Lãi suất cao - nguy cơ đình đốn sản xuất

TP - Sau khi Ngân hàng Nhà nước sửa Thông tư 13, cuối tuần qua, Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) đã ra lời kêu gọi các ngân hàng thành viên giảm lãi suất. Tuy nhiên, lời kêu gọi này không dễ thực hiện, trong khi doanh nghiệp (DN) đang khốn khó vì lãi suất cao.

Quá cao Theo TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, lãi suất cho vay, tỷ giá hiện vẫn quá cao so với khả năng chịu đựng của DN. Đó là hạn chế lớn nhất của việc điều hành chính sách tiền tệ hiện nay. Hiện trung bình lãi suất cho vay vẫn là 14 -15%/năm, trong khi lợi nhuận của DN trung bình khó vượt quá 20%, chỉ còn 5% để trang trải tất cả các khoản. “Chi phí đầu vào tăng nhanh, đặc biệt là lãi suất và tỷ giá cũng biến động mạnh, vượt khả năng chịu đựng nên nhiều DN đang lâm vào khó khăn. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu của nhiều DN đã bị thu hẹp, khiến cho hàng tồn kho tăng lên, dẫn tới chi phí kho bãi, giá thành tăng theo” - Ông Kiêm nói. Ông Trần Anh Vương - Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Thép Bắc Việt cho biết, dù có hạn mức vay ngân hàng lên đến ngót ngàn tỷ nhưng chúng tôi cũng chẳng dám vay nhiều, bởi hiện mỗi tấn thép sản xuất ra Cty đang chịu lỗ 50 USD. Trong khi cứ mở mắt ra mỗi ngày đã mất cả trăm triệu đồng lãi suất vốn vay”. Thị trường thép tiêu thụ chậm, bởi các dự án bất động sản ngưng trệ, khiến tổng công ty của ông Vương tồn kho lượng lớn hàng. Lại thêm cú huých tăng lãi suất USD, tỷ giá biến động, chỉ tính riêng đợt điều chỉnh vừa rồi Tổng Cty Thép Bắc Việt bị đội thêm chi phí hàng chục tỷ đồng. “Cho đến thời điểm này nhiều DN bạn bè của tôi cũng nản lòng tính bỏ sản xuất” - Ông Vương nói. Tại Thông điệp kêu gọi giảm lãi suất gửi tới các thành viên (hơn 40 NHTM) cuối tuần qua, VNBA nhận định: Mặt bằng lãi suất huy động USD đang phổ biến ở mức 4,7-5,2%/năm (tại một số NHTM, lãi suất huy động USD lên tới 5,5%/năm). Nếu so với thị trường quốc tế, lãi suất huy động USD hiện nay của các NHTM ở Việt Nam đang rất cao. Mặt khác, cần giảm lãi suất USD để tạo sự cân đối với lãi suất huy động VND đang ở mức 10%. Cụ thể, VNBA đề nghị các tổ chức hội viên thực hiện sự đồng thuận tại 2 cuộc họp ngày 21 và 24-9 tại TPHCM và Hà Nội giảm lãi suất huy động từ mức 11,2%/năm hiện nay xuống mức không vượt quá 11%/năm (hiện các NH vẫn chưa thực hiện - PV). Trên cơ sở giảm lãi suất đầu vào, VNBA cũng kêu gọi các hội viên tiếp tục giảm lãi suất cho vay, đặc biệt cho 3 đối tượng ưu tiên của Chính phủ là khu vực nông nghiệp, nông thôn; DN xuất khẩu; DN sản xuất vừa và nhỏ xuống mức như Chính phủ chỉ đạo. Khó giảm Theo phân tích của VNBA, nguồn vốn huy động để cho vay đã được mở rộng hơn do một phần tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức kinh tế, tiền gửi Kho bạc Nhà nước và các khoản vay của các tổ chức tín dụng có kỳ hạn 3 tháng trở lên được cho phép tính vào nguồn vốn huy động để cho vay (theo Thông tư 13 sửa đổi). Về phần cấp tín dụng, NHNN đã loại trừ phần bảo lãnh khỏi dư nợ. Theo VNBA, khi các quy định trên có hiệu lực, các NHTM dễ dàng được tiếp cận nguồn vốn rẻ (lãi suất liên ngân hàng hiện nay chỉ xoay quanh 8-9%), nên có điều kiện giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay. “Nhưng thị trường vẫn là thị trường. Lạm phát tăng mạnh thế làm sao nói dân đồng ý gửi lãi suất thấp được. Việc hạ lãi suất ngân hàng có thể làm nhưng chủ yếu chỉ mang tính hình thức giảm nhẹ và ở một số kỳ hạn không quan trọng thôi. Bởi nếu mạnh tay hạ, nguồn vốn huy động từ dân cư sẽ giảm, lúc đó, lại thiếu cân đối thì tính sao?”- Phó tổng giám đốc một ngân hàng nói. Bà Cao Thúy Nga, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB) cho rằng: “Không phải ngân hàng nào cũng vay được lãi suất giá rẻ trên thị trường liên ngân hàng. Lãi suất huy động không hạ được thậm chí còn cao hơn do nhiều khuyến mại, nên lãi suất đầu ra cũng khó hạ. Bên cạnh đó, hạ lãi suất sẽ khiến ngân hàng bị giảm lợi nhuận”. Đến 3-10, tín hiệu hạ lãi suất cho vay cũng lác đác trên thị trường nhưng chỉ gói gọn ở một vài chương trình nhỏ.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/kinh-te/514266/lai-suat-cao---nguy-co-dinh-don-san-xuat.html