Lai Châu quyết tâm phát triển thương hiệu trà cổ thụ vùng biên Phong Thổ

Huyện Phong Thổ nói riêng, tỉnh Lai Châu nói chung đang nỗ lực phát triển thương hiệu trà cổ thụ vùng biên. Đây là loại chè cổ thụ quý dưới cánh rừng già nguyên sinh đang được đánh giá rất cao trên thị trường.

Phong Thổ là một huyện biên giới thuộc tỉnh Lai Châu với địa hình phức tạp, nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên đây lại là một trong những vùng đất có tài nguyên chè cổ thụ quý dưới tán rừng nguyên sinh do thiên nhiên ban tặng. Vì vậy, huyện Phong Thổ tiếp tục khuyến khích người dân địa phương khai thác tiềm năng và cải thiện chất lượng, sản lượng sản phẩm trà cổ thụ nhằm nâng cao thu nhập, tạo dựng thương hiệu trà cổ thụ vùng biên.

Lai Châu đang từng bước tạo dựng và phát triển tốt thương hiệu trà cổ Phong Thổ (ảnh minh họa).

Theo đó, toàn huyện có khoảng 8.000 cây chè cổ thụ, tập trung ở các xã Mồ Sì San, Sì Lở Lầu, Pa Vây Sử, Tung Qua Lìn, Sin Suối Hồ và Hoang Thèn. Đây là địa phương có số lượng chè cổ thụ lớn nhất tỉnh.

Kể từ năm 2015, thương hiệu chè cổ thụ Phong Thổ đã bắt đầu được thị trường biết đến. Tuy nhiên, lúc đó người dân mới chỉ biết hái và sao thủ đông. Đến năm 2019 mới bắt đầu tạo dựng thương hiệu khi được công ty thu mua và chế biến bằng máy móc, công nghệ hiện đại. Đến nay thương hiệu chè cổ này đã mang đến giá trị kinh tế cao, nổi tiếng trên thị trường.

Hiện nay, có bốn sản phẩm là bạch trà, hồng trà, hoàng trà và trà xanh. Trong đó có 3 sản phẩm trà cổ thụ gồm: Hồng trà Shan Mồ Sì San, Hoàng trà Shan Mồ Sì San và Trà xanh Shan Mồ Sì San được công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao (Chương trình “mỗi xã một sản phẩm”) của tỉnh Lai Châu năm 2020. Giá bán các loại trà dao động từ 2-3 triệu đồng/kg trà khô.

Chính những diện tích chè cổ này cũng đã tạo thu nhập cho một số bà con không đi làm ăn xa, đến mùa đi hái chè bán cho Hợp tác xã Biên cương để chế biến thành sản phẩm. Một số hộ mỗi ngày đi hái chè, thu nhập được 200-300 nghìn đồng trở lên.

Huyện còn tiếp tục chủ trương trồng mới diện tích chè theo kế hoạch, bảo tồn diện tích chè hiện có trên địa bàn. Đến thời điểm hiện tại, huyện đã trồng mới được 25ha giống cây chè cổ thụ trên địa bàn xã Hoang Thèn và tiếp tục bảo tồn 8.000 cây chè cổ thụ.

Huyện cũng tuyên truyền, vận động bà con nhân dân vừa thu hoạch vừa có ý thức bảo vệ, không khai thác quá mức làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển cây chè.

Nhằm thúc đẩy phát triển các sản phẩm trà cổ thụ theo định hướng, mở rộng thị trường tiêu thụ hướng đến tiếp cận khách hàng quốc tế, huyện Phong Thổ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá, đưa các sản phẩm trà cổ thụ của địa phương tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị trong và ngoài tỉnh; lên sàn thương mại điện tử.

Có thể thấy, Lai Châu đang rất nỗ lực trong việc phát triển thương hiệu chè cổ thụ Phong Thổ nhằm tạo được danh tiếng trên thị trường. Đây cũng được xem là cách để tăng sự phát triển kinh tế, tạo thu nhập cho người dân của huyện vùng biên nay.

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/lai-chau-quyet-tam-phat-trien-thuong-hieu-tra-co-thu-vung-bien-phong-tho-400061.html