Lâm Đồng: Phân bón giả đại náo thị trường

Lâm Đồng là tỉnh có nền sản xuất nông nghiệp rất phát triển. Chính vì vậy, địa phương này hàng năm luôn sử dụng một lượng lớn phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong hoạt động sản xuất của mình...

Cơ quan chức năng đang kiểm tra một cơ sở sản xuất phân bón giả.

Lợi dụng điều này, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, phân phối phân bón giả mọc lên như nấm sau mưa khiến người nông dân khốn đốn, các doanh nghiệp chân chính thì bị ảnh hưởng, còn các ngành chức năng thì đau đầu tìm cách xử lý.

Theo thống kê sơ bộ của tỉnh Lâm Đồng, trung bình mỗi huyện, thành phố trong tỉnh có gần 200 cơ sở, đại lý kinh doanh phân bón. Trong đó, đa phần là các cửa hàng, đại lý kinh doanh vừa và nhỏ theo dạng thời vụ. Nhiều cơ sở pha chế, trộn trái phép các loại phân bón, thậm chí làm giả những thương hiệu có tiếng trên thị trường không chỉ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính mà còn gây thiệt hại nặng nề cho nông dân.

Đêm 21/9, Công ty TNHH Phân bón Bình Đông, do bà Lê Thị Kim Mây (65 tuổi) làm chủ, đóng tại 684 Quốc lộ 20, thôn Ánh Mai, xã Lộc Châu, TP. Bảo Lộc đã bị lực lượng chức năng TP. Bảo Lộc bắt quả tang đang tàng trữ hơn 10 tấn phân hóa học đơn có nguồn gốc từ Trung Quốc để pha chế và đấu trộn thành phân hỗn hợp NPK gắn mác công ty này.

Trước đó, trong tháng 6/2016, Công an huyện Bảo Lâm bắt quả tang và thu giữ 413 bao phân với tổng trọng lượng hơn 20,5 tấn tại cơ sở sản xuất của ông Trương Thượng Nhân (48 tuổi, ngụ huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận). số phân này được ông Nhân dùng bùn than trộn cùng với một số loại phân khác trên thị trường như Lân Văn Điển và Đạm Phú Mỹ.

Cùng thời gian trên, cơ quan chức năng cũng bắt giữ 391 bao phân bón giả (gần 20 tấn) tại DNTN Lâm Hoàng (thị trấn Madagui, huyện Đạ Huoai) do ông Nguyễn Phong Hải làm chủ. Số phân này được ông Hải làm giả nhãn hiệu, bao bì của Công ty CP XNK Hưng Tường, trụ sở chính đóng tại quận 7, TP.HCM.

Những loại phân bón giả này rất khó nhận biết bằng mắt thường nên nhiều người mua phải phân bón giả mà không hề hay biết. Thêm nữa sản phẩm có giá rất rẻ nên đã đánh trúng tâm lý người tiêu dùng, gây nên thiệt hại lớn trong sản xuất cho người nông dân.

Theo ông Khánh, để bảo vệ nông dân trước nạn phân bón kém chất lượng, hằng năm, ngoài các đợt kiểm tra, kiểm soát theo kế hoạch, đơn vị còn mở nhiều đợt kiểm tra đột xuất các đại lý, cửa hàng kinh doanh phân bón.

“Tuy nhiên, để tránh mua phải phân bón giả, kém chất lượng, người tiêu dùng cần tìm đến các cửa hàng, đại lý có uy tín để chọn mua. Khi mua cần lựa chọn những sản phẩm có thương hiệu; đặc biệt lưu ý đến các thông số ghi trên bao bì như chủng loại, nguồn gốc, thành phần dinh dưỡng, hạn sử dụng và nhà sản xuất… Khi phát hiện sản phẩm có dấu hiệu bất thường, phải đến ngay cơ quan chức năng trình báo để cùng vào cuộc điều tra, xử lý”, ông Khánh lưu ý.

Quỳnh Thi (T/h)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/lam-dong-phan-bon-gia-dai-nao-thi-truong-d46432.html