Ký ức tết thời bao cấp

Sau Đại hội II của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang đầu năm 1983, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong tỉnh nhìn chung ổn định, nhưng vẫn còn rất khó khăn trên nhiều lĩnh vực, nhất là đời sống của cán bộ và nhân dân. Trong đội ngũ cán bộ các cấp và lực lượng vũ trang, tiền lương chỉ trang trải được một phần, phần lớn còn lại vẫn phải do cán bộ, chiến sĩ đó tự túc thêm dưới nhiều hình thức đa dạng, miễn sao đủ đắp đổi qua ngày để tiếp tục làm việc.

Nền kinh tế tập trung bao cấp có những ưu điểm như cung ứng sản xuất và phân phối theo kế hoạch chung của cả nước, cả tỉnh; nhưng khó khăn, thách thức là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và hàng hóa tiêu dùng thiết yếu (lúc này gọi là nhu yếu phẩm) thiếu thốn ghê gớm, do mất cân đối cung cầu nghiêm trọng vì lệnh cấm vận của Mỹ.

Thực trạng nền kinh tế lúc này hình thành hai thị trường rõ rệt là thị trường mua và bán với giá chỉ đạo của Nhà nước, còn phần kia lúc đó gọi tên chung là “thị trường chợ đen với giá chợ đen” (lúc đó chưa có khái niệm “giá thỏa thuận”), hai thị trường có sự chênh nhau rất lớn ở giá các loại hàng hóa từ lương thực, thực phẩm đến công nghệ phẩm. Chế độ tem phiếu được áp dụng cho tất cả lực lượng khu vực nhà nước, lực lượng vũ trang và cơ quan trong hệ thống chính trị.

Người dân mua sắm tết theo chế độ tem phiếu tại cửa hàng thương nghiệp tổng hợp. Ảnh: TTXVN.

Người dân mua sắm tết theo chế độ tem phiếu tại cửa hàng thương nghiệp tổng hợp. Ảnh: TTXVN.

Mỗi cán bộ, công nhân, viên chức đều có sổ mua hàng nhu yếu phẩm do cơ quan thương nghiệp cấp. Hộ gia đình nhân dân cũng có sổ mua hàng, chủ yếu là nhu yếu phẩm. Mỗi lần mua phải có chữ ký duyệt danh mục hàng hóa được mua của cửa hàng trưởng thương nghiệp. Nếu mua đột xuất phải được cấp công ty hay lãnh đạo ty thương nghiệp phê duyệt cho phép bán. Thậm chí cám cho heo ăn cũng phải có sổ và có sự xác nhận của lãnh đạo cơ quan trước khi đem đến công ty chăn nuôi để mua theo định lượng tương ứng với trọng lượng con heo đã đạt được. Mặt hàng được bán phân phối từ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho đến cả xích, líp, vỏ ruột xe đạp, bóng đèn, phích nước, chỉ khâu. Tức cười nhất là có lần lưỡi lam cạo râu lại được phân phối trong sổ mua hàng của một số chị em phụ nữ. Vậy đó nhưng lại là chuyện có thật 100% mà những ai đã sống qua thời kỳ đó đều biết rõ.

Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng để học Nghị quyết Trung ương 5 và bàn chương trình công tác của Tỉnh ủy năm 1984 vừa kết thúc chiều ngày 15-1-1984 thì Văn phòng Tỉnh ủy tổ chức ăn tết để còn chuẩn bị đón đoàn đồng chí Phạm Hùng về thăm Kiên Giang ngày 25 và đi thăm huyện Kiên Hải. Ngồi ăn nhưng anh nào anh nấy đều vội vã vì có anh như Bảy Tam, Bảy Tuấn còn phải chạy vỏ máy 60-80km đường sông để về huyện ngay trong đêm hòng kịp thời gian chỉ đạo công việc. Sáng hôm sau, Thường trực Tỉnh ủy gồm các anh Ba Hương, Tám Quít, Hai Trinh dành thời gian nghe Ty Thương nghiệp và Công ty Công nghệ phẩm, Công ty Chăn nuôi tỉnh báo cáo tình hình chuẩn bị cung ứng hàng hóa tết cho các huyện, thị xã. Nghe xong, anh Ba Hương chỉ gật gật đầu mà không nói gì, nhưng hai anh Tám Quít và Hai Trinh lại cẩn thận dặn dò các anh chị thương nghiệp mấy lần nữa là phải tăng cường kiểm tra kịp thời việc cung ứng hàng hóa cho nhân dân, nhất là vùng nông thôn sâu, xa và những đối tượng chính sách, gia đình neo đơn, nhất định không để xảy ra tiêu cực trong phân phối hàng hóa thiết yếu trong dịp tết. Mấy anh chị lãnh đạo thương nghiệp hứa quyết tâm làm tốt theo lời Thường trực Tỉnh ủy dặn. Những ngày này, các anh Tư Việt Sinh, Hai Phi, chị Út Hương và bộ máy Ty Thương nghiệp, Công ty Công nghệ phẩm cũng như Công ty Chăn nuôi của anh Tư Đông hoạt động không ngơi nghỉ.

Trong khi đó, từ nửa tháng chạp, khu vực chợ Rạch Sỏi, bến đò Cây Điệp, các loại đò dọc chở người, hàng hóa từ các huyện An Biên, Vĩnh Thuận tấp nập cập bến, vận chuyển hàng hóa để cung ứng cho thị xã Rạch Giá dịp tết. Hàng hóa chuyển đến đa số là heo thịt còn sống, các loại tôm, cá, gà, vịt, chuối xanh, mãng cầu gai... là những sản vật mà vùng này có thế mạnh. Các ghe biển ở Phú Quốc, Kiên Hải thì chuyển vô đất liền các loại khô, tôm khô, nước mắm ngon để thương nghiệp quốc doanh phân phối cho lực lượng các cơ quan và đơn vị vũ trang trên địa bàn tỉnh. Những ngày này, các cửa hàng công nghệ phẩm, bách hóa tổng hợp luôn đông nghẹt người đến mua sắm. Ở các chợ “chồm hổm” khu vực các chợ huyện, người dân đem các sản phẩm tự sản, tự tiêu ra ngồi bán làm cho chợ thêm đông đúc. Cơ quan chúng tôi cũng được các anh ở huyện Vĩnh Thuận và An Biên gửi biếu gần 40kg cá đồng. Lập tức tôi giao anh Chín Kỷ, Ba Lập phân chia ngay cho anh em trong cơ quan để ăn tết, dù phần mỗi người nhận được khiêm tốn nhưng trong lòng vẫn thấy vui vẻ, ấm áp bởi tình đồng chí trong lúc khó khăn. Anh Hai Tuấn, trưởng phòng cơ yếu của Tỉnh ủy nói với tôi: “Lương cán sự 5 của tôi mức 83 đồng, hôm qua vợ tôi đem sổ đến cửa hàng, được duyệt mua 5kg thịt và 5 lít nước mắm Phú Quốc để ăn tết đó anh. Vậy cũng ngon rồi!”.

Người dân mua sắm tết theo chế độ tem phiếu. Ảnh: TTXVN.

Thời gian này, trên những chuyến đò dọc chạy từ các huyện khu vực An Biên, Vĩnh Thuận về, người đi đò đều phải ngồi bó gối suốt đêm, chen chúc nhau với heo, gà, vịt trong một không gian chật hẹp, nồng nặc mùi hôi khó chịu trong suốt hành trình. Mà các con đò đó lại chạy suốt đêm, khởi hành từ các xã ở khu vực U Minh lúc chạng vạng, nhưng khi đến bến đò Cây Điệp ở chợ Rạch Sỏi thì trời cũng đã vừa hừng sáng. Đò vừa cập bến thì những hoạt động náo nhiệt diễn ra, với cảnh khuân vác hàng hóa trên những be ghe lắc lư, nghiêng ngả theo nhịp sóng trên sông.

Người dân đi chợ tết. Ảnh: TTXVN.

Chiều tối 29 tết, tôi chạy xe một vòng quanh thị xã Rạch Giá. Dọc những con đường ở Rạch Giá chiều 30 tết bắt gặp không hiếm những bếp lò đỏ lửa mà bên trên là những chiếc nồi to tướng với những đòn bánh tét đang được người dân luộc chín cho kịp giờ cúng giao thừa. Mấy đội lân của các đình, chùa cũng đang vỗ trống bập bùng, tập siết cho kịp ngày mùng 1 tết.

9 giờ tối 30 Tết Giáp Tý 1984, trong cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy, các anh Chín Kỷ, Ba Lập, Tư Tròn xúm lại vớt những đòn bánh tét đã luộc từ sáng, để một lúc cho nguội, rồi cùng nhau đem lên bàn thờ Tổ quốc mà các anh đã chuẩn bị từ hôm qua để cúng giao thừa. Gần tới giao thừa, tôi tập hợp anh chị em tham gia trực đêm ngồi lại bên nhau cùng nhâm nhi ly trà Bắc Thái, Lâm Đồng và chờ nghe Đài Phát thanh Hà Nội đọc lại bài thơ chúc tết của Bác Hồ, thư chúc tết của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Trên nền chiếc tivi trắng đen 14 inch cũ kỹ, giọng ấm áp quen thuộc của phát thanh viên Kim Cúc đài Hà Nội trang trọng đọc từng tiếng một. Mười mấy năm đã qua từ khi Bác Hồ đi xa, khi nghe lại bài thơ của Bác, giọng Bác đọc thơ chúc tết vẫn vang vọng trong lòng mọi người như vừa mới hôm qua.

Thềm xuân Quý Mão năm 2023

LÂM NGHĨA SỸ

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//van-hoa-the-thao/ky-uc-tet-thoi-bao-cap-12503.html