Lâm Đồng khẩn trương ứng phó sạt lở đất

Tình trạng sạt lở đất tại tỉnh Lâm Đồng đã và đang diễn biến phức tạp, gây tổn thất lớn về người và tài sản. Điều này đặt ra yêu cầu bức thiết cần có những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm giảm thiệt hại do sạt lở đất gây ra, trước mắt là tại 163 vị trí đã được rà soát, cảnh báo...

Sạt lở đất đang diễn biến phức tạp

Dồn tất cả vốn liếng tiết kiệm cộng với số tiền đền bù thu hồi đất từ chính quyền địa phương, vợ chồng ông Nguyễn Văn Thắng ở thôn Đông Anh, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng quyết định xây nhà mới làm nơi an hưởng tuổi già và để con cháu có chỗ đi về rộng rãi. Sau nhiều tháng vất vả, tháng 3-2023, ngôi nhà mới khang trang của gia đình ông chính thức khánh thành trong niềm vui của tất cả các thành viên. Tuy nhiên, về nơi ở mới chưa ấm chỗ, từ đầu tháng 7 đến nay, ngôi nhà của ông đã bị hư hại do tình trạng sụt lún, sạt lở đất xung quanh dự án xây dựng hồ chứa nước Đông Thanh, xã Đông Thanh. “Toàn bộ vốn liếng gần 3 tỷ đồng đổ vào căn nhà giờ chỉ còn đống gạch vụn. Chúng tôi giờ hoàn toàn trắng tay”, ông Nguyễn Văn Thắng buồn bã nói.

Dự án hồ Đông Thanh, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, nơi đang xảy ra tình trạng sụt lún, sạt lở đất nghiêm trọng.

Theo thống kê của UBND huyện Lâm Hà, tình trạng sụt lún, sạt trượt đất xảy ra tại dự án hồ chứa nước Đông Thanh đến nay đã ảnh hưởng đến 9 hộ dân với tổng diện tích tác động khoảng 53.800m2, đồng thời đe dọa trực tiếp tới công trình đập hồ chứa nước Đông Thanh, có tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng đang được xây dựng. Theo kết quả quan trắc từ đơn vị tư vấn, phía tràn xả lũ của đập đã xuất hiện nhiều vết nứt, tường vách của kênh xả đã bị đẩy, dịch chuyển so với vị trí ban đầu. Hiện công trình đang tạm dừng thi công để bảo đảm an toàn và tìm giải pháp khắc phục sự cố.

Từ đầu mùa mưa năm 2023 đến nay, hiện tượng sạt lở đất diễn ra bất thường đang gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các cấp chính quyền và người dân. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, chỉ trong vòng gần hai tháng, địa phương này xảy ra hàng chục vụ sạt lở đất lớn nhỏ, khiến 9 người chết, nhiều nhà cửa, hoa màu, tài sản bị hư hại, thiệt hại gần 23 tỷ đồng. Nghiêm trọng là vụ sạt lở đất trên đường Hoàng Hoa Thám rạng sáng 29-6 khiến 2 người chết, vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc ngày 30-7 khiến 4 người chết và gần đây nhất là vụ sạt lở, sụt lún đất tại dự án hồ chứa nước Đông Thanh đang diễn biến phức tạp.

Theo các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, hiện tượng sạt lở đất tại địa phương thời gian qua có nguyên nhân lớn từ diễn biến cực đoan của thời tiết. Trong tháng 6 và tháng 7 năm nay, Lâm Đồng xảy ra mưa lớn liên tục. Chỉ tính riêng ngày 29 và 30-7, lượng mưa tại khu vực đèo Bảo Lộc đạt gần 250mm, một con số kỷ lục bằng tổng lượng mưa trong một tháng cùng kỳ vào năm 1987. Địa hình nhiều khu vực tại Lâm Đồng có độ dốc lớn, chủ yếu là đất đỏ bazan pha đất sét và đá mồ côi, khả năng liên kết yếu. Khi gặp mưa lớn, lượng nước quá nhiều dễ làm nền đất bão hòa, tan rã, gây sạt lở.

Tuy nhiên, bên cạnh nguyên nhân khách quan, không thể phủ nhận sự can thiệp quá mức, thiếu khoa học của con người vào tự nhiên gây ra hậu quả nghiêm trọng. Như vụ sạt lở trên đường Hoàng Hoa Thám, TP Đà Lạt là do chủ đầu tư và đơn vị thi công đã không chấp hành đúng quy định trong xây dựng. Còn tại vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc thì khu rừng sau nơi làm việc của đơn vị cảnh sát giao thông đã bị phá, thay vào đó là đồi sầu riêng. Gần đây nhất là tại dự án hồ chứa nước Đông Thanh, do hoạt động đào đất để làm hồ dẫn tới mất cân bằng thế năng, làm xuất hiện các cung trượt lớn, đất đá từ trên cao dịch chuyển xuống phía lòng hồ và thân đập gây hư hại nhà cửa, đe dọa trực tiếp tới công trình.

Khẩn trương các giải pháp trước mắt, tính toán các phương án lâu dài

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các sở, ngành và các địa phương tăng cường thực hiện giải pháp đề phòng, ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất. Lâm Đồng đã tiến hành rà soát toàn bộ các vị trí xung yếu, có nguy cơ xảy ra sạt lở, tổ chức lên kế hoạch di dời 150 hộ dân ra khỏi 163 vị trí có nguy cơ cao. Dừng cấp phép, tạm đình chỉ thi công các công trình xây dựng tại những vị trí có độ dốc lớn, mái taluy cao hoặc có nguy cơ sạt lở. Ngày 11-8, UBND TP Đà Lạt có tờ trình gửi UBND tỉnh đề xuất triển khai khẩn cấp 10 dự án ứng phó với sạt lở và ngập úng với tổng kinh phí gần 700 tỷ đồng, gồm: Khôi phục hồ Vạn Kiếp, gia cố suối Cam Ly, nạo vét hồ Mê Linh, kiên cố hóa suối Nghệ Tĩnh, Vạn Kiếp, cải tạo mở rộng suối Phan Đình Phùng; xây kè chống sạt lở đường Vạn Thành, Hà Huy Tập, Đống Đa...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thuộc Công ty Cổ phần Địa chất Kawasaki (Nhật Bản), đơn vị được UBND TP Đà Lạt mời khảo sát, tư vấn sau vụ sạt lở ngày 29-6, bên cạnh giải pháp trước mắt, TP Đà Lạt cần quản lý chặt chẽ việc san ủi, bồi đắp đất cũng như hoạt động cấp phép và giám sát xây dựng các công trình đô thị, vì đây là tác nhân quan trọng dẫn tới sự cố. “Ở Nhật có quy hoạch và phân chia cảnh báo từng khu vực có nguy cơ sạt lở đất để quản lý. Công việc giám sát an toàn trong quá trình thi công cũng như hoàn tất công trình phải được thực hiện chặt chẽ. Quá trình thi công, phải bảo đảm hệ thống thoát nước. Khi hoàn thành công trình, phải kiểm tra tất cả khía cạnh liên quan, nếu không bảo đảm thì có chế tài quy định phạt tù và cả phạt tiền. Công tác quan trắc hiện trường các vị trí có nguy cơ sạt lở là cấp thiết và diễn ra thường xuyên, định kỳ để kịp thời ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra”, chuyên gia Takami Kanno đến từ Công ty Cổ phần Địa chất Kawasaki tư vấn.

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về công tác phòng, chống thiên tai, các chuyên gia về địa chất và xây dựng đến từ Trường Đại học Thủy lợi và Trường Đại học Giao thông vận tải cũng cho rằng, nguy cơ sạt lở đất không bao giờ hết vì địa hình, cấu tạo địa chất cũng như khí hậu, thời tiết tại Lâm Đồng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, nếu biết cách phòng tránh, khắc phục thì sẽ giảm thiểu được thiệt hại. “Lâm Đồng nên tăng cường tham vấn các chuyên gia trong lĩnh vực này, bởi với những người có kiến thức, kinh nghiệm chuyên sâu thì chỉ cần nhìn vào một khu vực, một vị trí nào đó, họ có thể biết được nơi ấy có nguy cơ sạt lở đất hay không. Từ những sự cố vừa qua, địa phương cũng cần thay đổi cách ứng xử với tự nhiên”, PGS, TS Phạm Hữu Sy, chuyên gia đến từ Trường Đại học Thủy lợi chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Lâm Đồng cần khẩn trương thiết lập bản đồ cảnh báo sạt lở đất, tổ chức hội thảo nhằm đánh giá toàn diện về hiện tượng này, từ đó có những giải pháp thiết thực, lâu dài. Làm tốt công tác bảo vệ rừng, công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, bảo vệ tài nguyên môi trường, gắn hoạt động cảnh báo và giải pháp phòng, chống sạt lở vào hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, phòng chống thiên tai.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/lam-dong-khan-truong-ung-pho-sat-lo-dat-738690