Kỷ vật của cha tôi: Bức hình chân dung Fidel Castro

Tôi đang đi công tác ở Bạc Liêu thì nghe tin Chủ tịch Fidel Castro qua đời. Ngay hôm sau tôi về lại TP.HCM và ngậm ngùi mang máy ra chụp lại tấm chân dung Fidel, một kỷ vật mà gia đình tôi gìn giữ suốt.

Tôi đang đi công tác ở Bạc Liêu thì nghe tin Chủ tịch Fidel Castro của Cuba qua đời. Ngay hôm sau tôi về lại TP.HCM và ngậm ngùi mang máy ra chụp lại tấm chân dung Fidel, một kỷ vật mà gia đình tôi gìn giữ suốt “một thời đạn bom một thời hòa bình”.

Đây là tấm tranh chân dung Fidel Castro của chính Chủ tịch Fidel tặng cho ba tôi - nhà báo Huỳnh Hùng Lý, khi ba tôi cùng đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam sang thăm Cuba và được gặp ông những năm cuối thập niên 1960.

Trong những năm tháng ấy ba tôi đã viết khá nhiều bài báo về tình hữu nghị đặc biệt của Cuba và Việt Nam, cũng như tấm gương huyền thoại của lãnh tụ Fidel hiên ngang kiên cường chống Mỹ, hết lòng giúp đỡ Việt Nam trong khi Cuba cũng gặp muôn vàn khó khăn do lệnh cấm vận của Mỹ.

Sau chuyến đi đó, ba tôi còn được đi Cuba một số lần nữa, khi thì với tư cách là nhà báo, khi thì là thành viên của Bộ Ngoại giao Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Mỗi khi đi về, ba tôi đều mang theo khá nhiều kỷ vật được tặng hoặc ba sưu tầm. Ba tôi nói về Chủ tịch Fidel, một hình ảnh luôn thúc giục ta vượt qua nhiều trở lực trong cuộc sống để thực hiện ước vọng được sống tự do - bình đẳng - hạnh phúc, một vị lãnh đạo có tài hùng biện tuyệt vời.

"Mẹ tôi vẫn luôn dặn chúng tôi giữ gìn cẩn thận bức chân dung nà y do chính Fidel tặng ba tôi từ hơn nửa thế kỷ trước"

Chính những câu chuyện này đã giúp tôi có thêm chất liệu để viết bài giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ cuốn sách Những bài nói chuyện của Fidel ngay từ khi tôi còn là sinh viên khoa Văn ĐH Tổng hợp. Ba tôi ngưỡng mộ Fidel đến mức cũng tìm một cái mũ theo phong cách Fidel. Ba tôi không hút thuốc nhưng vẫn cất giữ những điếu xì gà Cuba trong tủ. Và tôi nhớ trong các bài viết, ba tôi đều hết sức trân trọng dùng từ đồng chí khi nói về Fidel chứ không gọi là ông hay là ngài.

Ba tôi đã mang theo tấm chân dung này suốt những năm tháng sống ở Hà Nội. Có một điều thú vị là nhà tôi lúc đó ở khu tập thể báo Nhân Dân trong ngõ Lý Thường Kiệt mà đầu ngõ là tòa nhà rất đẹp của Đại sứ quán Cuba. Buổi tối bọn trẻ con chúng tôi thường tụ tập trước tấm bảng trưng bày hình ảnh của Cuba.

Tình cảm với đất nước Cuba thấm dần vào máu thịt của những đứa trẻ chúng tôi bằng hình ảnh Fidel, những hình ảnh đất nước Cuba tươi đẹp, những bài báo của các chú các bác nhà báo từng đi Cuba, trong đó bài Hiên ngang Cuba của nhà báo Thép Mới là bọn tôi thích nhất. Ba tôi mang theo bức chân dung Fidel kích thước khá lớn này vào Sài Gòn và những năm cuối đời ở Vũng Tàu. Khi ba tôi mất, tôi đã đặt tấm chân dung Fidel trong phòng thờ ba vì sinh thời ba luôn nâng niu bức chân dung ấy.

Ngoài tấm chân dung ấy, gia đình tôi còn có kỷ niệm khá đặc biệt là hai cha con đã cùng viết bài về hai chuyến đi thăm Việt Nam của lãnh tụ huyền thoại Fidel. Lần đầu Fidel sang thăm Quảng Trị (1973) khi còn chiến tranh.

Ba tôi đang ở vùng giải phóng Quảng Trị đã có mặt viết bài và hiện còn giữ khá nhiều tấm hình Fidel quàng khăn rằn thăm các chiến sĩ giải phóng. Sau ngày thống nhất, Fidel trở lại Việt Nam thăm TP.HCM, đến Củ Chi (1995). Lúc này tôi đã trở thành phóng viên báo Lao Động và được cử đi viết bài về chuyến đi thăm của Fidel.

Tôi còn nhớ tôi cùng phóng viên Miên Tường và lái xe Kỳ Công đã tìm cách tiếp cận được Fidel cự ly gần nhất có thể. Do không có ống kính té lé nên tôi tìm cách vào thật gần nơi Fidel đứng và ấn tượng của tôi về Fidel là sự quắc thước hiên ngang, vẻ đẹp rất Mỹ Latin.

Một ấn tượng khác là về những cận vệ to cao chắc nịch và rất chuyên nghiệp của Fidel lúc đó. Họ thường ngăn những người cố xông vào gần bằng cử chỉ nhẹ nhàng nhưng dứt khoát song vẫn không quên mỉm cười. Nghĩ hồi xưa ba mình viết về Fidel nay lại đến lượt mình đi viết bài, chụp ảnh về Fidel tôi cảm thấy lâng lâng một niềm vui khó tả.

Bức chân dung Fidel tặng ba tôi đã có mặt trong gia đình tôi ở vị trí trang trọng nhất dù cuộc sống đã biết bao thay đổi. Ba mất, mẹ tôi vẫn luôn dặn chúng tôi giữ gìn cẩn thận bức chân dung Fidel. Hơn nửa thế kỷ sau, người hùng một thuở của bao chàng trai lớn lên trong thời đạn lửa, nhân vật có sức ảnh hưởng đến lý tưởng của nhiều thế hệ đã giã từ thế giới để tìm gặp người bạn chiến đấu của ông, một huyền thoại khác - Che Guevara. Và với tôi, dù ông ở thế giới bên này hay bên kia, niềm cảm hứng về sống có lý tưởng được truyền từ ông, vẫn nguyên vẹn.

Huỳnh Dũng Nhân

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/thoi-su/tin-tuc/ky-vat-cua-cha-toi-buc-hinh-chan-dung-fidel-castro-88698/