Kỳ vọng gì ở 'game' thoái vốn Nhà nước tại Nhựa Tiền Phong?

Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước mới đây đã đưa Nhựa Tiền Phong vào danh sách dự kiến triển khai bán vốn trong năm 2024...

Quay lại danh sách bán vốn sau 2 năm

Phiên giao dịch sáng ngày 21/5, cổ phiếu NTP của Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP) bật tăng mạnh 6,17%, đưa thị giá áp sát mốc 50.000 đồng/cổ phiếu. Phiên trước đó, cổ phiếu NTP cũng ghi nhận tăng trần 9,81% với thanh khoản tăng gấp hơn 2 lần khối lượng trung bình trong 3 tháng trở lại đây, đạt 185.504 đơn vị. Đáng chú ý, cổ phiếu NTP đang có chuỗi tăng điểm khá ấn tượng với việc tăng 7 trên 8 phiên giao dịch gần nhất. Tính từ đầu tháng 5 tới nay, cổ phiêu NTP đã tăng gần 21%.

Cổ phiếu NTP đang có chuỗi tăng điểm khá ấn tượng với việc tăng 7 trên 8 phiên giao dịch gần nhất.

Thông tin mới nhất về doanh nghiệp, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) mới đây đã đưa NTP vào danh sách dự kiến triển khai bán vốn trong năm 2024, sau 2 năm vắng bóng tại danh sách bán vốn của SCIC (2022-2023). Tại NTP, SCIC đang nắm giữ 37,1% vốn điều lệ, tương đương hơn 48 triệu cổ phiếu. NTP hiện có nhiều cổ đông lớn khác là các tổ chức trong nước, nước ngoài cũng như một số cá nhân.

Cụ thể, cổ đông lớn thứ 2 tại NTP là Sekisui Chemical Co. Td (Nhật Bản) với tỷ lệ sở hữu 15%. Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong Phía nắm giữ 14,27%; ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch HĐQT NTP nắm giữ 6,87%.

Thoái vốn Nhà nước có thể là một trong những lý do khiến cổ phiếu NTP bật tăng mạnh mẽ thời gian gần đây, khi mà câu chuyện bán vốn luôn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Nhìn lại những câu chuyện thoái vốn giai đoạn trước, khi có thông tin thoái vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn như Công ty CP Sữa Việt Nam (HoSE: VNM), Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (HoSE: SAB)... cổ phiếu của những doanh nghiệp này đã tăng nóng 50-60%.

Thế nhưng, hậu thoái vốn, cổ phiếu của một số doanh nghiệp lại có xu hướng điều chỉnh giảm mạnh, trong đó tiêu biểu phải kể đến như SAB, BMP hay DIG...

Về vấn đề này, các chuyên gia từng lưu ý với nhà đầu tư phải thận trọng khi giải ngân tiền vào các cổ phiếu có "game" thoái vốn Nhà nước, vì sau thoái vốn, giá cổ phiếu thường có xu hướng điều chỉnh.

Bên cạnh đó, dòng tiền chảy vào cổ phiếu thoái vốn chủ yếu là đầu cơ với những kỳ vọng ngắn hạn từ thông tin thoái vốn. Khi thông tin thoái vốn không còn nóng, dòng tiền không còn đổ mạnh vào những cổ phiếu này sẽ làm giá cổ phiếu khó duy trì mức giá cao.

Chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nên tập trung nhiều hơn vào câu chuyện giá trị, vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vì yếu tố này sẽ quyết định giá trị doanh nghiệp. Giá cổ phiếu sẽ tăng trưởng khi doanh nghiệp phát triển tốt.

"Lấn sân" sang mảng giáo dục

Trở lại với NTP, cũng trong thời gian gần đây, doanh nghiệp gây chú ý khi công bố kế hoạch mở rộng kinh doanh với dự án đầu tiên của hướng đi mới là xây dựng Tổ hợp giáo dục hơn 620 tỷ đồng ở Hải Phòng. Theo đó, NTP đã thông qua phương án triển khai dự án trường phổ thông nhiều cấp học Tiền Phong tại số 2 An Đà, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng. Diện tích sử dụng đất là hơn 37.000m2, thời gian thực hiện dự án từ năm 2024 - 2026.

Ông Đặng Quốc Dũng - Chủ tịch HĐQT Nhựa Tiền Phong chia sẻ tại Đại hội

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, về câu hỏi tại sao Nhựa Tiền Phong quyết định "lấn sân" sang mảng giáo dục với việc đầu tư tổ hợp giáo dục liên cấp tại trụ sở chính của công ty, ông Đặng Quốc Dũng - Chủ tịch HĐQT Nhựa Tiền Phong chia sẻ, đây vốn là mảnh đất gắn với lịch sử Nhựa Tiền Phong trong suốt 64 năm qua. Trước đó, công ty đã có quy hoạch 1/500 xây dựng tổ hợp thương mại nhưng gặp nhiều vướng mắc và quyết định dừng lại.

Nếu không có kế hoạch sử dụng, chính quyền thành phố Hải Phòng Hải Phòng sẽ thu hồi mảnh đất này để xây dựng khu gửi xe cao tầng. Chính vì vậy, Nhựa Tiền Phong đề xuất kế hoạch xây tổ hợp giáo dục, Chủ tịch Nhựa Tiền Phong nói.

Đồng thời, ông Đặng Quốc Dũng khẳng định mảng việc mới này sẽ được Nhựa Tiền Phong thực hiện tốt, đóng góp tích cực cho xã hội, đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh tế, xã hội của thành phố Hải Phòng Hải Phòng.

"Nhựa Tiền Phong là doanh nghiệp quốc dân được sinh ra từ nhân dân và một phần cơ ngơi được dựng nên từ công sức của các cháu thiếu niên nhi đồng. Chúng tôi xây trường học là vì nghĩ đến trách nhiệm xã hội, đầu tư cho giáo dục cũng là đầu tư cho tương lai", Chủ tịch Nhựa Tiền Phong chia sẻ.

Năm 2024, doanh nghiệp đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ đạt 104.500 tấn và doanh thu bán hàng đạt 5.400 tỷ đồng, cùng tăng 6% so với năm 2023. Tuy nhiên, mục tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm 13%, còn 555 tỷ đồng.

Đại hội cũng thông qua phương án chia cổ tức bằng tiền năm 2023 với tỷ lệ 25% vốn điều lệ và trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2023 với tỷ lệ 10%. Dự kiến cổ tức năm 2024 sẽ được chi trả bằng tiền với tỷ lệ 20% vốn điều lệ.

Bảo Lâm- Tạp chí Kinh tế Chứng khoán

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/chung-khoan/ky-vong-gi-o-game-thoai-von-nha-nuoc-tai-nhua-tien-phong-122836.html