Lạm dụng giáo dục sớm: Trẻ dễ rối loạn tâm lý, hành vi

Vì muốn con hơn các bạn cùng tuổi, nên nhiều bậc phụ huynh đã cho con đi học sớm, thậm chí trường mở môn gì cho con theo học môn nấy. Trẻ tự kỷ có thể là 'thiên tài' ở một lĩnh vực Thiếu tôn trọng cản trở giao tiếp với trẻ

Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ khi còn nhỏ học quá nhiều lớn lên đầu óc sẽ bị đầy và khó tiếp thu kiến thức mới cũng như có những triệu chứng rối loạn tâm lý và hành vi.

Trường mở gì, cho học nấy

Lớp học võ tại Nhà thiếu nhi TPHCM chiều nào cũng thu hút rất đông trẻ em theo học. Học trò lố nhố tự làm theo ý mình, phải mất 15 phút dụ dỗ bằng cách học xong sẽ được cho ăn kem các em mới chịu tập theo từng động tác của thầy. Thầy Trần Văn Quân, phụ trách môn võ thuật nhà thiếu nhi thành phố cho biết: Các cháu còn nhỏ quá, mới gần 3 tuổi nhưng cha mẹ cứ nói rằng đăng ký vào lớp học võ để rèn luyện sức khỏe với quan niệm học từ nhỏ sẽ mau tiến bộ. Dạy mấy lớp này vất vả lắm. Ở độ tuổi này, các bé toàn thích làm theo ý mình.

Hôm nào trước khi học thầy Quân cũng mất 15 phút ổn định trật tự. Còn tình trạng đang học, các bé bỏ chạy đi chơi là chuyện bình thường. Nhiều trò lỳ quá chẳng chịu tập, thầy Quân đành để cho đứng xem rồi quan sát các bạn xung quanh. Một lúc lâu sau thầy mới nói, bạn làm được rồi, giờ đến con tập nhé và nhiều lần như vậy mới đưa được học trò nhí này vào quỹ đạo của lớp.

Muốn con hơn các bạn cùng tuổi nên chị Lê Mỹ Châu (Khánh Hội, quận 4) đăng ký cho con gái là cháu Trần Gia Thụy học tất cả 4 môn trong lớp mà nhà trường dạy như thể dục thẩm mỹ, tiếng anh, học múa, học vẽ. Vì thế, ngoài việc chơi chung với các bạn, Thụy còn phải học theo lịch mẹ đã đăng ký, về nhà tối còn có cô giáo dạy tiếng anh tại nhà. Chị Châu cho hay: Con bé thông minh lắm, học gì cũng tiếp thu nhanh nên được các cô khen lắm, do đó trường mở ra môn nào là đăng ký cho nó học ngay, học từ nhỏ quen rồi thì lớn lên sẽ giỏi, hơn nữa cùng trang lứa mà con mình hơn bạn cũng thấy hãnh diện.

Có trẻ mới gần 3 tuổi đã được cha mẹ đưa đi học võ.

Lợi bất cập hại

Theo phân tích của Cô Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng giáo dục mầm non, Sở Giáo dục & Đào tạo TPHCM: Trẻ ở độ tuổi từ 3 - 5 là lứa tuổi nhận biết và học hỏi môi trường xung quanh, ở tuổi này trẻ sẽ được dạy cho cách làm quen cũng như phân biệt các đồ vật thông qua trò chơi. Trò chơi giúp trẻ nảy sinh những câu hỏi và đó là cách trẻ đã biết quan sát để tư duy. Tùy theo từng độ tuổi mà giáo viên có những trò chơi phù hợp, ví dụ lớp mầm trẻ sẽ được học các thao tác tự cất dép vào ngăn tủ, tập để đồ cho gọn gàng. Lên lớp chồi vẽ hình, ghép hình, ghép tranh, lên lớp lá sẽ ghép những hình khó hơn nhằm kích thích sự sáng tạo tìm tòi của các cháu, hoặc sẽ học những nét, đường thẳng nhưng tựu trung vẫn dành thời gian cho các bé sinh hoạt tập thể, chơi cùng nhau chứ không dạy kiến thức vì chủ trương vẫn là để cho trẻ phát triển tự nhiên.

Một số phụ huynh thường cho con học sớm các môn như múa, hát, vẽ, tiếng anh, thậm chí là đưa con đi học những môn toán theo phương pháp nước ngoài để trẻ thông minh nhưng thực chất đó là dạy ép cho trẻ khi chưa đủ tuổi mà điều này thì không nên.

Chuyên viên tâm lý Võ Thị Minh Huệ, Công ty tư vấn Tâm Lý Trẻ cho biết: Nếu một đứa trẻ học nhiều mà không có thời gian giải trí dần dần sẽ trở nên ngờ nghệch, lúng túng khi gặp những tình huống bất ngờ. Đó là chưa nói đến chuyện khi còn nhỏ học quá nhiều lớn lên đầu óc sẽ bị đầy và khó tiếp thu kiến thức mới cũng như có những triệu chứng rối loạn tâm lý và hành vi mà trẻ không kiểm soát được.

Một số phụ huynh khi thấy con trẻ thích môn gì là cho học ngay vì nghĩ rằng cho con học sớm để phát triển năng khiếu nhưng không phân biệt được năng khiếu và sở thích. Cho trẻ học nhiều môn từ nhỏ theo kiểu nhồi nhét là không tốt bởi mỗi độ tuổi trẻ sẽ có những hoạt động phù hợp với sự vận động nhằm phát triển tinh thần và thể lực.
Chuyên viên tâm lý Võ Thị Minh Huệ

Quỳnh Anh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/mo-cua/201302/Lam-dung-giao-duc-som-Tre-de-roi-loan-tam-ly-hanh-vi-896622/