Làm báo xưa và nay

Nhà báo phải có đạo đức, gìn giữ, bảo đảm thực hiện những tiêu chuẩn của báo chí, đó là sự chính xác, tính công bằng và tính nhân văn

Nghề báo phải không ngừng đổi mới từ nội dung đến hình thức để đáp ứng nhu cầu của độc giả. Ảnh minh họa

Sự phát triển mạnh mẽ của internet cùng các thiết bị điện tử thông minh ngày nay đã mở ra một xu hướng phát triển mới của báo chí, buộc báo chí phải không ngừng cải tiến. Nếu không tích cực học hỏi nâng cao kỹ năng, cập nhật kiến thức công nghệ mới, người làm báo sẽ trở nên tụt hậu.

Một thời đã qua

Hơn 70 năm trước, Báo Dân Quyền- tiền thân của Báo Tây Ninh hiện nay- được khai sinh ở căn cứ cách mạng Cây Chò (ấp Gò Nổi, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành).

Báo Dân Quyền xuất bản vào tháng 10.1946, là sự kiện đánh dấu sự hình thành nền báo chí cách mạng của tỉnh nhà. Những người đầu tiên tham gia viết báo là các cây bút Dương Minh Châu, Phạm Uyển, Lê Sơn Đảnh, Lê Đình Nhơn… Phụ trách việc trình bày, in ấn, phát hành là các ông Trần Văn Sanh, Hoàng Minh Hiệp, Nguyễn Văn Choàng. Các bậc tiền bối này đều đã "rời cõi tạm".

Ông Nguyễn Văn Choàng- người phụ trách việc ấn loát của Báo Dân Quyền, từng kể: Báo Dân Quyền ra đời, Ban ấn loát (phụ trách việc in ấn bản tin) đã in một số bản tin bằng đất sét, sau đó nâng cấp lên in bằng bột gạo. Những năm sau đó, ông được Tỉnh ủy cho đến nhà in Lý Chính Thắng của Báo Cảm Tử (Sài Gòn) học cách đúc chữ bằng chì. Học xong, ông Năm Choàng mua chì về đúc chữ, phục vụ việc in báo tốt hơn.

Ông Hồ Văn Đông (Chín Đông)- một trong những người làm báo thời kháng chiến kể rằng, những năm 1948 - 1950, đọc được các bản tin thắng trận, người dân vô cùng phấn khởi, khí thế đánh giặc hừng hực. Việc nuôi quân, sản xuất, tòng quân thành một phong trào yêu nước.

“Tôi còn nhớ, lúc đó Báo Dân Quyền in ở căn cứ cách mạng Dương Minh Châu, nhưng để địa chỉ in tại nhà in Nguyễn Văn Huấn Sài Gòn. Bà con mình cầm tờ báo coi phấn khởi quá, thấy tổ chức cách mạng đã phát triển lớn mạnh đến tận Sài Gòn, còn bọn địch ráo riết truy tìm nhà in Nguyễn Văn Huấn, nhưng tìm hoài mà không thấy”- ông Đông nói.

Người dân đọc tin tức trên báo Tây Ninh.

Hơn 15 năm trước, khi còn là cộng tác viên, mỗi lần viết tin, bài cho Báo Tây Ninh, tôi cũng như nhiều cộng tác viên, phóng viên của báo đều viết nội dung lên giấy, rồi cầm đến tòa soạn nộp cho người phụ trách. Trước năm 2000, Báo Tây Ninh bắt đầu trang bị máy vi tính phục vụ cho việc nhập liệu, dàn trang, rút ngắn thời gian xử lý "hậu kỳ".

Để có hình ảnh cho tin, bài, thời điểm đó, phóng viên, cộng tác viên đều chụp bằng loại máy ảnh cơ. Sau khi tráng rọi thì mang ảnh tới tòa soạn nộp. Không ít trường hợp chụp cả cuộn phim nhưng máy bị lọt ánh sáng, chụp dư sáng, thiếu sáng, sai nét, run tay... không sử dụng được.

Làm báo thời 4.0

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin, người làm báo đỡ vất vả hơn so với thế hệ cha anh. Mấy mươi năm trước, hành trang của phóng viên chỉ có cây viết, quyển sổ, máy ảnh cơ, chiếc xe đạp thì hiện nay, người làm báo được trang bị máy móc hiện đại, như: máy ghi âm, máy ảnh kỹ thuật số, máy quay phim, điện thoại thông minh, laptop, xe mô tô, ô tô...

Trình độ của đội ngũ cộng tác viên, phóng viên càng được nâng cao, đa số đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học, cao học. Việc tra cứu tư liệu của những người làm báo hiện nay cũng rất thuận tiện, cần biết vấn đề gì thì chỉ lên mạng internet tìm kiếm thông tin, hầu như mọi thắc mắc đều được giải đáp. Với máy ảnh kỹ thuật số, những khoảnh khắc báo chí dễ dàng được ghi nhận.

Sự phát triển mạng internet giúp việc nộp tin, bài về tòa soạn nhanh chóng. Ngày nay, phóng viên không chỉ biết viết, chụp ảnh, quay phim... mà còn cần các kỹ năng khác như dựng phim, đọc nội dung, dẫn chương trình, v.v...

Ngày nay, người làm báo phải thực sự nhanh nhạy, sử dụng thành thạo các thiết bị để thích ứng với công việc trong thời đại số. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) mang đến cơ hội và cũng là thách thức đối với nghề báo. AI có thể làm thay nhà báo các công đoạn như: phân tích văn bản tự động, dịch văn bản, biên tập lỗi chính tả, ngữ pháp, định dạng văn bản, xử lý ngôn ngữ tự nhiên để viết một số nội dung đơn giản, tóm tắt nội dung; giúp chuyển văn bản thành giọng nói, làm phát thanh viên ảo… Tuy nhiên, AI cũng cho thấy sự tiềm ẩn nguy cơ về thông tin sai lệch, xuyên tạc, tin giả.

Những đối tượng có mục đích xấu lợi dụng vai trò, uy tín của báo chí để làm giả các thông tin, đánh lừa công chúng đó là thông tin báo chí cung cấp, phản ánh. Do đó, đòi hỏi người làm báo hiện nay phải luôn có nhạy cảm chính trị, quan tâm đến tính nhân văn, tính phù hợp với văn hóa… của thông tin.

Công nghệ phát triển, ứng dụng công nghệ vào công việc- đặc biệt là nghề báo- là điều tất yếu. Vấn đề cốt lõi là con người-nhà báo phải có đạo đức, gìn giữ, bảo đảm thực hiện những tiêu chuẩn của báo chí, đó là sự chính xác, tính công bằng và tính nhân văn.

Đại Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/lam-bao-xua-va-nay-a164204.html