Làm đến nơi đến chốn với trách nhiệm cao

Muốn xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp, nơi đáng sống, điểm đến lý tưởng thì phải có những biện pháp căn cơ, bền vững và quyết liệt

Bạn đọc Thanh Vân:

Cộng đồng cần mạnh mẽ lên tiếng

Tôi thấy việc quản lý nuôi chó, mèo nếu thực hiện cùng lúc trên toàn quốc là rất khó, nhất là ở các tỉnh nhỏ, vùng nông thôn. Cần nhiều cơ chế, điều luật, nhân sự, thời gian...

Điển hình việc một hộ dân ở quận 4, TP HCM nuôi hàng chục con chó gây ô nghiễm, phiền phức cộng đồng nhưng chính quyền vẫn mãi loay hoay trong việc xử lý. Vì vậy, cần nghiên cứu xây dựng các điều luật, quy định rõ ràng trước khi tiến hành thực thi việc quản lý chó, mèo tại cộng đồng.

Về những hệ lụy phát sinh từ việc nuôi chó, mèo, nếu người nuôi có ý thức, trách nhiệm cộng đồng cao thì không có gì đáng bàn. Bản thân tôi nuôi chó hàng chục năm nay chẳng hề gây phiền phức cho ai, chưa hề xảy ra sự cố nào.

Nuôi chó để giữ nhà hay làm bạn thì cũng chỉ cần quẩn quanh trong phạm vi căn nhà của mình là đủ; tạo không gian kín cho chó thoải mái đi lại, tạo thói quen vệ sinh đúng giờ, đúng chỗ thì không nhất thiết phải dẫn chó ra ngoài, có chăng chỉ là thư giãn đôi chút.

Tôi nghĩ việc trước hết là tăng cường nhân lực cho việc bắt chó thả rông bởi tính nguy hại của nó. Cần quy định rõ chủ vật nuôi chỉ có thể nhận chó lại một lần sau khi đóng phạt, với lần 2 chó sẽ bị tiêu hủy.

Bên cạnh đó, tiến hành kiểm tra việc tiêm ngừa vật nuôi, khống chế số lượng chó được nuôi của mỗi hộ, buộc các hộ nuôi phải làm cam kết không thả rông chó cũng như bảo đảm vệ sinh môi trường.

Đây là những việc mà mỗi địa phương đều có thể tiến hành theo quyền hạn của mình. Với hành vi thiếu ý thức của một số người nuôi, cộng đồng cần mạnh mẽ lên tiếng và chính quyền địa phương phải xử lý quyết liệt, nghiêm minh.

Chó thả rông trên đường gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.Ảnh: Thùy An

Bạn đọc Lê Văn Cải:

Phải có những biện pháp căn cơ, bền vững

Có rất nhiều vấn đề trong việc nuôi chó: thả rông gây trở ngại cho xe lưu thông, nuôi nhốt trong khu dân cư gây ồn ào, mất vệ sinh…

Những vấn đề này từng bị dư luận lên tiếng gay gắt nhưng do việc quản lý buông lỏng, thả nổi; người bị ảnh hưởng ngại không dám nói nên tình trạng chó thả rông, phóng uế bừa bãi, cắn người… có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống và mỹ quan đô thị.

Như khu vực tôi đang sống, chó cắn người thì chưa xảy ra nhưng dơ bẩn thì rất nhiều bất kể là đường lớn, đường nhỏ… Thậm chí hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nơi lý tưởng của người dân tập thể dục và đi dạo, cũng đầy chất thải của chó.

Để xử lý dứt điểm tình trạng này, chỉ có cách là làm đến nơi đến chốn với trách nhiệm cao, không nửa vời, đánh trống bỏ dùi.

Cụ thể, mở đợt tuyên truyền vận động sâu rộng đến từng hộ gia đình có nuôi chó, mèo; yêu cầu họ ký cam kết, thượng tôn pháp luật, không làm ảnh hưởng đến cộng đồng.

Nếu vi phạm, ban đầu là nhắc nhở, sau đó có thể là cấm nuôi. Cùng với đó là duy trì hoặc thành lập lại, nâng cao hiệu quả của đội bắt chó thả rông.

Muốn xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp, nơi đáng sống, điểm đến lý tưởng thì phải có những biện pháp căn cơ, bền vững và quyết liệt.

Không thể để mỗi khi ra đường là sợ chó cắn, té ngã vì chó thả rông; trong khu phố, công viên thì e ngại giẫm phải chất thải, ô nhiễm…

Bổ sung chế tài xử phạt

Nuôi chó là quyền cá nhân của mỗi người và tình yêu của con người dành cho động vật là điều đáng quý. Người cao tuổi nuôi chó, mèo để bầu bạn, xua đi sự cô đơn trống vắng. Chó còn được nuôi để hỗ trợ chữa lành cho trẻ tự kỷ... Sẽ không ai phản đối nếu người nuôi ứng xử văn minh, có ý thức.

Thực tế, chúng ta đã có quy định về việc nuôi chó, mèo tại cộng đồng nhưng khi áp dụng thì không mấy hiệu quả do không dễ xác định chủ của chó thả rông; chính quyền địa phương với nhân lực mỏng khó đảm đương hữu hiệu; ý thức kém của một số người thích vật nuôi nhưng thiếu kiến thức; mức phạt nhẹ chưa đủ răn đe…

Cần bổ sung các chế tài xử phạt người nuôi chó, mèo vi phạm. Cụ thể, tăng số tiền xử phạt; thêm hình phạt bổ sung như: đưa vật nuôi khỏi nơi nuôi nhốt hoặc có các hình thức tương tự nếu chủ vật nuôi vi phạm; cấm người có hành vi vi phạm nuôi chó, mèo trong một thời hạn nhất định…

Việc đề xuất ban hành quy định tạm thời về quản lý chó, mèo cho thấy sự quan tâm của cơ quan chức năng đến lĩnh vực này. Tuy nhiên, các quy định càng chi tiết bao nhiêu càng cần xem xét kỹ đến tính khả thi về việc thực hiện, kiểm tra và xử lý. Có như vậy, các quy định này mới có hiệu quả trên thực tế.

Thanh Huy

Huỳnh Hiếu ghi

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/lam-den-noi-den-chon-voi-trach-nhiem-cao-196240403211003655.htm