Làm chè an toàn ở Phúc Thành

Nhiều hộ dân xóm Phúc Thành (Phúc Trìu, TP. Thái Nguyên) đã mạnh dạn tham gia sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Người dân xóm Phúc Thành thu hái chè an toàn.

Ông Nguyễn Văn Hoàn, Trưởng xóm Phúc Thành, thông tin: Năm 2019, xóm Lai Thành sáp nhập với xóm Cầu De và có tên gọi là xóm Phúc Thành. Xóm Phúc Thành có tổng số 200 hộ, trong đó số hộ làm chè chiếm trên 80%. Hiện nay trong xóm có 2 làng nghề chè truyền thống là Phúc Thành và Cầu De.

Những năm qua, bà con 2 làng nghề đã tích cực đưa giống chè lai có năng suất cao vào trồng thay thế các giống chè cũ; mạnh dạn tham gia sản xuất chè theo quy trình an toàn, VietGAP… Đến nay, tổng diện tích chè ở xóm Phúc Thành là 45ha, trong đó chiếm 90% là giống chè lai và khoảng 70% diện tích chè được trồng, chăm sóc theo quy trình VietGAP.

Là hộ dân sớm mạnh dạn tham gia sản xuất chè theo hướng an toàn, chị Lê Thị Thúy chia sẻ: Nhận thấy trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất, chất lượng và giá bán cao hơn, nên từ 4 năm trước, tôi đã triển khai áp dụng quy trình VietGAP trên toàn bộ diện tích 2 sào chè của gia đình. Thời gian đầu có vất vả hơn vì phải làm cỏ chè bằng tay, ghi chép sổ sách theo dõi tất cả các hoạt động tác động lên nương chè, từ việc thăm chè, tưới, thu hái… đến sử dụng các hoạt chất sinh học, thời gian, liều lượng… Nhưng dần dân, mọi việc được tiến hành trơn tru hơn. Qua thời gian, đất được tái tạo nhờ sử dụng phân bón, chế phẩm sinh học, cây chè sinh trưởng tốt, năng suất chất lượng đều cao hơn. Giá thu mua chè búp tươi sản xuất theo quy trình VietGAP tăng so với chè thông thường…

Còn chị Trần Thị Hương cho hay: Trong quá trình triển khai làm chè an toàn, chúng tôi được ngành chức năng, cán bộ khuyến nông địa phương quan tâm, theo sát hỗ trợ về kiến thức, kỹ thuật. Đến khi được cấp Giấy chứng nhận sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm của chúng tôi được các hợp tác xã (HTX) tại địa phương ký hợp đồng bao tiêu, thu mua với giá ổn định.

Là một trong 3 HTX được thành lập trên địa bàn xóm Phúc Thành, ông Ngô Viết Thuật, Giám đốc HTX chè Thủy Thuật, cho biết: Sản xuất chè sạch, an toàn, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm chính là mục tiêu của HTX. Để làm được điều này, chúng tôi đã ký hợp đồng với Tổ hợp tác sản xuất chè xóm Lai Thành để hình thành chuỗi liên kết, cung ứng nguyên liệu chè búp tươi theo tiêu chuẩn VietGAP và UTZ, với tổng diện tích gần 20ha, bảo đảm nguyên liệu sản xuất cho các đơn hàng lớn. Cùng với đó, HTX cũng đầu tư các loại máy móc, trang thiết bị, xây dựng nhà xưởng rộng rãi khang trang, tự động hóa 80% công đoạn sản xuất chè. Qua đó, đảm bảo công suất chế biến tối đa đạt 3 tấn chè búp tươi/ngày.

Ngoài ra, HTX chè Thủy Thuật cũng chú trọng thiết kế bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, giúp người tiêu dùng dễ nhận diện. Qua đó, HTX đã xây dựng thành công 3 sản phẩm chè đạt OCOP 3 sao, 4 sao; trung bình các sản phẩm chè của HTX có giá bán từ 250 nghìn đồng - 2,8 triệu đồng/kg.

Có thể thấy, định hướng sản xuất chè an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP đã và đang là hướng đi đúng đắn của người làm chè ở xóm Phúc Thành. Giá trị kinh tế của cây chè được nâng lên góp phần nâng cao đời sống người dân. Năm 2022, bình quân thu nhập của người dân trong xóm đạt 50 triệu đồng/người/năm (tăng 5 triệu đồng so với năm 2019). 100% tuyến đường giao thông trong xóm đã cứng hóa. Phúc Thành đang xây dựng xóm nông thôn mới kiểu mẫu.

Trưởng xóm Phúc Thành Nguyễn Văn Hoàn cho biết thêm: Thời gian tới, xóm sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân 2 làng nghề mở rộng diện tích chè an toàn; đẩy mạnh liên kết tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm chè. Cùng với đó là xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202307/lam-che-an-toan-o-phuc-thanh-a6a3b4a/