Lạm dụng tiêm corticoid vào khớp để giảm đau có thể gây nhiễm trùng, hoại tử

Tiêm corticoid vào trong khớp là thủ thuật dùng điều trị một số bệnh xương khớp. Tuy nhiên nếu thực hành không đúng, lạm dụng kỹ thuật này... có thể gây biến chứng như nhiễm trùng, tăng đau viêm sưng...

Bệnh nặng hơn sau khi tiêm corticoid vào khớp

Bệnh nhân Vương Văn T. (1954, Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng khớp sưng to, nóng đỏ, đau nhức... Tại Khoa khoa Phẫu thuật Chấn thương Chi trên và Vi phẫu, Bệnh viện TWQĐ 108, bệnh nhân được chẩn đoán bị nhiễm trùng nặng, viêm mủ khớp cổ tay, viêm hoại tử gân duỗi vùng cẳng bàn tay do tiêm corticoid vào khớp.

Bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật dẫn lưu mủ, mổ nạo vét hoại tử, cắt lọc mô viêm kết hợp dùng kháng sinh và tiếp tục phải theo dõi diễn tiến của bệnh.

Theo lời kể của người bệnh, cách nay 2 năm, ông bị đau khớp nên đã đến phòng khám tư để chữa trị. Đến nay bệnh không đỡ nên ông được tư vấn tiêm nội khớp. Sau 2 lần tiêm, cơn đau đỡ hẳn, song đến mũi tiêm thứ ba, thì tình trạng viêm sưng và đau tăng lên…

Chăm sóc bệnh nhân bị biến chứng khớp cổ tay sau tiêm corticoid vào khớp.

Bệnh nhân Vương Văn T. chỉ là một trong số rất nhiều bệnh nhân đến bệnh viện điều trị với tình trạng viêm mủ ở khớp sau tiêm corticoid.

Nhiều người coi việc tiêm trực tiếp vào khớp như biện pháp chữa đau khớp hiệu quả và ít tốn kém. Song, không ít trường hợp chỉ đến mũi tiêm thứ hai đã bị biến chứng nhiễm trùng, teo cơ, cứng khớp, mất chức năng vận động.

Tiêm corticoid vào khớp để giảm đau, lợi bất cập hại

Viêm khớp thường có các triệu chứng điển hình là đau, khó vận động, sưng, nóng, đỏ tại khớp. Viêm khớp có nhiều dạng bệnh và cũng có nhiều nguyên nhân. Do đó để điều trị bệnh cần dựa vào tình trạng bệnh lý, nguyên nhân gây bệnh.

Theo PGS.TS.Nguyễn Ngọc Châu, Khoa nội - cơ xương khớp, Bệnh viện TWQĐ 108: Tiêm corticoid vào khớp là một trong số biện pháp cho tác dụng giảm đau nhanh và có thể phát huy tác dụng vài tuần tới vài tháng. Tuy vậy, đây chỉ là một biện pháp điều trị trong cả liệu trình điều trị cho một số bệnh lý xương khớp. Chính vì vậy, phương pháp này bắt buộc phải được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa khớp có kinh nghiệm.

PGS.TS.Nguyễn Ngọc Châu cảnh báo: Nhiều bệnh nhân thấy tác dụng giảm đau nhanh của việc tiêm corticoid vào khớp nên dễ dãi chấp nhận thủ thuật này đã gây ra nhiều hậu quả xấu. Vì vậy, bệnh nhân lưu ý:

- Cần khám tại các bệnh viện hoặc cơ sở y tế chuyên khoa khớp được cấp phép để có được chẩn đoán, điều trị đúng. Đặc biệt nếu có chỉ định tiêm corticoid thì phải tiêm bởi bác sĩ có kinh nghiệm, quá trình tiêm khớp phải trong điều kiện đảm bảo vô khuẩn (phòng tiêm, vị trí tiêm, dụng cụ tiêm).

- Mặc dù corticoid mang lại hiệu quả giảm đau nhanh sau tiêm, nhưng đây là thuốc hạn chế sử dụng do tác dụng phụ rất nhiều. Do đó hết sức tránh lạm dụng tiêm corticoid tại khớp để điều trị đau.

Tiêm nội khớp phải do bác sĩ có kinh nghiệm thực hiện tại cơ sở y tế đảm bảo vô khuẩn.

Những điều cần biết trước khi tiêm corticoid vào khớp

Tiêm corticoid nội khớp và các điểm bám gân, mô mềm quanh khớp là kỹ thuật được chỉ định trong điều trị viêm khớp, thoái hóa khớp kèm phản ứng viêm bao hoạt dịch, viêm túi thanh dịch, viêm gân, viêm điểm bám gân và mô mềm quanh khớp.

Tuy nhiên, việc tiêm corticoid vào khớp chỉ làm giảm bớt các phản ứng giảm viêm, từ đó giảm đau. Thuốc không có tác dụng điều trị dứt điểm viêm khớp mà tình trạng viêm vẫn có thể tái phát. Nhưng nếu được chỉ định đúng, kỹ thuật tiêm tốt thì tiêm corticoid có thể giúp giảm viêm, giảm đau trong thời gian dài từ vài tháng đến hàng năm.

Tuy nhiên nếu chỉ định không đúng, tiêm sai kỹ thuật thì tiêm corticoid có thể gây biến chứng rất nặng nề, đó là gây viêm sưng đau nhiều hơn, nhiễm khuẩn vùng tiêm, hoại tử…

Không tiêm khi bị viêm đau nhẹ;

Không tiêm khi viêm khớp do nhiễm khuẩn;

Không tiêm tại cơ sở y tế, phòng khám tư không đủ tiêu chuẩn. Bởi ở những nơi không đủ tiêu chuẩn, ngoài không bảo đảm về yêu cầu vô khuẩn, thì bác sĩ hoặc điều dưỡng thiếu kinh nghiệm sẽ không nắm rõ được vị trí giải phẫu, không thành thạo thao tác, kỹ thuật tiêm có thể tiêm sai vị trí, dẫn đến thuốc không tới được vị trí viêm. Chưa kể nếu tiêm chệch vào cơ, mạch máu, dây thần kinh… có thể làm teo cơ, giảm chức năng vận động của khớp.

Tiêm corticoid cần tìm hiểu về tiền sử mắc bệnh cũng như các thuốc và bệnh hiện đang mắc kèm để tránh tương tác thuốc hoặc khiến tình trạng bệnh đang mắc nặng hơn (bệnh nhân đái tháo đường, bệnh nhân đang nhiễm nấm…).

Thu Hà

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//lam-dung-tiem-corticoid-vao-khop-de-giam-dau-co-the-gay-nhiem-trung-hoai-tu-169220718173635867.htm