Kỳ vọng của TTCK có đang đi quá phục hồi lợi nhuận doanh nghiệp?

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết đang phục hồi theo từng quý, trong khi thị trường chứng khoán chạy trước một bước khi tăng 23% trong 7 tháng đầu năm.

Ảnh minh họa.

Trong báo cáo cập nhật ngày 9/8, VNDirect cho biết, lợi nhuận ròng quý 2 của các công ty niêm yết trên 3 sàn (HoSE, HNX, UPCoM) giảm 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cải thiện so với quý 1/2023 (giảm 19,3%) và quý 4/2022 (giảm 32,5%).

13 doanh nghiệp trong VN30 ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận ròng tăng trưởng so với cùng kỳ, dẫn đầu là VHM (1.348%), STB (139%) và SSI (+64%). Dù không không ghi nhận doanh thu bán buôn, VHM vẫn tăng trưởng lợi nhuận ròng ấn tượng nhờ bàn giao căn hộ tại Vinhomes Ocean Park 2 – The Empire. Lợi nhuận của STB tăng nhờ cải thiện NIM do không còn áp lực từ các khoản chi phí lãi nợ phát sinh.

Ngược lại, lợi nhuận ròng của MWG, MSN giảm mạnh lần lượt 98%, 89%, phản ánh tác động tiêu cực của nhu cầu yếu, cùng với đó là chiến lược giảm giá để kích thích tiêu dùng.

Lợi nhuận ròng của HPG vẫn tiếp tục sụt giảm 64%, tuy nhiên đã xuất hiện dấu hiệu tích cực khi tăng 267% so với quý trước nhờ chi phí đầu vào là quặng sắt và than cốc giảm mạnh.

NVL ghi nhận khoản lỗ 153 tỷ đồng (so với quý 2/2022 lãi 749 tỷ đồng) do thị trường bất động sản vẫn còn ảm đạm; tuy nhiên mức lỗ này đã giảm một nửa so với khoản lỗ 377 tỷ đồng trong quý 1/2023, cho thấy các biện pháp tái cơ cấu của doanh nghiệp dần có hiệu quả.

Dựa trên thống kê của VNDirect, biên lợi nhuận gộp của thị trường quý 2/2023 (không bao gồm ngân hàng) đã cải thiện lên 16,5%, từ mức 15,4% trong quý 1/2023. Biên lợi nhuận gộp của nhóm bất động sản đã tăng lên 31%, từ mức 21,6% của quý trước, chủ yếu bởi VHM ghi nhận bàn giao các dự án Vinhomes Ocean Park 2. Các nhóm ngành khác cũng chứng kiến biên lợi nhuận gộp cải thiện như dịch vụ hỗ trợ (tăng 4,8%), kim loại công nghiệp (tăng 1,8%), sản xuất thực phẩm (tăng 1,9%).

Các doanh nghiệp tiếp tục xu hướng giảm đòn bẩy với tỷ lệ D/E giảm xuống mức thấp trong nhiều năm là 60,3%, so với 61,3% trong quý quý 1/2023. Trong khi đó, chi phí lãi vay tăng mạnh, cho thấy tỷ lệ lãi suất vay vẫn duy trì ở mức cao và việc cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trong những tháng gần đây chưa có nhiều tác động.

Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ròng hàng quý so với cùng kỳ.

P/E thị trường đang tương đương giai đoạn tăng "nóng"

Chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 chiều 8/8, bà Nguyễn Hoài Phương - Giám đốc đầu tư Công ty quản lý quỹ VinaCapital cho rằng, thị trường chứng khoán đã tăng 23% trong 7 tháng đầu năm, trong khi tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm giảm hơn 10%, và cho cả năm 2023 các dự báo đều cho thấy tăng trưởng khá thấp, thậm chí không có tăng trưởng.

Về định giá, bà Phương giả định chứng khoán phản ánh trước bức tranh doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm tiếp tục hồi phục thì P/E toàn thị trường cho năm 2023 đạt khoảng 15, 16 lần, tiệm cận P/E trung bình của thị trường chứng khoán trong nhiều năm. Tuy nhiên mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình của doanh nghiệp những năm đó đạt từ 15% đến 20%. “Như vậy rõ ràng nhà đầu tư mới tham gia thị trường vào thời điểm này sẽ có rủi ro nhất định”, bà Phương nói.

Tuy nhiên theo vị chuyên gia, trong rủi ro vẫn sẽ tồn tại cơ hội. Rủi ro chỉ đối với nhà đầu tư cá nhân khi họ đi theo dòng tiền và giải ngân ồ ạt vào những cổ phiếu không có giá trị cơ bản. Còn cơ hội của thị trường nằm ở 2 khía cạnh. Thứ nhất là định giá thị trường đắt hay rẻ và thứ hai là sự hồi phục lợi nhuận của doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm.

Về định giá, nếu loại bỏ nhóm cổ phiếu ngân hàng, P/E thị trường hiện đang ở mức 21 lần, tương đương các giai đoạn tăng nóng do bùng nổ về dòng tiền, như quý 1/2018 và quý 2/2021. Bóc tách rõ hơn thì dòng tiền đang đổ nhiều vào penny và smallcap, làm định giá VN-Index tăng gấp đôi định giá của VN30, tạo ra sự lệch lạc.

Bà Nguyễn Hoài Phương - Giám đốc đầu tư Công ty quản lý quỹ VinaCapital

Về khía cạnh hồi phục lợi nhuận của doanh nghiệp, chuyên gia VinaCapital cho biết trong quá trình quỹ đi khảo sát doanh nghiệp, bản thân doanh nghiệp cũng không chắc chắn về sự phục hồi, sẽ vào quý 3, quý 4 hay thậm chí phải đến năm sau.

“Tôi cho rằng khi có sự phục hồi thì vẫn cần nhìn vào từng doanh nghiệp bởi chúng ta có thể thấy bức tranh phân hóa rất rõ. Dễ thấy nhất ở khối sản xuất, xuất khẩu đã có dấu hiệu phục hồi, dù kết quả kinh doanh quý 2 vẫn còn xấu nhưng đơn hàng một số khối đã có sự tăng trưởng trở lại. Trong khối này, một số doanh nghiệp đã cắt giảm lao động, đã đóng cửa vài nhà máy, vậy thì khi khởi động lại họ có khả năng thực hiện ngay đơn hàng không”, bà Nguyễn Hoài Phương phân tích.

Hay như ngành ngân hàng, Thông tư 06 mới cho phép người vay vay ngân hàng khác với mức lãi suất thấp để đảo nợ. Theo bà Phương, chỉ có ngân hàng nào chi phí vốn thấp mới có thể chấp nhận được mức lãi suất thấp và thu hút khách hàng. Ngoài ra, một số ngân hàng có định giá rẻ nhưng bức tranh nội tại lại xấu, như NIM bị thu hẹp vì phải hỗ trợ một số khoản vay bất động sản trước đây.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/ky-vong-cua-ttck-co-dang-di-qua-phuc-hoi-loi-nhuan-doanh-nghiep-post25434.html