Lại mong Phú Cốc có tằm nhả tơ

Cuối năm, nhịp sống hối hả, vội vã nhưng thường ai cũng dành những phút lắng lòng để nhìn nhận lại những điều đã qua, có thể tự hào phấn khởi, có thể hối tiếc thứ gì đó của riêng ta hoặc tưởng như không mấy liên quan đến mình. Trong dòng tâm tư miên man ấy, tôi tìm về Phú Cốc, nơi có làng nghề trồng dâu nuôi tằm duy nhất của tỉnh, bởi nghe nghề này trên đà mai một, người dân ai cũng tiếc nuối nhưng vẫn lần lượt quay lưng với dâu tằm.

Cổng Làng nghề Tơ tằm Phú Cốc.

Cổng Làng nghề Tơ tằm Phú Cốc.

Trái ngược với cảnh tượng sôi động, tấp nập ở trung tâm thị xã trẻ Phổ Yên, thôn Phú Cốc (gồm 4 xóm của xã Tân Phú, Phổ Yên) lặng lẽ bên sông Cầu. Phú Cốc cùng với thôn Vân Trai đều nằm ngoài đê Chã, chiếm khoảng 1/3 diện tích tự nhiên của xã Tân Phú, đã từ lâu nổi tiếng với nghề dâu tằm. Những bậc cao niên ở đây cũng không biết chính xác nghề này có từ khi nào, họ sinh ra lớn lên gắn bó với dòng sông và trong suy nghĩ như đã mặc định dâu tằm là tài sản của các cụ để lại.

Soi Mang Cá thuộc Phú Cốc rộng hàng chục héc ta là vùng bãi bồi bằng phẳng với chất đất phù sa màu mỡ, có thể trồng được nhiều loại rau màu nhưng không thứ gì phù hợp hơn cây dâu. Ngô, lúa, sắn khoai và các loại rau đều khó có thể chịu được ngập úng vài ngày khi nước sông dâng lên nhưng cây dâu thì gần như không hề hấn gì, mà ngược lại, nước lụt sẽ “rửa” sạch sâu bọ, bồi thêm phù sa cho dâu xanh tốt. Thời điểm thịnh nhất, Phú Cốc và Vân Trai có tới gần 70ha dâu.

Đầu những năm 2000, có gia đình chỉ cần vài lứa tằm đã đủ tiền mua xe máy, thương lái khắp nơi tìm đến thu mua kén tằm, nhiều người ở nơi xa cũng đến tham quan học tập. Hợp tác xã Tơ tằm Phú Cốc thành lập, được hỗ trợ nguyên một dây chuyền ươm tơ với “sứ mệnh” thu mua chế biến, bao tiêu sản phẩm để tiếp tục phát triển nghề. Rồi đến năm 2009, UBND tỉnh cấp Bằng công nhận Làng nghề Tơ tằm Phú Cốc. Mọi thứ đều đang cho thấy nhiều triển vọng, nhưng không ai ngờ rằng đó cũng chính là thời điểm nghề trồng dâu nuôi tằm ở đây bắt đầu “xuống dốc không phanh”…

Dù nghề dâu tằm đang suy giảm vì nhiều nguyên nhân khách quan, nhưng phần lớn người dân Phú Cốc đều cố gắng gìn giữ và mong muốn phát huy.

Dù nghề dâu tằm đang suy giảm vì nhiều nguyên nhân khách quan, nhưng phần lớn người dân Phú Cốc đều cố gắng gìn giữ và mong muốn phát huy.

Tại sao nghề dâu tằm ở Phú Cốc bị mai một, tại sao người dân quay lưng với nghề truyền thống này, có thể duy trì, tiếp tục phát triển nghề được không và bằng cách nào? Tôi đã đến Phú Cốc 5 năm trước và chứng kiến sự suy giảm của nghề trồng dâu nuôi tằm ở đây, lần này về cũng bởi muốn tìm hiểu rõ hơn những vấn đề đó. “Do thời cuộc, do thị trường, do cuộc sống”. Đó là những câu trả lời ngắn gọn nhưng thuyết phục của tất cả những người dân nơi đây khi được hỏi. Và họ có một điểm chung nữa là ai cũng tiếc nuối thời “vàng son” và muốn giữ nghề.

Trước mắt tôi là cánh đồng dâu của Phú Cốc nằm trọn trong một vòng cua nhỏ của sông Cầu. Cuối năm cũng là cuối vụ dâu. Trên đồng thấp thoáng những bóng người cần mẫn làm việc và họ hầu hết đều đã có tuổi. Họ mộc mạc, thật thà và mến khách, vừa không ngơi tay làm vừa xởi lởi chia sẻ về nghề, về những thăng trầm trong quá khứ và cả những suy tư về tương lai của dâu tằm.

Nhà bà Nguyễn Thị Sơn có 2 con đều đang làm công nhân, bà cũng đi làm thời vụ nên không có người chăn tằm. Còn khoảng 2 sào, mình bà cố gắng chăm sóc để bán lá. “1 cân lá được 5 nghìn, người mua tự hái, mỗi tháng tôi bán được vài trăm nghìn. Tiếc lắm nhưng không có người làm. Những nhà còn chăn tằm giờ cũng không ai làm kén như trước mà bán tằm luôn. Nuôi tằm kén vất vả mà giá cả bấp bênh, có lúc thấp quá nên bỏ vài năm rồi” - Bà Sơn nói trong tâm trạng tiếc nuối.

Kế đó, 2 vợ chồng bà Trần Thị Ngọc cũng đang nhanh tay phát dọc đám dâu. Bà Ngọc bảo: Chăn tằm vất hơn con mọn. Tằm ở tuổi nào cũng ăn ngày mấy bữa trừ lúc ngủ, lá dâu bị ướt, bị ôi chúng ăn vào sẽ ốm, chỉ một chút mùi thuốc hóa học, kể cả thuốc muỗi cũng lăn ra chết. Trời nóng quá nếu nhà có điều kiện thì bật điều hòa cho chúng, trời rét thì phải trùm màn. Nghề này vất vả, lích kích thật nhưng làm mãi rồi thành mê nó. Khi nào đỡ bận rộn với con cháu, tôi lại chăn tằm…

Nghe người dân ở đây chia sẻ về nghề dâu tằm thấy quả lắm công phu, đòi hỏi kiên trì tuy không mấy nặng nhọc, dù rằng người Phú Cốc khoảng 30 năm trở lại đây (trừ giai đoạn trước) chỉ chăn tằm bán kén, không xe tơ, dệt vải. Cách đây vài năm, do giá kén quá thấp, bị tư thương ép giá, ế ẩm, Hợp tác xã Tơ tằm không bao tiêu được sản phẩm nên người dân đều chỉ nuôi tằm bán làm thực phẩm. Theo người dân Phú Cốc thì nuôi tằm bán vừa nhanh, vừa dễ. Nhưng họ cũng hiểu và tiếc nuối rằng nếu cứ như vậy thì nghề làm kén tằm truyền thống sẽ bị xóa sổ.

Chủ tịch UBND xã Tân Phú, ông Lê Ngọc Kha cũng hiểu rõ điều này. Theo ông Kha thì cả xã hiện chỉ còn khoảng 10ha trồng dâu tập trung, nguyên nhân chủ yếu là do đầu ra bấp bênh và thiếu lao động. Địa phương luôn trăn trở và quyết tâm duy trì diện tích, từng bước khôi phục, phát triển nghề. Bởi trồng dâu nuôi tằm là nghề truyền thống đặc trưng của Tân Phú, không những sẽ giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho những lao động nông nhàn, người già, trẻ nhỏ mà còn là nét đẹp văn hóa rất cần giữ gìn và có thể phát triển du lịch về lâu dài.

Phát triển kinh tế không thể bỏ rơi văn hóa. Xã đã giao Hội Nông dân phối hợp với cơ quan chuyên môn của thị xã xây dựng dự án khôi phục nghề dâu tằm, hỗ trợ kỹ thuật và kết nối tiêu thụ sản phẩm kén tằm cho người dân…

Tôi gật gù với những chia sẻ của người đứng đầu chính quyền xã “thuần nông đặc sệt” này rồi hỏi: Vậy theo anh, yếu tố quyết định để duy trì và phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm như kỳ vọng là gì? Là người dân - ông Kha nói ngay. Nhưng họ cần được “tiếp sức”, định hướng, được sự quan tâm của các cơ quan chức năng, những người hiểu giá trị kinh tế - văn hóa của dâu tằm. Chúng tôi cùng tâm đắc với ý này.

Bút ký của Trần Quyền

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/lai-mong-phu-coc-co-tam-nha-to-281281-85.html