Lãi suất hạ và “nghi án đầu ra”

(baodautu.vn) Cùng với việc hạ trần lãi suất xuống còn 12%, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, lãi suất cho vay với lĩnh vực khuyến khích sản xuất chỉ còn 13-16%/năm. Thế nhưng, lãi suất có hạ được hay không vẫn còn phải chờ...

Vốn mở, điều kiện vay vẫn thắt

Việc NHNN tiếp tục hạ lãi suất cho vay không nằm ngoài lộ trình dự đoán và được sự đồng thuận của tất cả ngân hàng, cũng như doanh nghiệp (DN).

Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc, Giám đốc khối nguồn vốn và ngoại hối Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cho rằng: “Ba tháng đầu năm, tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng giảm. Nếu lãi suất ở mức trên 15%/năm, DN và ngân hàng sẽ khó gặp nhau. Vì vậy, việc giảm lãi suất là rất cần thiết đối với ngân hàng, DN và cả nền kinh tế. Không ngân hàng nào muốn giảm tăng trưởng tín dụng, vì hiện thu nhập từ tín dụng vẫn chiếm 70% lợi nhuận của hệ thống ngân hàng. Tại VIB, chúng tôi đặc biệt chú trọng cho vay xuất khẩu. Nếu DN có kế hoạch xuất khẩu tốt, VIB cam kết cho vay với lãi suất thấp”.

Dù vậy, ông Trung cũng cho rằng, số DN tốt, đạt chuẩn vay hiện chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Để phòng ngừa nợ xấu, ngân hàng đang phải nâng chuẩn vay để bảo vệ mình. Vì vậy, DN càng không dễ tiếp cận vốn vay.

Đây cũng là vấn đề khiến nhiều DN lo ngại. Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nhận định, việc hạ lãi suất cho vay và nới van tín dụng bất động sản là tín hiệu rất đáng mừng cho thị trường bất động sản, song ông Cường cũng băn khoăn: “Liệu lộ trình thẩm định của các ngân hàng đối với các dự án có đúng với NHHN công bố?”.

Lãnh đạo một ngân hàng khác trong “nhóm G12” cũng khẳng định: “Ngân hàng chúng tôi không thể mạo hiểm cho nông dân vay không cần thế chấp và đẩy mạnh cho vay bất động sản, dù NHNN đã nới room. Trước đây, cho vay chứng khoán và bất động sản mang lại lợi nhuận lớn cho ngân hàng, nhưng thời gian qua, rất nhiều ngân hàng phải trả giá vì vấn đề này, nhất là đứng trước nguy cơ bị mua bán, sáp nhập. Thời gian tới, chúng tôi vẫn sẽ đẩy mạnh cho vay xuất khẩu, sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng…”.

Nhiều DN khác cũng cho rằng, dù NHNN đã hạ trần lãi suất huy động xuống 12%/năm, nhưng lãi suất đầu ra vẫn khó hạ nhanh xuống mức 13-16%/năm như kỳ vọng. Trên thực tế, ngay sau khi NHNN hạ trần lãi suất, hàng loạt ngân hàng đã công bố các gói vay ưu đãi với lãi suất 14-16%/năm, song nhiều DN vẫn nghi ngờ về khả năng tiếp cận các gói tín dụng này.

Tại cuộc họp báo về hạ lãi suất ngày 11/4, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, lãi suất cho vay quý I/2012 đã hạ 2-3% so với trước. Theo đó, lãi suất cho vay với lĩnh vực khuyến khích là 14-16%/năm, lãi suất cho vay thông thường là 16-18%/năm, lãi suất cho vay lĩnh vực không khuyến khích là 20-25%/năm. Tuy nhiên, khi được hỏi về tỷ trọng tín dụng có lãi suất 14-16% là bao nhiêu, thì NHNN cho biết là không thống kê, vì con số này không có ý nghĩa trong điều hành.

Không thể hạ lãi suất cho mọi DN

Về phàn nàn của DN không vay được vốn với lãi suất rẻ, NHNN khẳng định, DN có nhiều loại với tình hình tài chính khác nhau, không thể đòi hỏi hạ lãi suất đối với mọi DN. DN tốt, đủ điều kiện vay vốn theo các quy định hiện hành đều được vay vốn với lãi suất 14-16%/năm. Còn nếu DN thuộc lĩnh vực khuyến khích sản xuất, nhưng tình hình tài chính yếu, thì không ngân hàng nào dám cho vay. Cũng có trường hợp DN tốt, nhưng không thuộc lĩnh vực khuyến khích cho vay, bị hạn chế cho vay, vì vậy vẫn bị áp lãi suất cao.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Tôi ghi nhận các DN đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, NHNN đã ban hành một loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là hạ lãi suất để tăng khả năng hấp thụ vốn của DN; cơ cấu lại nợ cũ để DN có điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng; mở van tín dụng cho vay tiêu dùng, bất động sản. Chúng tôi đã tìm hiểu và thấy rằng, các tổ chức tín dụng thừa tiền, nhưng cho vay rất thấp, vì họ không tìm được DN khỏe để cho vay. Vấn đề không phải là tiếp cận vốn, mà là hấp thụ vốn”.

Về việc các ngân hàng nâng chuẩn cho vay, một lãnh đạo NHNN cũng khẳng định, đây là điều cần thiết vì nợ xấu ngân hàng đang tăng nhanh, các ngân hàng cũng là DN, nên phải có trách nhiệm bảo vệ mình và bảo vệ tiền cho nền kinh tế. Theo thống kê của NHNN, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện là 3,6%, cao hơn con số 3,2% cuối năm ngoái. Ở một số tổ chức tín dụng, con số này còn cao hơn.

Vì vậy, dù NHNN yêu cầu các ngân hàng phối hợp với các DN để cơ cấu lại các khoản nợ cho DN, song không phải DN nào cũng gặp may với các khoản nợ của mình. “Chỉ những DN gặp khó khăn tạm thời, có phương án sản xuất - kinh doanh tốt, thì mới được cơ cấu lại nợ, còn những DN gặp khó khăn do sử dụng vốn không đúng mục đích, thì họ phải tự chịu trách nhiệm”, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baiviettaichinhnganhang/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/taichinhnganhang/nganhanglaisuat/a95816fc7f00000101904e986b845503