Làm Công an những năm đầu giải phóng ở Đông Nam Bộ

Ở tuổi 80, Trung tá Vũ Thành Trung, nguyên Trưởng phòng CSGT, Trưởng phòng CSĐT Công an tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương) vẫn còn khỏe khoắn và tinh anh, một mình lái xe đi dọc dài đất nước, mặc dù mang trong mình di chứng nặng nề của thương tật bởi chiến tranh. Điều đặc biệt, ông tự tay chắp bút viết nên cuốn hồi ký về những kỷ niệm thanh xuân, những năm tháng chiến đấu hào hùng trên chiến trường miền Đông Nam Bộ và công cuộc kiến thiết xây dựng sau ngày đất nước hòa bình, trong đó có 15 năm cống hiến cho ngành Công an.

Chuyện đời qua từng trang viết

Trung tá Vũ Thành Trung (Mười Trung) tâm sự, ông chưa từng nghĩ một ngày nào đó mình sẽ viết sách, bởi cuộc đời ông chưa một lần viết báo, cũng chẳng có ý niệm văn chương là gì. Thế nhưng, khi đọc được nhiều hồi ký của bạn bè, ông lại muốn kể câu chuyện về những năm tháng chiến đấu của mình và đồng đội. Ông muốn con cháu mai sau biết thế hệ cha anh đã sống và chiến đấu như thế nào. Có những chuyện đã từng trải qua, chỉ một mình ông biết, những kỷ niệm chỉ riêng cuộc đời mình có. Nếu không viết ra, khi mình mất đi, kỷ niệm sẽ mất theo.

Ở tuổi 80, Trung tá Vũ Thành Trung đã hoàn thành cuốn hồi ký về cuộc đời mình.

Ở tuổi 80, Trung tá Vũ Thành Trung đã hoàn thành cuốn hồi ký về cuộc đời mình.

Ông nhờ một nhà văn viết, nhưng khi hoàn thành bản thảo 400 trang, ông cảm thấy chưa ưng ý vì không thấy có cảm xúc trong đó. Ông tiếp tục nhờ một người khác chắp bút nhưng cảm thấy trang viết khô khan và rời rạc. Cuối cùng, ông quyết định tự mình viết. Thời điểm dịch bệnh cuối năm 2021, ông có nhiều thời gian một mình lắng đọng, hồi tưởng lại cuộc đời. Vì không rành sử dụng máy tính nên ông viết vào giấy, rồi sửa đi sửa lại bằng những tờ giấy khác. Được một số bản thảo, ông mang ra tiệm nhờ người đánh máy. Chữ viết tay nhiều chỗ không đọc được nên người đánh máy bỏ trống hoặc đánh sai câu từ, ông phải sửa lại và bổ sung.

Sau này, ông tìm được người bạn hiểu biết về công nghệ, sử dụng thành thạo máy vi tính nên ông chuyển bản thảo sang nhờ bạn giúp. Một người viết, người kia đánh máy, câu nào không hiểu thì gọi hỏi hoặc đoạn nào chưa rõ ngồi lại trao đổi. Cuối cùng, sau hơn một năm, hình hài cuốn hồi ký dày 300 trang đã hình thành. Trước khi mang in sách, ông gửi bản thảo cho bạn bè, đồng đội xem trước. Mọi người đều cảm thấy những gì ông kể trong sách rất thật. Nhiều người làm việc cùng ông trong ngành Công an còn không biết đời lính của ông như thế nào, khi đọc hồi ký, họ nói rằng câu chuyện ông kể đã cho họ hiểu hơn về những năm tháng chiến đấu gian khổ. Tất cả chia sẻ của mọi người đều cho ông niềm vui và sự vững tâm để xuất bản tập hồi ký “Nước mắt và niềm vui”.

Những câu chuyện trong hồi ký đều là sự thật, được Trung tá Vũ Thành Trung kể lại mạch lạc, rõ ràng, phù hợp với diễn biến thời gian và không gian. Trong phần cuối của tập sách, Trung tá Vũ Thành Trung dành phần nhiều nói về khoảng thời gian 15 năm công tác trong ngành Công an.

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Mười Trung giữ chức Trưởng Ban quân báo tỉnh Bình Phước. Lúc này, ông quay về Sông Bé và có ý định chuyển ngành vì e rằng với thương tích của mình sẽ không thể đảm bảo sức khỏe phục vụ lâu dài trong Quân đội, mà ông lại là chỉ huy cấp tiểu đoàn trở lên. Cấp trên đã chấp thuận để ông tìm công việc mới.

Một buổi chiều dịu nắng bên bờ sông Sài Gòn, gần chợ Thủ Dầu Một, Mười Trung gặp ông Tư Nguyện, Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé, hai người vốn quen biết nhau từ thời ở Khu ủy Khu 10. Biết Mười Trung đang ở trạm chờ việc, ông Tư Nguyện nói ngay: “Chú là quân báo có nghiệp vụ, hiện bên Công an đang cần, để anh mách cho họ qua nhận em…”.

Mười Trung phân bua: “Em mới rời khỏi lực lượng vũ trang, nay lại qua vũ trang nữa sao?”. Ông Tư giải thích: “Làm Công an, cần người từng trải qua chinh chiến trận mạc để hiểu con người, xử lý những tình huống phức tạp, cần cái tâm và sự trung thực”.

Sau đó mấy ngày, Phòng Tổ chức cán bộ Công an tỉnh cử người đến trạm gặp Vũ Thành Trung và thông báo: “Bộ Công an có kế hoạch thành lập lực lượng CSGT ở miền Nam để quản lý xe cộ, tàu thuyền và ổn định luật lệ an toàn giao thông ở miền Nam sau giải phóng. Lãnh đạo Ty Công an bổ nhiệm anh về làm Trưởng phòng CSGT, anh có đồng ý không”?

Mặc dù chưa có khái niệm gì về nhiệm vụ của CSGT như thế nào nhưng Mười Trung tự tin ở khả năng của mình nên đã đồng ý.

Làm những việc có lợi nhất cho người dân

Tháng 5/1976, Vũ Thành Trung được bổ nhiệm làm Trưởng phòng CSGT Công an Sông Bé. Biên chế của CSGT lúc này có sẵn 30 người và 7 cán bộ của Cục CSGT tăng cường về.

Nhiệm vụ của CSGT là ổn định tình hình quản lý các loại phương tiện, tổ chức tập huấn cho đội ngũ lái xe miền Nam để người dân có ý thức chấp hành Luật Giao thông. Khi ấy, chưa có chủ trương phạt tiền vi phạm giao thông mà áp dụng các biện pháp khác để hạn chế tai nạn giao thông. Thời kỳ đầu, cấp bằng lái có kèm theo ba phiếu kiểm soát. Nếu vi phạm bị xé hết ba phiếu thì buộc lái xe phải học lại, thi lại. Sau này không còn bằng lái mà là giấy phép lái xe, mỗi lần vi phạm nặng thì bấm lỗ giấy phép lái xe. Nếu bấm ba lỗ thì người điều khiển phương tiện giao thông buộc phải thi lại.

Trung tá Vũ Thành Trung - Trưởng phòng CSGT Công an Sông Bé (nay là Công an tỉnh Bình Dương) điều khiển xe mô tô mới nhận từ Đức (ảnh tư liệu).

Trung tá Vũ Thành Trung - Trưởng phòng CSGT Công an Sông Bé (nay là Công an tỉnh Bình Dương) điều khiển xe mô tô mới nhận từ Đức (ảnh tư liệu).

Sau giải phóng, ta chưa có trường lớp để tổ chức cho những người cần học lái xe mà chỉ tổ chức cho người biết lái xe thi thực hành tay lái. Đến năm 1977, Cục CSGT chỉ đạo các tỉnh miền Nam tiến hành tổ chức thi tự do cho đội ngũ lái xe. Trưởng phòng CSGT Vũ Thành Trung và các giám khảo đi nghiên cứu, tìm được nơi tổ chức thi và thông báo cho lái xe toàn tỉnh đến đăng ký hồ sơ. Người dân đến đăng ký rất nhiều, giám khảo phải phân ra thành nhiều đợt. Đợt một tổ chức cho 500 thí sinh thi nhưng không một ai đậu, mặc dù trong số này có người đã lái xe 10 đến 20 năm.

Nghe báo cáo, Trưởng phòng Vũ Thành Trung chạy xuống xem tình hình, ông thấy nhiều người buồn bã, có người ôm mặt gục khóc. Ông yêu cầu hai giám khảo cầm lái, nếu giám khảo vượt qua được thì sẽ cho thi tiếp, còn không thì phải sửa lại quy định. Hai vị giám khảo cũng trượt, điều đó là vô lý. Giám khảo không đậu thì làm sao bắt thí sinh đậu. Ông bàn với ban tổ chức phải dời cọc, chỉnh sửa lại những chỗ không hợp lý, làm đến khi nào giám khảo chạy suôn sẻ và thành công thì mới tổ chức thi.

Dù biết rằng, quyết định sửa lại điều lệ thi sẽ phải lãnh hậu quả khó lường nhưng Trưởng phòng Vũ Thành Trung vẫn chấp nhận, bởi ông hiểu được cái nghề kiếm cơm của bao nhiêu tài xế đang phụ thuộc vào tấm giấy phép lái xe này. Qua 4 ngày thi, 500 thí sinh tham dự chỉ rớt có 20 người. Ông cảm nhận được niềm vui sướng khôn cùng của anh em tài xế. Từ đó, Phòng CSGT sử dụng sa bàn này cho những kỳ thi tiếp theo, đồng thời vị trưởng phòng còn đi chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn cho Công an tỉnh Đồng Nai và các tỉnh khác vận dụng.

Năm 1985, Trung tá Vũ Thành Trung được Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) cử đi học tập kinh nghiệm tại Liên Xô, nay là Liên bang Nga. Tháng 4/1986, ông trở về nước và được bố trí làm Trưởng phòng CSĐT. Theo Trung tá Vũ Thành Trung, lĩnh vực này rất phức tạp, liên quan đến tội phạm hình sự, là người trực tiếp ký các lệnh bắt giam, truy tố nên phải tuyệt đối khách quan, đúng người, đúng tội, đúng chính sách pháp luật. Nhờ có những năm tháng được đi Liên Xô học qua trường điều tra dự thẩm, Trung tá Vũ Thành Trung am hiểu lý luận đã vận dụng vào thực tế công tác của mình.

Sau 15 năm cống hiến cho ngành Công an, ông đã góp một phần công sức, trí tuệ của mình vào xây dựng lực lượng CSGT, CSĐT của Công an tỉnh Sông Bé bước qua từng giai đoạn khó khăn, thử thách của ngày đầu non trẻ. Nghề Công an thấm nhuần những lời dạy của Bác Hồ, dù vất vả mấy, đứng trước muôn ngàn cám dỗ, ông phải luôn giữ mình sống sao cho tốt, cho xứng đáng với màu cờ sắc áo, truyền thống tự hào của ngành Công an.

Ngọc Hoa

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/cong-an/lam-cong-an-nhung-nam-dau-giai-phong-o-dong-nam-bo-i697623/