Kỳ vọng tỷ giá hạ nhiệt trong quý 2 khi Fed giảm lãi suất

Các chuyên gia cho rằng tiền Việt Nam đồng có thể mất giá khoảng 3% trong nửa đầu 2024, nhưng về cuối năm tỷ giá sẽ hạ nhiệt.

Hai vấn đề nổi bật trong điều hành chính sách tiền tệ trong quý 1/2024 là áp lực tỷ giá tăng mạnh trong quý đầu năm ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định thị trường tiền tệ và nhu cầu vốn trong nền kinh tế yếu dẫn đến dư thừa thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng.

Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), đối với vấn đề đầu tiên, tiền đồng có thể mất giá khoảng 3% trong nửa đầu năm 2024. Hiện tại, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đã vượt ngưỡng tâm lý là 25.000 đồng/USD.

Tỷ giá niêm yết của Vietcombank đã tăng lên 25.130 đồng/USD tại phiên giao dịch ngày 3.4, tăng 2,9% so với cuối năm 2024. Tỷ giá trên thị trường vượt đỉnh cũ đã thiết lập vào tháng 11.2022, đà tăng này có thể tiếp diễn đưa tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng lên sát ngưỡng 25.500 đồng/USD như mức neo của tỷ giá trên thị trường tự do.

Tuy nhiên, VDSC vẫn kỳ vọng áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt trong nửa sau của quý 2 khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Để ứng phó với vấn đề dư thừa thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút về một lượng tiền với quy mô khoảng 163,5 nghìn tỉ đồng trên thị trường mở (tính đến ngày 3.4.2024). Việc hút ròng qua kênh tín phiếu NHNN được kích hoạt từ ngày 11.3 và duy trì hơn nửa tháng qua, lãi suất bình quân là 1,5%/năm và kỳ hạn là 28 ngày.

Áp lực tỷ giá đầu năm

VDSC cho biết lượng tín phiếu NHNN đang lưu hành trên thị trường là 172 nghìn tỉ đồng, sẽ đáo hạn dần trong tháng 4.2024. Ở chiều ngược lại, NHNN có động thái bơm tiền qua kênh thị trường mở trong hai phiên giao dịch đầu tháng 4 với quy mô khoảng 8,5 nghìn tỉ đồng, lãi suất cho vay kỳ hạn 7 ngày là 4%/năm.

“Vào tháng 4.2023, sau một đợt hút ròng với kỳ hạn dài mà tiền chưa quay trở lại hệ thống, NHNN cũng có hành động tương tự khi thực hiện bơm tiền qua nghiệp vụ mua kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản cho hệ thống. Do đó, chúng tôi cho rằng hoạt động điều tiết của NHNN trên thị trường mở không phải là vấn đề đáng quan ngại”, VDSC nêu.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng vừa qua giá vàng tăng mạnh, kéo theo nhu cầu về USD tăng, chứ cung cầu trên thị trường không quá áp lực về USD.

Ông Thịnh cho rằng áp lực tỷ giá hiện hữu trong ngắn hạn, nhưng dài hạn thì không quá lo ngại và sẽ giảm dần từ nửa sau 2024. “NHNN vẫn điều hành một cách tích cực, chủ động. Năm 2024 giữ cho tỷ giá biến động chỉ khoảng 2 - 3% so với USD thôi”, ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ thặng dư, kiều hối khá cao, việc giải ngân vốn FDI cũng tốt hơn năm ngoái… Qua đó, lượng tiền vào nhiều hơn tiền ra nên không quá lo ngại về vấn đề tỷ giá.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

Giải thích nguyên nhân tỷ giá tăng vào đầu năm 2024, TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV cho biết có 3 nguyên nhân chính.

Thứ nhất là đồng USD mạnh lên (tăng 2%) khi nền kinh tế Mỹ không những không suy thoái mà còn phục hồi, tăng trưởng khoảng 2,5% trong năm vừa qua. Fed dự kiến sẽ hạ lãi suất chậm hơn so với kỳ vọng ban đầu. Do đó, chênh lệch lãi suất giữa đồng USD so với các đồng tiền khác vẫn ở mức cao.

Lý do thứ hai, đầu năm là thời điểm một số doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước. Đây là một yếu tố mang tính mùa vụ và có tác động làm tăng nhu cầu về mua bán ngoại tệ

Nguyên nhân thứ 3 là hiện tượng đầu cơ khi tỷ giá có biến động.

TS Cấn Văn Lực nhận định diễn biến tỷ giá tăng không đáng lo quá, bởi mức tăng của đồng USD sẽ chững lại, thậm chí quay đầu giảm khi Fed giảm lãi suất và nền kinh tế Mỹ bắt đầu "ngấm đòn" do tác động từ lãi suất cao.

Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia phân tích từ KBSV nhận định tỷ giá trong năm 2024 sẽ chỉ tăng khoảng 1,5% và đạt mức 24.600 USD/đồng nhờ cán cân tổng thể được dự báo tích cực hơn trong bối cảnh áp lực từ chênh lệch lãi suất âm giữa "đồng bạc xanh" và VNĐ dù có giảm nhưng vẫn có thể duy trì trong suốt cả năm.

Đáng chú ý, xuất nhập khẩu được dự báo phục hồi tích cực, mức tăng trưởng trong khoảng 8 - 10% nhờ tiềm năng tăng trưởng tích cực của xuất khẩu. Nguyên nhân là lượng tồn kho tại Mỹ và EU hiện tại đã đến giai đoạn cạn kiệt sau khi nhập khẩu tăng cường trước COVID-19 vì lo ngại chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Triển vọng kinh tế tươi sáng hơn về cuối năm

Ngoài ra, việc Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ thành Đối tác chiến lược toàn diện giúp tiềm năng xuất khẩu càng gia tăng, cộng thêm sức mua tiêu dùng cải thiện ở mức tương đối do lạm phát trên toàn cầu ngày càng giảm.

Năm nay, triển vọng kinh tế trong nước sáng hơn, thị trường bất động sản cũng phục hồi nhẹ kéo nhập khẩu phục hồi theo. Dư địa phục hồi của ngành du lịch, đặc biệt là nhóm khách du lịch Trung Quốc giúp xuất nhập khẩu dịch vụ giảm bớt được thâm hụt. Ngoài ra, dòng vốn FDI và kiều hối cũng được dự báo tiếp tục ổn định và tăng trưởng.

Việc Fed tiến hành cắt giảm lãi suất trong năm tới sẽ giúp chênh lệch lãi suất âm giữa đồng USD và VNĐ được thu hẹp đáng kể. Triển vọng về đồng USD yếu đi cũng giúp giảm thiểu tâm lý găm giữ USD, đặc biệt từ những doanh nghiệp có doanh thu xuất khẩu, hỗ trợ đáng kể cho dòng ngoại tệ đến từ thương mại.

Một khi tăng trưởng ổn định, dòng vốn FDI và kiều hối sẽ tiếp tục thúc đẩy FDI chảy xuôi vào Việt Nam, trở thành nguồn cung ngoại tệ ổn định cho năm nay. Áp lực tỷ giá cũng giảm phần nào do chênh lệch lãi suất USD/VNĐ giảm xuống. Chênh lệch lãi suất trên thị trường giảm thì tình trạng găm giữ đầu cơ của các doanh nghiệp cũng giảm theo, từ đó giảm bớt áp lực của hệ thống ngân hàng.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ky-vong-ty-gia-ha-nhiet-trong-quy-2-khi-fed-giam-lai-suat-215834.html