Làm ăn khấm khá, nhiều 'ông lớn' trên sàn chi hàng nghìn tỷ trả cổ tức

Trong bối cảnh kinh doanh tích cực trong những tháng đầu năm, lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều doanh nghiệp lớn trên sàn mở 'hầu bao' chi đậm cổ tức cho cổ đông...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đơn cử, Tập đoàn FPT vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc triển khai các phương án phát hành cổ phiếu năm 2024. Theo kế hoạch, FPT sẽ chi khoảng 1.200 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 10% trong quý 2/2024.

Kết thúc quý 1/2024, FPT ghi nhận doanh thu đạt 14.093 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 2.534 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ đạt 1.798 tỷ đồng, tăng trưởng 20,4%, EPS đạt 1.416 đồng/cổ phiếu, tăng trưởng 19,7% so với năm trước.

Năm 2024, FPT đặt ra mục tiêu doanh thu 61.850 tỷ đồng (~2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, đều tăng khoảng 18% so với kết quả thực hiện năm 2023. Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra, tập đoàn công nghệ này sẽ tiếp tục phá kỷ lục của năm trước.

Trong diễn biến liên quan, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách thoái vốn đợt 2 năm 2024 với 31 doanh nghiệp. Danh sách này có nhiều tên quen thuộc trên sàn chứng khoán như CTCP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (NTP), CTCP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HGM), CTCP FPT (FPT).. Số vốn mà SCIC đang nắm giữ tại Công ty Cổ phần FPT là đáng chú ý nhất, lên tới 635 tỷ đồng tương đương 5,8% vốn điều lệ doanh nghiệp. Đây được kỳ vọng là thương vụ chuyển nhượng vốn nhà nước tiêu điểm của năm 2024, tạo động lực bứt phá cho thị trường trong giai đoạn tới.

Mới đây, Petrolimex cũng thông báo chốt quyền trả cổ tức năm 2023 bằng tiền. Tỷ lệ thực hiện là 15%, tương đương cổ đông sở hữu 1 cp được nhận 1.500 đồng. Với hơn 1,27 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính số tiền cần chi là 1.900 tỷ đồng. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 14/05, dự kiến trả vào ngày 28/05/2024.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) - đơn vị nắm gần 76% vốn của PLX - có thể nhận được 1.440 tỷ đồng. Ngoài ra, cổ đông lớn từ Nhật Bản Eneos Việt Nam nắm hơn 13% vốn điều lệ sẽ nhận được khoảng 247 tỷ đồng.

Trong quý 1/2024, Petrolimex đạt hơn 75 ngàn tỷ đồng doanh thu, tăng 11% so với cùng kỳ. Khấu trừ giá vốn, lãi gộp đạt gần 4.7 ngàn tỷ đồng, hơn cùng kỳ 31%. Petrolimex kết thúc quý 1 với lợi nhuận ròng gần 1.100 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ.

Đại hội đồng cổ đông năm 2024 của Petrolimex đã thông qua mức doanh thu 188.000 tỷ đồng và 1.800 tỷ đồng lãi trước thuế. Theo kế hoạch này, Doanh nghiệp thực hiện được 40% kế hoạch doanh thu và 80% kế hoạch lãi trước thuế sắp “cán đích” chỉ sau 1 quý.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HOSE: TCB) mới đây cũng thông báo chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 21/05/2024.

Với tỷ lệ thực hiện 15%/cổ phiếu (1 cổ phiếu được nhận 1.500 đồng) và hơn 3,5 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Techcombank cần chi gần 5.284 tỷ đồng chia cổ tức cho cổ đông. Ngày thanh toán dự kiến 05/06/2024. Đây là năm đầu tiên Techcombank thực hiện chia cổ tức tiền mặt sau một thập kỷ giữ lại lợi nhuận để củng cố nền tảng vốn, phát triển kinh doanh.

Theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được tổ chức ngày 25/4 vừa qua, Masan Consumer sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2023 là 10.000 đồng/cổ phiếu, trong đó 4.500 đồng/cổ phiếu đã được trả vào năm 2023 và 5.500 đồng/cổ phiếu còn lại dự kiến được trả trong vòng 6 tháng kể từ ngày đề xuất này được phê duyệt. Với 717 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Masan Consumer chi khoảng gần 4.000 tỷ để trả cổ tức cho cổ đông.

Thế giới Di động cũng thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 5%, tương đương mỗi cổ phiếu nhận về 500 đồng. Với hơn 1,4 tỷ cổ phiếu MWG đang lưu hành, Thế Giới Di Động dự kiến bỏ ra 730 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.

Năm 2024, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 34.397 tỷ đồng tăng trưởng 13%; lãi sau thuế đạt 4.580 tỷ đồng tăng 8% so với năm ngoái. Công ty cũng dự kiến tiếp tục trả cổ tức tỷ lệ 35% bằng tiền mặt, tương ứng mức chi 4.489 tỷ đồng.

Quý 1/2024, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần gần 7.184 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi giá vốn, lãi gộp đạt hơn 2.100 tỷ đồng, tăng 10%; biên lãi gộp giảm xuống 29%, so với mức 31% cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, Công ty lãi sau thuế gần 1.024 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ và lãi ròng hơn 997 tỷ đồng, tăng 3%.

Ngoài các ông lớn, trên sàn "cơn mưa" cổ tức đang diễn ra ở khắp các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác nhau. Trong tuần tới, có 39 doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức bằng tiền. Trong đó, tỷ lệ cao nhất lên tới 350%, tương đương cổ đông nắm 1 cổ phiếu được trả tới 35.000 đồng.

Cụ thể, Bao bì Tân Tiến vừa chốt quyền chia cổ tức ở mức 350% - mức cao kỷ lục kể từ khi Tập đoàn Hàn Quốc Dongwon Systems Corporation nắm quyền cách đây 8 năm. Với hơn 13.5 triệu cp đang lưu hành, ước tính TTP sẽ chi hơn 473 tỷ đồng. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 23/05, dự kiến thanh toán vào 27/06/2024.

Phần lớn số tiền này sẽ về tay công ty mẹ Dongwon – đơn vị sở hữu tới 97.83% vốn điều lệ. Với tỷ lệ này, Dongwon sẽ nhận về khoảng 463 tỷ đồng.

Thu Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/lam-an-kham-kha-nhieu-ong-lon-tren-san-chi-hang-nghin-ty-tra-co-tuc.htm