Làm cách nào giúp trẻ hiểu đúng về pháp luật?

Việc hiểu về luật pháp sẽ mang lại nhiều lợi ích cho trẻ, cả trong quá trình phát triển và tương lai.

Việc dạy trẻ về luật sẽ mang lại nhiều lợi ích. Ảnh minh họa.

Thống kê cho thấy, tỷ lệ thanh thiếu niên phạm pháp chiếm đến 56% tổng số vụ vi phạm pháp luật trên địa bàn cả nước. Bởi vậy, hiểu về luật pháp là cần thiết mà bất kỳ ai cũng cần sự cởi mở tư duy để tiếp cận và học hỏi nhiều hơn, bao gồm trẻ em.

Việc hiểu về luật pháp sẽ mang lại nhiều lợi ích cho trẻ, cả trong quá trình phát triển và tương lai.

Khía cạnh chưa thực sự được quan tâm

Chủ đề về giáo dục luật pháp có lẽ là khía cạnh đang có rất ít sự quan tâm của số đông. Nhất là thế hệ càng trẻ, sự quan tâm về việc “biết luật” càng lúc bị thiếu hụt dần. Bởi, luật pháp thường không nằm trong xu hướng quan tâm của thế hệ trẻ hiện nay.

Song, với sự tiến bộ của mọi phương diện, giáo dục luật pháp sẽ là nhân tố không chỉ giúp thay đổi nhận thức của cộng đồng, mà còn nhìn nhận đúng đắn hơn về tầm quan trọng của việc học và biết luật để có được kỹ năng vàng cần có: Kỹ năng giải quyết vấn đề.

Bộ phận thanh thiếu niên Việt Nam từ 10 - 24 tuổi tại nước ta đa phần đang học tập tại các bậc học khác nhau, từ tiểu học đến đại học. Do đó, trình độ nhận thức và mức độ hiểu biết pháp luật có sự phân hóa khá lớn.

Mặc dù đã có mặt tích cực về cập nhật và đón nhận kiến thức đúng hay hành động tích cực cho cộng đồng, nhưng sự hiểu biết về pháp luật của thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế.

Theo tổng kết của Viện Nghiên cứu thanh niên Việt Nam, Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý, Viện Tâm lý và Giáo dục pháp luật, cuộc khảo sát tại 1 số trường học, tỉnh thành cho thấy: 49,2% số người được hỏi không hiểu biết gì về pháp luật, 20,2% trong 300 ý kiến của các em học sinh trung học phổ thông các tỉnh phía Nam không biết gì về Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; 50% trên 300 ý kiến không quan tâm gì đến đạo luật này. Trong khi đó, đây là một đạo luật liên quan mật thiết đến quyền và nghĩa vụ của các em.

Do thiếu hiểu biết, các thống kê cho thấy: Tỷ lệ thanh thiếu niên phạm pháp chiếm đến 56% tổng số vụ vi phạm pháp luật trên địa bàn cả nước. Trong khi đó, trên các mặt báo thường xuyên xuất hiện hàng loạt vụ thanh thiếu niên lạng lách đánh võng khi tham gia giao thông, chất cấm hay thậm chí là cầm hung khí rượt đuổi tấn công nhau nơi công cộng.

Một trong những luật mà trẻ cần nắm rõ từ sớm là về an toàn giao thông. Ảnh minh họa.

Không chỉ thế, sự thiếu hiểu biết về pháp luật còn đi đôi với những cái nhìn lệch lạc và thậm chí là coi thường và chống đối pháp luật. Những hành vi vi phạm pháp luật cũng ngày càng táo tợn.

Điều đó đặt dấu hỏi lớn tới gia đình, nhà trường, hệ thống giáo dục về lĩnh vực pháp luật và toàn xã hội: Làm sao để giúp các em hiểu đúng về pháp luật, biết bảo vệ mình và tiếp tục phát triển về mặt nhận thức thật sự chất lượng để hướng tới cuộc sống tích cực và văn minh hơn?

Chia sẻ về vấn đề này, chị Lê Hà My - phụ huynh tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) nhận định, sinh viên đại học ngày nay thừa các kiến thức không thực tế, nhưng lại thiếu hiểu biết pháp luật cơ bản.

“Tôi cho rằng, nên phổ biến pháp luật từ cấp hai cho học sinh vì các em hiện nay dậy thì sớm (cơ thể của người lớn mà đầu óc của trẻ con), chứ không cần đợi tới năm cuối cấp ba mới bắt đầu giáo dục. Việc học luật cũng cần phải diễn ra thường xuyên và liên tục trong nhà trường thì mới có hiệu quả lâu dài”, nữ phụ huynh chia sẻ.

Theo chị, việc phổ biến pháp luật trong nhà trường cũng thường dễ dàng nhất trong các hình thức giáo dục khác. Luật nào cũng cần thiết đối với học sinh, Luật Giao thông thậm chí đã dạy các con từ mẫu giáo rồi. Do vậy, không có lý do nào để chần chừ, trong khi việc phổ biến luật sẽ giúp ngăn ngừa phạm tội và giảm gánh nặng cho xã hội về sau.

Trong khi đó, anh Hoàng Thanh Hiếu - phụ huynh tại quận Đống Đa (Hà Nội) cho rằng: “Đúng ra luật phải được dạy cho trẻ em rải từ nhiều cấp như: Mẫu giáo có thể lồng vào chương trình học Luật Giao thông, mỗi cấp một, hai, ba đều có thể lồng vào chương trình các quy định hiện hành phù hợp cho từng độ tuổi. Chứ đợi lên đại học mới có môn Luật đại cương sẽ không ai hiểu đến các quy định của luật pháp hiện hành. Việc không hiểu luật sẽ tạo ra hành động phạm tội ‘hồn nhiên’ ngày càng nhiều”.

Trẻ cần được làm quen với những kiến thức về luật pháp ngay từ sớm. Ảnh minh họa.

Bảo vệ trẻ và người xung quanh

Theo các chuyên gia, việc giáo dục pháp luật cho giới trẻ một cách đúng đắn, đầy đủ và kỹ càng sẽ mang lại vô số lợi ích cho không chỉ các bạn trẻ, mà còn cho gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Giáo viên Trịnh Mai Chi - Trường Mầm non Bông Mai 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, trước hết, việc hiểu biết rõ về luật pháp sẽ giúp trẻ bảo vệ được bản thân và những người xung quanh. Khi đã được giáo dục tốt về luật pháp, trẻ sẽ hiểu rõ về các quyền và nghĩa vụ của bản thân. Từ đó, có các nhận định đúng về những tình huống liên quan đến pháp luật. Trẻ cũng sẽ xử lý các tình huống đó dựa trên những tri thức đã có về pháp luật.

Bên cạnh đó, việc hiểu biết về pháp luật sẽ khiến trẻ có thể giúp đỡ những người xung quanh. Đặc biệt, những trẻ lớn hoàn toàn có thể đưa ra lời khuyên hay truyền lại các tri thức về pháp luật cho gia đình và những người xung quanh. Đó cũng là nền tảng tốt cho công việc tương lai của trẻ. “Hiểu đúng - đủ - kỹ về pháp luật ngay từ khi còn nhỏ cũng tạo tiền đề tốt cho công việc của trẻ trong tương lai. Bởi, ngành nào cũng có pháp luật và đòi hỏi người làm việc trong bất cứ lĩnh vực nào cũng cần có vốn tri thức về pháp luật thật vững chắc”, giáo viên Mai Chi cho biết.

Ở Việt Nam, trong chương trình giáo dục ở các bậc học phổ thông từ tiểu học đến THPT, những kiến thức cơ bản về pháp luật đã được đưa vào giảng dạy. Chẳng hạn, từ bậc tiểu học đến THCS, học sinh đã được làm quen với một số biển báo và những kiến thức cơ bản cần thiết khi tham gia giao thông. Mặc dù vậy, do hạn chế về thời lượng, cùng với đó là phương pháp truyền thụ của giáo viên chưa thực sự sinh động, hấp dẫn nên thường xảy ra tình trạng “học trước, quên sau”, kiến thức không “đọng” lại được lâu.

Giáo dục pháp luật cho trẻ em có tầm quan trọng đặc biệt để hình thành ý thức pháp luật, đạo đức và trách nhiệm công dân. Giáo dục pháp luật cho trẻ em là một trong những hình thức và phương thức bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Chất lượng, hiệu quả giáo dục pháp luật cho trẻ em phụ thuộc vào nhiều điều kiện bảo đảm. Trong đó, có việc kết hợp các loại hình giáo dục cho trẻ em: Pháp luật, đạo đức, quyền con người và kỹ năng sống. Quan trọng nhất là trách nhiệm cộng đồng trong việc giáo dục ý thức pháp luật cho trẻ. Đây cũng được xem là trách nhiệm của nhà trường, gia đình, cộng đồng và tổ chức đoàn thể xã hội.

Theo giáo viên Mai Chi, với trẻ tiểu học, điều quan trọng là cha mẹ và nhà trường cần dạy cho con về Luật Giao thông đường bộ. Trong đó, nhà trường cần cung cấp kiến thức an toàn giao thông cho giáo viên. Từ đó, giáo viên trang bị kiến thức an toàn giao thông cho học sinh. Thầy cô cần phải là tấm gương về chấp hành quy định về an toàn giao thông cho học sinh noi theo. Thực hiện nghiêm túc kế hoạch giảng dạy an toàn giao thông theo quy định. Đồng thời, thực hiện lồng ghép tuyên truyền vào các buổi chào cờ đầu tuần. Tổ chức mời các chuyên gia về an toàn giao thông đến để nói chuyện với trẻ.

Nhà trường cũng nên đưa việc chấp hành an toàn giao thông làm một tiêu chí để đánh giá đạo đức của học sinh. Tập trung giáo dục thanh thiếu nhi, mẫu giáo, mầm non hình thành ngay nếp nghĩ, ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Sắp xếp thời gian để phụ huynh đưa đón các em một cách khoa học, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông tại cổng trường, tạo được sự đồng thuận trong hội phụ huynh về an toàn giao thông .

“Gia đình là trường học đầu tiên và cực kỳ quan trọng cho trẻ về việc tham gia giao thông. Những kiến thức bé học được từ bố mẹ trong những năm đầu đời sẽ hằn sâu và theo suốt cuộc đời. Vì vậy, cần giáo dục cho con em mình ý thức chấp hành Luật Giao thông từ nhỏ”, nữ giáo viên cho biết. Điều quan trọng là cha mẹ phải theo dõi hằng ngày khi trẻ tham gia giao thông như: Đùa giỡn dưới lòng đường, băng qua đường không ngó trước ngó sau, phóng nhanh vượt ẩu, đi xe đạp hàng đôi, hàng ba.

Bên cạnh đó, theo nữ giáo viên này, cha mẹ cũng cần dạy cho trẻ về Luật Trẻ em. Trong đó, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em, vào ngày 20/2/1990. Trẻ cũng cần biết rằng, vào ngày 5/4/2016 tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã biểu quyết thông qua Luật Trẻ em 2016 thay thế Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của năm 2004. Tên gọi mới này vừa ngắn gọn vừa phản ảnh đầy đủ hơn nội dung và phạm vi điều chỉnh của luật về trẻ em.

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lam-cach-nao-giup-tre-hieu-dung-ve-phap-luat-post674874.html