Làm dân

"Dân phản ánh hai lực lượng này (cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông) không ít. Con trong nhà thì có đứa này đứa khác. Muốn biết dư luận nói con mình tiêu cực có đúng không thì phải cải trang đi thực tế để nắm tình hình rồi có biện pháp giáo dục, xử lý.

Tôi cải trang đi hoài và cũng thấy nhiều chuyện không giống như trong báo cáo" - Đó là lời tâm tình của ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang tại cuộc họp chiều 8-3-2016 để bàn giải pháp giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh này.

Đi xuống với dân hay gần dân là một trong những hoạt động không thể thiếu của người làm lãnh đạo. Nhưng xuống với dân theo kiểu rầm rộ đón đưa, chắc chắn hiệu quả không thể cao, kết quả không thể rõ nét. Muốn thật sự hiểu dân thì phải thật sự "làm dân". Đây cũng là cách từng được nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta thực hiện từ lâu.

Mặc dù đã nghe lãnh đạo Bộ Nội thương và TP Hà Nội báo cáo về tình hình chuẩn bị Tết, nhưng đúng 30 Tết năm Quý Mão (1963) Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn hóa trang làm người dân đi sắm Tết ở chợ Đồng Xuân để cảm nhận sâu sắc hơn tình hình thực tế cuộc sống. Năm 1996, dẫu biết Phó Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhiều lần xuống làm việc ở hiện trường, nhưng Thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn cải trang trực tiếp đến khu vực đê Yên Phụ để nghe ý kiến người dân về việc phá dỡ những công trình vi phạm Pháp lệnh bảo vệ đê điều, từ đó về chủ trì đưa ra quyết định hợp lý nhất.

Những năm 1988 - 1989, người dân khu vực chợ 19-12 (quận Hoàn Kiếm) thường rất quen với hình ảnh một cán bộ ăn mặc giản dị, cuối giờ chiều thường qua đây thăm hỏi giá cả các mặt hàng. Mãi về sau nhiều người mới biết, đó chính là Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Thế Duyệt.

Những năm gần đây, nhiều lãnh đạo các cấp, ngành địa phương cũng thường xuyên cải trang "làm dân" và lời bộc bạch của Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng là một minh chứng rõ nét về hiệu quả của việc làm này - "thấy nhiều chuyện không giống như trong báo cáo".

"Làm dân" không chỉ giúp người lãnh đạo đưa ra quyết sách đúng đắn hơn, hiệu quả hơn, mà còn là cách tích lũy thêm kinh nghiệm công tác. Bởi thế, "làm dân" phải trở thành một "thước đo" đối với công bộc của dân như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh tại Phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 9-3-2016): "Đại biểu Quốc hội phải là dân, ở trong dân, thế mới xứng đáng là đại biểu Quốc hội"!

Một "thước đo" giản dị như thực tế - trước khi làm cán bộ, ai cũng đều từng làm dân…

Long Hà

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/827672/lam-dan