Lạc quan về triển vọng của VN-Index trong trung hạn

Trong báo cáo chiến lược đầu tư tháng 5, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) nhìn nhận triển vọng tích cực với VN-Index dựa trên định giá, kết quả kinh doanh quý I/2024 và lực cầu được củng cố.

Tái cân bằng cần thiết sau 5 tháng tăng điểm liên tiếp

Sau chuỗi tăng điểm 5 tháng liên tiếp, áp lực chốt lời bất ngờ tại nhóm Ngân hàng đã tạm thời làm gián đoạn xu hướng tăng của VN-Index. Chỉ số VN-Index giảm hơn 70 điểm trong tháng 4 và đóng cửa ở mức 1.209,52 điểm, giảm 5,81% so với tháng trước (riêng áp lực bán tại nhóm Ngân hàng đã khiến VN-Index giảm hơn 25 điểm).

Dù vậy, diễn biến trong tháng 4 của thị trường Việt Nam vẫn có phần tương đồng với các chỉ số chính khác trên thế giới như S&P 500 (- 4,16%), DAX của Đức (-3,03%) và Nikkei 225 của Nhật Bản (-4,86%).

MAS đánh giá, nhịp điều chỉnh trong tháng 4 được coi là một sự tái cân bằng cần thiết sau 5 tháng tăng điểm liên tiếp. Điều này phù hợp với quan điểm mà MAS đã nhận định trước đó về khả năng thị trường sẽ điều chỉnh, đặc biệt là trong ngành Ngân hàng. Quan điểm này được củng cố thêm bởi mức giảm EPS của VN-Index, sau khi các công ty niêm yết công bố kết quả tài chính sau kiểm toán.

Mặc dù vậy, MAS vẫn lạc quan về triển vọng của VN-Index trong trung hạn dựa trên 3 yếu tố.

Thứ nhất, đợt giảm trong tháng 4 đã làm hạ nhiệt định giá của các chỉ số chính, bao gồm VN-Index, VN30 và VN70 (Midcap), đưa định giá trở lại trạng thái cân bằng hơn khi so sánh với tỷ lệ P/E lịch sử trong 10 năm gần nhất.

Thứ hai, kết quả kinh doanh quý I/2024 của các doanh nghiệp niêm yết khá khả quan. Với 395 công ty niêm yết trên HOSE (chiếm khoảng 99% vốn hóa thị trường tại VN-Index) đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2024, bức tranh tổng thể mang lại một loạt tín hiệu khả quan, đặc biệt khi đặt cạnh mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cho năm 2024 được đề ra bởi các doanh nghiệp niêm yết. Tổng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ quý I/2024 ghi nhận tăng trưởng 11,2% so với cùng kỳ năm trước và 17% so với quý IV/2023.

Bức tranh lợi nhuận quý I/2024. Nguồn: MAS

Bức tranh lợi nhuận quý I/2024. Nguồn: MAS

Đáng chú ý, bùng nổ lợi nhuận trong các ngành Vật liệu, Bán lẻ và Vận tải được xác định là những động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận của VN-Index, bên cạnh ngành Ngân hàng. Trong đó, MAS quan tâm các trường hợp lợi nhuận đột biến của HPG, MWG và HVN khi đây không chỉ là những cổ phiếu đầu ngành mà đồng thời còn ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận từ vài lần đến hàng chục lần so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt là HVN với báo cáo lợi nhuận trong quý I/2024 vượt 4.300 tỷ đồng sau 16 quý liên tiếp chịu lỗ lũy kế. Tuy nhiên, phần lớn lợi nhuận đột biến của HVN bắt nguồn từ việc ghi nhận khoản thu nhập bất thường 3.630 tỷ đồng, phát sinh từ việc xóa nợ trong một thỏa thuận trả lại máy bay với công ty con Pacific Airlines.

Trong một diễn biến khác, mùa Đại hội cổ đông thường niên đang dần kết thúc, với hơn 280 công ty đã công bố kế hoạch kinh doanh cho năm 2024 (nhóm này đại diện cho hơn 90% tổng vốn hóa tại VN-Index). Với kỳ vọng của các doanh nghiệp đang trở nên tích cực hơn, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cho VN-Index vào năm 2024, có thể đạt đến 16,7% so với cùng kỳ năm trước.

Cuối cùng, áp lực bán đã giảm dần từ tuần cuối tháng 4, với lực cầu được củng cố quanh vùng 1.160 điểm đến 1.180 điểm, đặt nền móng cho một xu hướng tăng tiềm năng trong tương lai gần.

Sự trở lại của nhà đầu tư trong nước

Báo cáo của MAS đề cập, nhịp điều chỉnh trong tuần thứ hai của tháng 4 khiến tâm lý giao dịch chung trở nên thận trọng hơn, với giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân sụt giảm 20% so với tháng trước xuống còn 19.447 tỷ đồng mỗi phiên.

Nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước đã quay lại mua ròng. Nguồn: MAS

Nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước đã quay lại mua ròng. Nguồn: MAS

Trước những biến động này, nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước đã quay lại mua ròng trong tuần cuối cùng của tháng 4, chuyển hướng từ lập trường bán tháo trước đó do sự sụt giảm đột ngột của thị trường.

Cụ thể, nhóm này đã mua ròng 4,13 nghìn tỷ đồng trong tháng 4, nâng tổng giá trị mua ròng kể từ đầu năm đạt 20,44 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, dòng vốn từ nhóm này đã được củng cố bởi việc mở mới hơn 110.000 tài khoản chứng khoán trong tháng 4 (lũy kế tăng hơn 500 nghìn tài khoản kể từ đầu năm).

Đồng thời, các nhà đầu tư tổ chức trong nước cũng đã mua ròng đáng kể 1,86 nghìn tỷ đồng trong tháng qua; đặc biệt trong nhịp giảm kỷ lục từ ngày 15/4 đến ngày 19/4, nhóm này đã mua ròng tích cực 3,36 nghìn tỷ đồng.

Ngược lại, nhóm nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng bán ròng, bán ra gần 6 nghìn tỷ đồng trong tháng 4, nâng mức bán ròng kể từ đầu năm lên 19,85 nghìn tỷ đồng.

Ở một diễn biến khác, các quỹ ETF tiếp tục rút ròng qua tháng thứ 6 liên tiếp, tổng cộng 72,4 triệu USD trong tháng 4, nâng mức rút ròng kể từ đầu năm lên 351,2 triệu USD tính đến ngày 26/4. Phần lớn lượng rút ròng này đến từ DCVFMVN Diamond (30,7 triệu USD), DCVFMVN30 (7,9 triệu USD), Xtrackers FTSE Vietnam (16,2 triệu USD), và SSIAM VNFinLead (22,4 triệu USD). Tuy nhiên, đã có những trường hợp mua ròng trong nhóm các ETF trong tháng 4, đáng chú ý là Kim Growth VN30 (7 triệu USD) và Fubon FTSE (2,1 triệu USD).

Huyền Châm

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/lac-quan-ve-trien-vong-cua-vn-index-trong-trung-han.html