Lâm Đồng có thể áp dụng mô hình phòng chống sạt lở của Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc)

Tỉnh Lâm Đồng nói chung, thành phố Đà Lạt nói riêng có thể áp dụng các mô hình cảnh báo, phòng chống sạt lở, ngập úng của Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc). Đó chính là tham vấn của nhiều chuyên gia tại hội thảo 'Đánh giá thực trạng, nguyên nhân và giải pháp phòng, chống sạt, trượt, ngập cục bộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng'.

Hội thảo do Bộ Xây dựng phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức tại TP Đà Lạt vào sáng 22-9.

 Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết, vào mùa mưa, Lâm Đồng thường xuyên xảy ra sạt lở đất, ngập úng cục bộ. Các nơi thường xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ thường là các tuyến đường đoạn qua vùng đồi núi có địa hình dốc lớn. Bên cạnh đó, tình trạng sạt lở cũng khá phổ biến tại Đà Lạt, nơi có địa hình dốc cao, công trình xây dựng có mật độ dày, thiếu an toàn trong thiết kế và xây dựng. Tình trạng lũ, ngập lụt tại TP Đà Lạt từ năm 2020 đến nay cũng được ghi nhận thường xuyên với tần suất cao, mức độ ngày càng trầm trọng.

Các chuyên gia đến từ Bộ Xây dựng và Nhật Bản cho rằng, một số đô thị ở Tây Nguyên hoặc miền núi phía Bắc nhiều nơi có địa hình lòng chảo, bao quanh là núi cũng khiến lượng nước mưa đổ dồn về trung tâm rất lớn, vượt quá công suất tiêu thoát nước cộng với lũ từ thượng nguồn đổ về, khiến mực nước lên nhanh, gây ngập lụt cục bộ. Hoặc như TP Đà Lạt do mật độ xây dựng quá dày đặc, khắp nơi bị bê tông hóa, phát triển nhà kính, nhà lưới thiếu kiểm soát khiến không gian dành cho nước và đất không còn. Nước không thể thấm tự nhiên vào đất, chảy tràn ra đường tạo thành các con suối giữa phố.

 Hình ảnh sạt lở trên Quốc lộ 27C đoạn qua Lâm Đồng, ảnh chụp ngày 14-9.

Hình ảnh sạt lở trên Quốc lộ 27C đoạn qua Lâm Đồng, ảnh chụp ngày 14-9.

Để khắc phục tình trạng này, Lâm Đồng cần đẩy mạnh đào suối, kênh nhân tạo thoát nước, xây dựng hệ thống cống hộp thoát nước, xây dựng hồ điều tiết, lắp đặt hệ thống máy bơm công suất lớn, lập bản đồ phân vùng rủi ro đối với khu vực ngập úng và sạt trượt.

Đà Lạt có thể tham khảo cách làm của Hồng Kông vì 2 đô thị này có nét tương đồng về địa hình, địa chất. Đó là nghiên cứu cơ bản, toàn diện và sâu sắc tính chất cơ lý của đất, đá; xây dựng hệ thống quan trắc tích hợp và giám sát thực tế từng khu vực đất dốc; xây dựng, hiệu chỉnh và từng bước hoàn thiện hệ thống cảnh báo sớm; ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn chi tiết các công tác xây dựng trên đất dốc. Bên cạnh đó, Lâm Đồng cần sớm có quy định đặc thù các công trình xây dựng vùng gò, đồi để bổ sung các nội dung còn thiếu, hay còn sơ hở trong công tác cấp giấy phép xây dựng, quản lý xây dựng.

Tin, ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/lam-dong-co-the-ap-dung-mo-hinh-phong-chong-sat-lo-cua-nhat-ban-hong-kong-trung-quoc-743837