Là người lãnh đạo thì không sợ trách nhiệm

'Căn bệnh' sợ trách nhiệm đã được đồng chí Nguyễn Phú Trọng chỉ ra cách đây 50 năm, nhưng lại đang hiện hữu trong hoạt động của người lãnh đạo ở nhiều cơ quan từ trung ương xuống địa phương.

Trong bài “Bệnh sợ trách nhiệm” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng viết năm 1973 đăng trên tạp chí Cộng sản số 11/1973, được tuyển chọn đưa vào cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, tác giả chỉ ra rằng: “Người sợ trách nhiệm thường làm việc một cách cầm chừng cho “đủ bổn phận”, cốt sao không phạm phải khuyết điểm gì lớn. Vì luôn luôn lo sợ phải chịu trách nhiệm về những việc sẽ xảy ra, cho nên không muốn cải tiến công tác, không dám mạnh dạn thay đổi những cái không hợp lý, chỉ làm theo nếp cũ. Người sợ trách nhiệm không dám quyết đoán những việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình… Người sợ trách nhiệm cũng thường lấy lý do làm việc tập thể, tôn trọng tập thể để dựa dẫm vào tập thể. Đối với những công việc cụ thể thuộc phạm vi giải quyết của chính mình, đúng với chức trách và quyền hạn của mình, người sợ trách nhiệm vẫn không dám mạnh dạn giải quyết, mà việc lớn, việc nhỏ gì cũng muốn đưa ra tập thể bàn, chờ ý kiến tập thể cho đỡ phiền".

Những biểu hiện đó được chỉ ra cách đây đã 50 năm, nhưng lại đang hiện hữu trong hoạt động ở nhiều cơ quan, đơn vị của hệ thống chính trị từ trung ương xuống địa phương và một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức. Tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, cán bộ lãnh đạo lười suy nghĩ, không dám làm, làm việc cầm chừng xảy ra ở các địa phương, các ngành. Sợ trách nhiệm đã trở thành “bệnh” trong một bộ phận cán bộ, công chức, thậm chí còn có tâm lý "thà đứng trước Hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước Hội đồng xét xử".

Có thể nói sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro dẫn đến cán bộ, công chức không dám quyết, không dám làm đang tồn tại trên diện rộng gây bức xúc trong xã hội. Tình trạng này diễn ra ở nhiều cơ quan cấp Trung ương, địa phương, gây bức xúc trong nhân dân và doanh nghiệp. Cho dù Ban Chấp hành Trung ương, Bộ chính trị đã có chỉ đạo, Chính phủ đã triển khai thực hiện các biện pháp để khắc phục, chữa trị "căn bệnh" sợ trách nhiệm, nhưng tại sao "căn bệnh" đó vẫn chưa chữa được?

Nguyên nhân thì có nhiều, cả từ chủ quan và khách quan, từ phía tổ chức, cơ chế, từ phía cá nhân những cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trong đó phải kể đến nguyên nhân chủ yếu do cá nhân chủ nghĩa, vì luôn tính toán cho lợi ích cá nhân, bo bo bảo vệ lấy cái cá nhân của mình mà thiếu tinh thần trách nhiệm và tính kiên quyết trong giải quyết các vấn đề, không dám đương đầu trước khó khăn, không dám nghĩ, không dám làm, không vì cái chung.

Những năm qua, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta ngày càng đi vào thực chất, nhiều vụ việc vi phạm từ những năm trước đến nay vẫn bị xử lý. Những vụ án hình sự lớn thời gian qua đã khiến một bộ phận cán bộ lo sợ, do trước đây “tay đã nhúng chàm”, từ đó hình thành tâm lý ngần ngại, sợ bị kỷ luật, nặng hơn là xử lý hình sự. Mặt khác, do cơ chế, một số văn bản quy phạm pháp luật thiếu tính thống nhất, khó thực hiện, hơn nữa có tình trạng cán bộ do không nắm vững văn bản pháp luật, lại không dành thời gian nghiên cứu nên ủy thác hết cho cơ quan và bộ phận giúp việc thẩm định trước khi hạ bút ký. Đặc biệt là hậu quả sai lầm của công tác cán bộ những năm trước đây, để cho tệ chạy chức, chạy quyền xảy ra ở nhiều nơi, làm cho một bộ phận cán bộ có trình độ năng lực thấp kém ngồi vào những vị trí quản lý, lãnh đạo. Số cán bộ này không có kiến thức thực chất, do đó không dám quyết đoán, quyết định, không dám làm, sợ trách nhiệm.

Thiết nghĩ, trị "bệnh" sợ, đùn đẩy trách nhiệm là việc cần làm thường xuyên. Tại các phiên thảo luận và chất vấn của Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã đề cập nhiều đến vấn đề sợ trách nhiệm của cán bộ, xem đó là nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, hạn chế, trì trệ, kìm hãm sự phát triển. Đòi hỏi cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, ngành và từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải kiên quyết chữa trị "căn bệnh" này trong nội tại cấp mình, địa phương mình, ngành mình và từng cá nhân. Đồng thời, đối với cán bộ lãnh đạo phải thường xuyên soi mình vào lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo”.`

ĐẶNG ĐÌNH CHIẾN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/la-nguoi-lanh-dao-thi-khong-so-trach-nhiem-363338.html