Lạm dụng thuốc giảm đau kéo dài: Con dao hai lưỡi

Thói quen lạm dụng thuốc giảm đau có ở rất nhiều người. Điều này nếu kéo dài sẽ gây ra tác hại rất lớn với sức khỏe.

Khi dùng thuốc giảm đau quá thường xuyên hoặc nhiều hơn liều khuyến cáo, người dùng có thể quen với thuốc, nhờn thuốc.

Lợi ít, hại nhiều

Khi bị đau đầu, đau xương khớp, nhiều người có thói quen uống ngay thuốc giảm đau để “cắt cơn” mà không biết rằng, điều này có thể làm cho vấn đề trầm trọng hơn. Theo đó, thuốc giảm đau cũng gây kích ứng dạ dày, nhất là uống lúc đói. Chưa kể, các nghiên cứu đã chứng minh, việc sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) làm tăng nguy cơ đau tim chỉ sau vài tuần sử dụng. Những người sử dụng những loại thuốc này có nguy cơ bị đau tim cao hơn từ 20 - 50% so với những người không sử dụng.

Mới đây, một phụ nữ ở Hà Nội, sau một thời gian sử dụng thuốc giảm đau đã phải tăng liều dùng, hậu quả là phải nhập viện trong tình trạng suy gan, suy thận. Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận không ít bệnh nhân tăng huyết áp, suy tuyến thượng thận, đái tháo đường do bị biến chứng sau quá trình lạm dụng thuốc giảm đau, đặc biệt là các loại thuốc Đông y có pha trộn nhiều chất hoặc thuốc Tây y mạnh có thể giữ muối, giữ nước lâu ngày...

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay, thuốc giảm đau như Ibuprofen, Aspirin và Naproxen gây kích ứng và làm tổn thương niêm mạc dạ dày, có thể dẫn đến loét và chảy máu từ các vết loét đã có từ trước. Những người bị tiểu đường, bệnh thận và cao huyết áp có thể bị tổn thương thận và suy thận sau khi dùng thuốc giảm đau như Ibuprofen và Naproxen.

Với những bệnh nhân xương khớp, tình trạng lạm dụng thuốc giảm đau đang diễn trầm trọng. Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, gần đây Bệnh viện liên tiếp tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân gặp biến chứng bàn tay, cổ tay do tiêm thuốc giảm đau trong điều trị đau khớp.

Ông Vương Văn T. (68 tuổi, trú ở Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng viêm mủ bao hoạt dịch quay (viêm, sưng, đỏ của một túi chứa dịch lỏng ở các khớp), viêm hoại tử gân duỗi vùng cẳng bàn tay sau tiêm corticoid giảm đau. Một trường hợp khác là anh Đỗ Văn P. (40 tuổi, Nam Định) bị nhiễm trùng bàn tay phải sau khi tiêm thuốc nhằm giảm đau.

Theo PGS-TS. Nguyễn Ngọc Châu, Chủ nhiệm Khoa Nội - Cơ xương khớp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhiều người coi việc tiêm corticoid trực tiếp vào khớp như biện pháp chữa đau khớp đặc biệt hiệu quả và ít tốn kém. Việc này có tác dụng giảm đau nhanh và hiệu quả trong vài tuần tới vài tháng. Song đây chỉ là một biện pháp trong cả liệu trình điều trị cho một số bệnh lý xương khớp, nên bắt buộc phải được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

“Thực tế, không ít trường hợp lạm dụng việc tiêm vào khớp để trị bệnh đã và đang bị các biến chứng không hồi phục như teo cơ, loãng xương, suy tuyến thượng thận, mất chức năng vận động, tàn phế...”, PGS-TS. Châu cảnh báo.

Phụ nữ mang thai sử dụng thuốc giảm đau (như NSAID) trong 20 tuần đầu của thai kỳ dễ bị sảy thai hơn. Một nghiên cứu cho thấy, thuốc giảm đau ảnh hưởng đến các hormone kích thích chuyển dạ trong thai kỳ.

Chớ lạm dụng

Theo các chuyên gia, khi dùng thuốc giảm đau quá thường xuyên hoặc nhiều hơn liều khuyến cáo, người dùng có thể quen với thuốc, nhờn thuốc. Hậu quả là, cơn đau ngày càng trở nên tồi tệ hoặc xuất hiện nhiều hơn và người bệnh phải dùng liều cao hơn. Với bệnh nhân đau đầu, vòng luẩn quẩn sẽ xảy ra gồm đau đầu - uống thuốc giảm đau - đau đầu nhiều hơn - uống thuốc nhiều hơn.

GS-TS. Nguyễn Thị Mai Hồng, nguyên Trưởng khoa Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai, việc lạm dụng thuốc giảm đau có thể làm mờ đi các triệu chứng nặng, khiến người bệnh chủ quan không đi thăm khám. Chẳng hạn, đau đầu nặng với các triệu chứng như cơn đau đến nhanh, buồn nôn, gặp khó khăn trong việc suy nghĩ từ để nói, đau đầu kèm cảm giác tê mỏi chân tay, cử động khó, đau tăng khi ho hay tập luyện... có thể cảnh báo đột quỵ hoặc ẩn chứa bệnh u não, viêm màng não... Nếu người bệnh lạm dụng thuốc giảm đau, các triệu chứng nguy hiểm sẽ không được thể hiện rõ, gây khó khăn cho việc thăm khám.

Cũng theo chuyên gia, thuốc giảm đau chỉ giúp chữa hoặc giảm triệu chứng, chứ không chữa được các nguyên nhân gây ra bệnh. Muốn điều trị đau triệt để, cần xác định chính xác nguyên nhân. Khi các cơn đau thường xuyên diễn ra, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị, tuyệt đối không tùy tiện sử dụng thuốc.

Chẳng hạn, với người bị thoát vị đĩa đệm có chèn ép rễ thần kinh, nếu lạm dụng thuốc giảm đau, có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng, như rối loạn đại tiểu tiện, rối loạn cảm giác, tê bì chân tay, teo cơ, thậm chí bại liệt.

Với việc tiêm corticoid nội khớp, theo bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nếu người bệnh tiêm tại cơ sở y tế đảm bảo yêu cầu và kỹ thuật tốt, có thể giúp giảm viêm, giảm đau trong một khoảng thời gian nhất định, chứ không thể điều trị dứt điểm. Nếu sai kỹ thuật, tiêm corticoid có thể gây biến chứng rất nặng như viêm sưng đau nhiều hơn, nhiễm khuẩn vùng tiêm, hoại tử.

Còn theo GS-TS. Nguyễn Thị Mai Hồng, dù là loại thuốc giảm đau nào, nếu tự ý sử dụng, có thể dẫn tới việc bỏ sót dấu hiệu bệnh nguy hiểm cần điều trị sớm. Vậy nên, người dân chỉ dùng thuốc theo đơn bác sĩ, cần đi khám lại khi có cơn đau, không tự dùng lại đơn thuốc cũ hoặc chia sẻ cho người khác. Khi bác sĩ kê đơn liên quan tới thuốc giảm đau, người bệnh cần khai báo tiền sử bệnh tật, cơ địa dị ứng, tình trạng đường ruột, dạ dày để các bác sĩ lựa chọn thuốc phù hợp hoặc tư vấn thời điểm uống thuốc thích hợp.

Bệnh nhân tuyệt đối không uống thuốc giảm đau khi đói, vì có thể gây viêm, loét dạ dày, xuất huyết hoặc thủng đường tiêu hóa. Sau khi uống thuốc giảm đau, nếu thấy ngứa, nổi mề đay, khó thở, lên cơn hen suyễn hoặc đau bụng dữ dội, đau không giảm, nôn ói..., thì cần đến ngay bệnh viện để được cấp cứu.

Dương Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/lam-dung-thuoc-giam-dau-keo-dai-con-dao-hai-luoi-d171470.html