Ký ức Trung thu

Tháng Tám âm lịch, đất trời bước vào chính thu. Trong làn gió heo may và nắng vàng như mật, trái na 'mở mắt' trên cành, cốm non nhẹ nhàng theo chân các bà các chị bán hàng xuống phố, hồng đỏ ửng hồng đôi má sánh cùng những trái bưởi căng mọng rám nắng... Và, cũng vào lúc này, những chiếc đèn ông sao và các loại đồ chơi bắt đầu được bày bán trên phố, ấy là khi Tết Trung thu đã cận kề muôn nơi. Với tôi, niềm vui đón Tết trung thu luôn được lưu dấu trong miền ký ức sâu lắng.

Ảnh minh họa: Vy Anh

Nhớ ngày ấu thơ, khi đất trời mới chớm bước vào tháng Tám âm lịch, tôi đã cùng chúng bạn rộn ràng chuẩn bị cho Tết Trung thu. Chúng tôi loay hoay tự làm đèn ông sao từ những vật dụng kiếm được như tre, giấy màu, giấy bóng kính. Nhóm con gái chúng tôi tỉ mẩn ngồi bóc những hạt bưởi, phơi khô, xâu vào dây thép để đốt trong đêm rằm Trung thu. Những thứ đồ chơi tự làm tuy không đẹp nhưng luôn khiến chúng tôi thích thú và nhớ mãi.

Gần đến ngày Tết Trung thu, tôi được bố mẹ chở lên phố Hàng Mã mua đồ chơi. Chao ơi, lũ trẻ chúng tôi mê mải ngắm những chiếc lồng thiên nga, tàu thủy bằng sắt tây có thể chạy được trong chậu nước, mặt nạ giấy ngộ nghĩnh đủ các màu, đèn kéo quân, đèn ông sư, đèn con thỏ, các loại trống... Tôi thường được mẹ mua cho một chiếc lồng thiên nga được trang trí khá cầu kỳ và bắt mắt với hồ nước trong veo cùng đôi thiên nga trắng muốt. Món đồ chơi đó được tôi nâng niu cất kỹ để bầy lên mâm cỗ Trung thu.

Bày cỗ Trung thu cũng là dịp để các bà, các mẹ thể hiện tài khéo tay của người phụ nữ đất Hà thành. Ngay từ buổi chiều, các bà các mẹ đã tất bật cắt tỉa hoa quả bày biện mâm cỗ đón Tết trung thu. Từ những quả bưởi tròn căng, các mẹ tỉa thành chú chó bông lông xù với 2 mắt đen lay láy bằng hạt na. Chú nhím ngộ nghĩnh được làm từ quả nho và quả lê. Mâm cỗ trung thu bỗng trở nên thật sinh động bởi các loại quả được tạo dáng thành hình con vật ngộ nghĩnh.

Trên mâm cỗ trung thu luôn có bánh nướng, bánh dẻo. Đây là hai loại bánh truyền thống từ xa xưa. Bánh thường có hình vuông với các loại nhân thập cẩm cổ truyền, hạt sen, đậu xanh... Đặc biệt, có những năm, mâm cỗ của khu tập thể chúng tôi có đôi cá chép “hóng” theo bóng trăng bằng bánh nướng và bánh dẻo. Sát dưới “chân” mâm cỗ là “đàn lợn” bé xíu bằng bánh nướng được đựng trong những chiếc giỏ tre trông thật đáng yêu.

Lũ trẻ chúng tôi lăng xăng, sán vào giúp mẹ các việc vặt rồi về nhà chuẩn bị cho cuộc “rước đèn trông trăng”. Thời đó, chúng tôi rước đèn bằng các loại đèn truyền thống như đèn ông sao, đèn con thỏ, đèn cù. Chiếc đèn kéo quân thường được bày cố định cạnh mâm cỗ trung thu với những hình ảnh nối nhau chạy vòng tròn.

Dưới ánh trăng dịu dàng, những chiếc đèn của chúng tôi tỏa ánh sáng lung linh huyền ảo, xâu hạt bưởi phơi khô đốt lên tóe ra những tia lửa tuyệt đẹp với mùi tinh dầu thơm thơm. Đội hình rước đèn của chúng tôi “rồng rắn” khắp các khu phố, ngõ ngách xung quanh cùng tiếng trống ếch, trống bỏi inh ỏi và những bài đồng dao rộn ràng. Điểm cuối cùng dừng lại của đoàn rước đèn là sân tập thể, nơi có mâm cỗ trung thu và các bố mẹ đang chờ chúng tôi.

Sau khi một bác lớn tuổi trong “tiểu khu” đứng lên phát biểu, chúng tôi lần lượt lên biểu diễn văn nghệ. Bạn nào có tiết mục hay sẽ được thưởng bánh kẹo hoặc một món đồ chơi nho nhỏ như trống bỏi, cặp tóc... Khi trăng đã lên cao cũng là lúc chúng tôi được “phá cỗ” thỏa thích mâm cỗ trung thu vừa ngon vừa đẹp. Khi ra về, niềm vui hân hoan của ngày Tết trung thu theo vào cả trong giấc ngủ của chúng tôi.

Năm tháng trôi, tuổi không còn trẻ nữa, nhưng mỗi độ thu về, lòng tôi lại nao nao nhớ về Tết trung thu giản dị mà vui rộn ràng ở khu phố cũ năm nào...

Vy Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-uc-trung-thu-354372.html