đây là chúng ta muốn đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ với các quốc gia và các khu vực kinh tế trên thế giới. Và vì thế để tránh quan hệ một chiều với một quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới thì cần thực hiện biện pháp đa dạng.

Nếu có tuyến cao tốc giữa Thái Lan - Myanmar - Ấn Độ, rõ ràng không chỉ giao thương giữa ĐNA với Ấn Độ được mở mang mà nói chung với các quốc gia Nam Á sẽ được mở mang ra, rõ ràng sự phụ thuộc vào thị trường, công nghệ, vốn liếng, chất lượng với khu vực ĐNA, ASEAN sẽ có sự thay đổi.

Thực sự các quốc gia ĐNA hiện nay đang có các mối quan hệ kinh tế thương mại quá lớn với một vài quốc gia, đây là điều đáng ngại nếu có sự thay đổi hoặc về đường lối chính sách, gây khó dễ của Chính phủ, quốc gia đó, lập tức ảnh hưởng đến thương mại, cũng như giao thương nói chung của các quốc gia ĐNA.

Cho nên, tuyến đường này nằm trong chương trình đa dạng hóa, đa phương hóa các thị trường quan hệ quốc tế của các nước ĐNA nói chung, Việt Nam nói riêng với các quốc gia trên thế giới, đây là đường hướng mở ra sự phát triển mới, cho nền kinh tế các nước ASEAN.

Rõ ràng nhu cầu hàng hóa sẽ dẫn đến nhu cầu phát triển sản xuất đa dạng, phong phú hơn. Nguyên liệu, công nghệ từ thị trường Nam Á sẽ đi vào các nước ĐNA, tạo ra hàng hóa mới, sản phẩm mới, đường hướng mới cho các ngành nghề sản xuất kinh doanh, đó là hiệu quả rất cao để chúng ta không bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Mỹ, thị trường châu Âu...

Rõ ràng thị trường Nam Á rất lớn, riêng Ấn Độ dân số rất đông chưa nói đến các nước khác như Pakistan, Afpakistan...nếu như có quan hệ bình thường tốt hơn trong tương lai, tuyến cao tốc là sự kết nối mang ý nghĩa chiến lược giữa các nước ĐNA với thế giới.

PV:- Về phía Việt Nam, nếu tuyến đường hoàn thành, hàng hóa từ phía Ấn Độ, Thái Lan... sẽ rộng đường vào Việt Nam. Điều này có gây ra những khó khăn cho hàng hóa của Việt Nam hay không và vì sao?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh:- Thực ra, giữa cái được và cái mất trong hội nhập kinh tế quốc tế cũng có cái so sánh với nhau.

Về nguyên tắc, hàng hóa của các nước Nam Á nói chung, Ấn Độ nói riêng rất dễ dàng xâm nhập vào các nước ĐNA, từ nguồn vốn, nhân lực, nguyên vật liệu, nên nó sẽ gây ảnh hưởng đến hàng hóa của Việt Nam, xuất sang các nước ĐNA nói riêng và một số quốc gia khác nói chung.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/lam-duong-cao-toc-viet--an-thoat-phu-thuoc-trung-quoc-3340596/