Lãi suất cho vay đồng USD giảm nhẹ

Trong khi lãi suất huy động và cho vay đối với đồng nội tệ không có nhiều thay đổi thì lãi suất cho vay USD lại có xu hướng giảm nhẹ. Thông tư 31/2016 đã cho phép các DN tiếp tục được vay ngoại tệ đến cuối năm 2017.

Theo báo cáo mới đây từ NHNN, lãi suất của các ngân hàng thương mại từ 7-11/11/2016 khá ổn định.

Lãi suất huy động không thay đổi so với tháng 10/2016. Lãi suất bằng VND hiện đang phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động USD của TCTD ở mức 0 %/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.

Tại các ngân hàng thương mại, lãi suất cho vay bằng nội tệ không có nhiều thay đổi trong khi lãi suất cho vay USD lại có biến động giảm nhẹ.

Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, và ở mức 9-10%/năm áp dụng đối với trung và dài hạn.

Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.

Lãi suất cho vay USD hiện phổ biến ở mức 2,8-6,0%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8-4,8%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,9-6,0%/năm. So với giai đoạn từ 10/10-14/10/2016 được NHNN công bố trước đó, lãi suất cho vay đang nằm trong "dải" lãi suất thấp hơn.

Mới đây, NHNN vừa chính thức ban hành Thông tư 31/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015 quy định cho vay bằng ngoại tệ. Với quyết định này, doanh nghiệp (DN) tiếp tục được vay ngoại tệ đến cuối năm 2017. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối xem xét quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam.

Điều kiện để được vay là khách hàng có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay. Bên cạnh đó, khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot)...

Theo SSI Retail Research, cầu ngoại tệ thời gian này chưa có áp lực tăng cao do tín dụng tiếp tục được NHNN kiểm soát, không tạo áp lực gia tăng cầu ngoại tệ. Cùng đó, Thông tư 31/2016 sẽ hỗ trợ phần nào cho tăng trưởng trong thời gian tới khi các khoản vay gốc ngoại tệ thường có lãi suất thấp hơn VND.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/lai-suat-cho-vay-dong-usd-giam-nhe-2016112209389249p149c166.news