Kỳ vọng cầu Đại Ngãi giúp Cù Lao Dung cất cánh

Dự kiến cuối quý 2/2023, cầu Đại Ngãi được khởi công. Đây là tin vui cho người dân ĐBSCL nói chung và người dân ở huyện Cù Lao Dung...

Hoàn tất việc chuẩn bị mặt bằng

“Người dân ở huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng rất vui khi biết dự án xây dựng cầu Đại Ngãi sẽ được khởi công vào cuối quý 2/2023.

Sau khi hoàn thành, cầu Đại Ngãi sẽ giúp Cù Lao Dung tăng tốc trong phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, huyện đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công thực hiện xây dựng cầu Đại Ngãi”, ông Trần Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung, cho biết.

Phối cảnh cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu, nối Trà Vinh với Sóc Trăng. Ảnh: internet

Phối cảnh cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu, nối Trà Vinh với Sóc Trăng. Ảnh: internet

Theo ông Nguyên, địa phương đã tiếp nhận bàn giao 208 cọc tọa độ giải phóng mặt bằng. Khi có đơn vị chủ đầu tư tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thuộc dự án được UBND tỉnh phê duyệt, huyện sẽ bàn giao lại hồ sơ.

Dự án xây dựng cầu Đại Ngãi đi qua địa bàn huyện Cù Lao Dung có chiều dài 4,3km, có 109 hộ ở xã An Thạnh Đông và An Thạnh Tây bị ảnh hưởng.

Huyện đã chủ động phối hợp Sở Xây dựng tham mưu, chuẩn bị các thủ tục cần thiết để bố trí 40 nền tái định cư với diện tích 1ha, tổng kinh phí 14,5 tỷ đồng.

Vị trí khu tái định cư đã được xác định, đảm bảo các điều kiện hạ tầng xã hội, giao thông… nên người dân rất ủng hộ chủ trương xây dựng cầu Đại Ngãi.

Và họ đồng thuận di dời nhà cửa, tài sản để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công với mong muốn cầu Đại Ngãi sớm hoàn thành, nối hai bờ sông Hậu như mong ước bao đời nay của người dân.

Ông Nguyễn Văn Tuấn (xã An Thạnh 3) phấn khởi nói: “Một cây cầu như cầu Đại Ngãi là ước mơ bao đời nay của người dân Cù Lao Dung chúng tôi.

Có cầu Đại Ngãi, chúng tôi thoát cảnh ốc đảo, giao thông đi lại thuận lợi, hàng hóa lưu thông dễ dàng, sản phẩm của nhà nông sẽ bán tốt hơn, các nhà đầu tư cũng sẽ đến với Cù Lao Dung để đầu tư nhiều hơn”.

Huyện Cù Lao Dung nằm giữa sông Hậu

Huyện Cù Lao Dung nằm giữa sông Hậu

Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung cho biết thêm: “Huyện Cù Lao Dung cũng chủ động đưa dự án cầu Đại Ngãi và khu tái định cư vào quy hoạch sử dụng đất.

Hiện huyện đang tiếp tục tổ chức họp dân, thông tin cho người dân về quy mô dự án, chính sách bồi thường, tạo điều kiện cho công tác đo đạc, thống kê, kiểm đếm... để sớm bàn giao mặt bằng đúng tiến độ".

Xứ cù lao kỳ vọng cất cánh

Đây là dự án rất quan trọng đối với khu vực ĐBSCL nói chung và huyện Cù Lao Dung nói riêng, mang lại nhiều lợi ích cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Có thể nói, cầu Đại Ngãi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ giúp Cù Lao Dung cất cánh.

Theo ông Nguyên, sắp tới huyện Cù Lao Dung sẽ phát huy thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, du lịch. Trong đó thế mạnh về nông nghiệp với 3 vùng sinh thái ngọt, mặn, lợ, rất phú hợp cho phát triển cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghệ cao gắn với du lịch.

Về du lịch, huyện Cù Lao Dung là địa phương có tiềm năng du lịch lớn với nhiều loại hình như: Du lịch về nguồn gắn với truyền thống đấu tranh cách mạng và các di tích lịch sử như Đền thờ Bác Hồ, bia chiến thắng Rạch Già, bia chiến thắng An Hưng, bia kỷ niệm nơi thành lập trường Đảng đầu tiên của tỉnh.

Đền thờ Bác Hồ ở huyện Cù Lao Dung

Đền thờ Bác Hồ ở huyện Cù Lao Dung

Về du lịch sinh thái huyện cũng rất lợi thế với vùng sông nước miệt vườn, home stay với các hoạt động như tham quan nhà vườn, hái trái cây, đờn ca tài tử; khám phá rừng phòng hộ nguyên sinh rộng hơn 1.600ha.

Du khách có thể tham quan bãi nghêu rộng hơn 800ha; khám phá vẻ đẹp hoang sơ của đảo khỉ; đi thuyền trên sông câu cá ngát, cá bông lau, thưởng thức các món ăn đặc sản của xứ cù lao sông nước này.

Ngoài ra, du lịch huyện Cù Lao Dung cũng hấp dẫn du khách bởi đây là nơi gắn với truyền thuyết về vùng đất linh thiêng Sân Tiên; là nơi ghi dấu tích của Vua Gia Long triều Nguyễn trên đường bôn tẩu như rạch Long Ẩn, rạch Trường Tiền...

Dự án cầu Đại Ngãi được xây dựng trên Quốc lộ 60, nối hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Điểm đầu giao Quốc lộ 54 thuộc địa phận xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần (tỉnh Trà Vinh) và điểm cuối giao với Quốc lộ Nam Sông Hậu thuộc địa phận xã Long Đức, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng).

Khách du lịch đến với Cù Lao Dung

Khách du lịch đến với Cù Lao Dung

Đây là trục giao thông chính, quan trọng ven biển các tỉnh miền Tây. Toàn tuyến có chiều dài trên 15,1km, 5 nút giao, 7 cầu. Phần tuyến được thiết kế với quy mô đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h. Trong đó, cầu Đại Ngãi 1 được thiết kế với quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe, bề rộng cầu 17,5m.

Riêng phần cầu chính dây văng, bề rộng 21,5m. Cầu Đại Ngãi 2 có quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe, bề rộng cầu 17,5m.

Giai đoạn một, cầu chính có bốn làn xe, rộng hơn 17,5m, vận tốc 80km/h. Giai đoạn hai, đường dẫn hai bên cầu sẽ được nâng lên bốn làn. Sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách 80km từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu đi TP.HCM với đi trên tuyến Quốc lộ 1 hiện nay.

Dự án giúp nối thông toàn tuyến Quốc lộ 60, nâng cao năng lực vận tải cho vùng ĐBSCL, tạo sự kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh Duyên hải phía Nam với TP.HCM.

Giai đoạn một dự án được đầu tư trên 8.014 tỷ đồng từ vốn ngân sách. Ban Quản lý dự án 85 (Bộ GTVT) được giao đại diện chủ đầu tư.

Vũ Phong

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ky-vong-cau-dai-ngai-giup-cu-lao-dung-cat-canh-d583292.html