Làm báo ở Trường Sa

Chắc hẳn trong mỗi người đều có mong muốn được đến quần đảo Trường Sa ít nhất một lần. Với những người làm báo, chuyến tác nghiệp ở Trường Sa là vinh dự nghề nghiệp rất lớn cùng vô vàn kỷ niệm.

Chuẩn bị đón năm 2023, chúng tôi vinh dự được tham gia chuyến đi Trường Sa do Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân tổ chức. Gần 100 nhà báo đến từ các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương có mặt trên chuyến đi này hầu hết lần đầu tiên đặt chân đến Trường Sa.

Phóng viên Báo Bắc Giang phỏng vấn chỉ huy đảo Sinh Tồn Đông.

Thời điểm đó, vùng biển phía Nam đang mùa biển động, sóng to gió lớn nên chỉ sau một ngày trên tàu bị sóng biển lắc, gần như tất cả chúng tôi đều nằm bẹp theo nghĩa đen. Nhiều phóng viên không thể ngồi dậy, nằm li bì trên sàn tàu, có bao nhiêu trong bụng đều “cho ra hết” đến mật xanh mật vàng.

Hiểu được cảm giác của những người lần đầu ra đảo bị say sóng, Thượng tá Phạm Văn Thọ, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác và cán bộ, chiến sĩ trên tàu kiểm ngư KN 490 hiện đại đến từng phòng động viên, hỏi thăm tình hình, chia sẻ cho các nhà báo những chai nước, phong lương khô, hoa quả tươi… giúp nhanh khỏe lại.

Sau vài ngày quen với sóng biển, chúng tôi đã đỡ hơn; tuy lúc nào cũng vẫn thấy cảm giác bồng bềnh nhưng đã có thể đi lại để làm quen với sĩ quan, bộ đội. Phòng ăn đến bữa đông vui hơn, tiếng nói cười rộn ràng, các nhà báo sinh hoạt theo đúng chế độ “nhà binh” nên sức khỏe được cải thiện. Việc đầu tiên của cánh báo chí là quay phim, chụp ảnh cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên trên tàu. Các anh như là “siêu nhân” vì giữa lúc sóng to vẫn có thể bình tĩnh đưa tàu đi an toàn, mỗi ngày ba bữa phục vụ hàng trăm con người trên tàu.

Chúng tôi đứng còn không vững nhưng những anh nuôi bằng cách “thần kỳ” nào đó luôn chế biến được những bữa cơm ngon miệng, nóng hổi mà không hề đổ vỡ bát đũa, nồi niêu. Có bữa cơm, khi biển động quá mạnh, các nhà báo bàn nhau để mâm cơm xuống sàn thay vì ngồi trên bàn để đỡ bị rung lắc. Dù vậy, khi một con sóng lớn quật ngang tàu, toàn bộ chúng tôi lăn lông lốc vào một góc, bát đĩa cũng lao theo khiến ai cũng bị một phen hoảng hốt.

Vượt qua trăm nghìn con sóng, những nhà báo mang theo tình cảm yêu thương vô bờ từ đất liền ra các đảo. Qua những bài báo, bức ảnh, thước phim đăng tải, phát sóng giúp độc giả có thêm thông tin, tư liệu, từ đó thêm yêu biển đảo quê hương, chung sức đồng lòng bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Với những nhà báo lần đầu ra Trường Sa như tôi, điều khiến nhiều người lo lắng là khai thác đề tài ra sao, gặp gỡ nhân vật nào, tìm ra những góc máy, khuôn hình đẹp lạ, không bị trùng lặp với những tác phẩm báo chí trước đó…

Vậy là khi rảnh rỗi, anh em phóng viên lại “họp giao ban” trên boong tàu để chia sẻ cách làm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng nhóm, tận dụng tối đa khoảng thời gian ít ỏi ở lại các đảo để có được thông tin nhiều nhất. Khi cần thiết, có thể hỗ trợ nhau, không phân biệt báo hình hay báo in, báo địa phương hay trung ương.

Phương tiện tác nghiệp thì anh em truyền hình vất vả nhất vì cồng kềnh, nhiều thiết bị trong khi báo in chỉ cần chiếc máy ảnh, cuốn sổ, điện thoại. Vậy là để chia sẻ, chúng tôi không ngần ngại mang vác đồ đạc giúp nhau, nhất là khi chuyển từ tàu to sang tàu nhỏ để vào đảo và ngược lại. Các chiến sĩ cũng đồng cảm nên khi vận chuyển hành trang cho anh em báo chí luôn nhẹ tay, ưu tiên chỗ khô ráo nhất khi đến đảo Song Tử, Len Đao, Cô Lin...

Các nhà báo tác nghiệp trong chuyến đi Trường Sa.

Háo hức với chuyến đi gần 20 ngày và sau đó sản phẩm là hàng loạt phóng sự được phát sóng. Phóng viên Giáp Thanh Lịch, Đài PT&TH Bắc Giang chia sẻ: “May mắn là chuyến đi lần này có nhiều nội dung, đặc biệt nhất là việc vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm cho các đảo chuẩn bị đón xuân mới. Ngoài ra, tôi tranh thủ tìm tòi các đề tài hấp dẫn khác về những người con quê hương Bắc Giang đang làm nhiệm vụ giữ biển trời quê hương; chăm lo sức khỏe bộ đội, ngư dân trên các đảo; việc học cho trẻ em ngoài đảo…”.

Vượt qua trăm nghìn con sóng, những nhà báo mang theo tình cảm yêu thương vô bờ từ đất liền ra các đảo. Với tôi, chuyến đi sẽ là kỷ niệm đáng nhớ. Trước ngày lên đường, tôi và các đồng nghiệp đã nhiều lần bàn bạc về đề tài, cách khai thác tư liệu sao cho hiệu quả nhất. Sau chuyến công tác, lần lượt các tác phẩm được đăng tải trên Báo Bắc Giang. Mỗi bài viết là một góc nhìn về cuộc sống, công việc của cán bộ, chiến sĩ trên tàu và ở các đảo mà đoàn ghé qua.

Mỗi khi nhớ lại, Trường Sa vẫn luôn đong đầy kỷ niệm; những hình ảnh đó thường hiện diện rõ nét, xúc động để chúng tôi tiếp tục chuyển tải đến bạn đọc qua những bài viết, tấm ảnh với mong muốn độc giả, nhất là thế hệ trẻ rằng cho dù còn nhiều khó khăn, thậm chí hy sinh nhưng cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi đảo xa vẫn luôn nỗ lực bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Qua những bài báo, bức ảnh, thước phim đăng tải, phát sóng giúp độc giả có thêm thông tin, tư liệu, từ đó thêm yêu biển đảo quê hương, chung sức đồng lòng bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài, ảnh: Quốc Phương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/406840/lam-bao-o-truong-sa.html