Ký ức Nhà tù Hải Dương

Nhà tù Hải Dương (hiện nằm trong khuôn viên Công an tỉnh, đường Nguyễn Trãi, TP Hải Dương) do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1884, là nhà tù lớn thứ hai ở miền Bắc lúc bấy giờ, chỉ sau Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội).

Dù đã 95 tuổi nhưng ký ức về những ngày tham gia cách mạng của bà Hoàng Thị Hoài, Trưởng Ban Liên lạc tù chính trị Nhà tù Hải Dương vẫn còn nguyên vẹn

Dù đã 95 tuổi nhưng ký ức về những ngày tham gia cách mạng của bà Hoàng Thị Hoài, Trưởng Ban Liên lạc tù chính trị Nhà tù Hải Dương vẫn còn nguyên vẹn

Địa điểm này đã trở thành nơi tôi luyện bản lĩnh của những người chiến sĩ cách mạng.

Địa ngục trần gian

Một ngày cuối tháng 8 lịch sử, chúng tôi tới phố Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) gặp bà Hoàng Thị Hoài, Trưởng Ban Liên lạc tù chính trị Nhà tù Hải Dương. Dù đã 95 tuổi, nhiều câu chuyện bị lãng quên, nhưng những ký ức tham gia hoạt động cách mạng, nhất là những ngày trong Nhà tù Hải Dương bà vẫn còn nhớ rõ.

Bà Hoài quê ở xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng). Hơn 20 tuổi, bà đã là đảng viên và được tổ chức phân công nhiều việc quan trọng. Bà bị địch bắt trên đường đi làm nhiệm vụ, chúng đưa bà vào thẳng Nhà tù Hải Dương. Địch hết dụ dỗ lại tra tấn đủ kiểu, hòng ép cán bộ, chiến sĩ của ta khai ra cơ sở. Làm trái ý bọn cai tù, dù là phụ nữ hay đàn ông, trong ngục chúng vớ được gì đánh bằng thứ đó. Nam giới trong tù đã khổ, phụ nữ bị bắt giam còn khổ hơn nhiều. Những phụ nữ thân hình mảnh mai, yếu đuối nhưng liên tiếp bị những kiểu hành hạ tàn khốc như đổ xà phòng vào mồm, xát muối ớt, treo ngược xà nhà, dùng kim châm các đầu ngón tay, chân...

Cuộc sống trong tù khổ cực, mỗi phòng giam có 10 người, hằng ngày đến giờ ăn, chúng phát cho phòng một mẹt cơm, mọi người thay phiên nhau ăn, người nọ nhường nhịn người kia. Chính sự gian khổ đó khiến cho người tù đoàn kết lại, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Có nhiều người ghé thân mình chịu những trận đòn tơi tả để đồng đội có thêm ngụm nước, miếng cơm. Các tù nhân nữ đã tập hợp lại để đấu tranh, làm những việc mà kẻ thù không ngờ tới như cung cấp thông tin cho những người mới bị bắt vào, động viên, trấn an tinh thần để họ hạn chế khai báo, thông báo những kẻ phản bội để những người mới vào biết, rồi khâu vá quần áo, đưa nước...

Trong những năm 1951-1952, đã có khoảng 200 cán bộ của ta bị địch bắt, chúng nhốt vào ca-sô. Mỗi ca-sô rộng chừng 12 m2 nhốt hơn 40 người, có 1 cửa sổ cao 1,2 m sát nóc nhà, người đứng ngồi chật chội, nóng bức, thiếu không khí. Mục đích của chúng là uy hiếp tinh thần, thể xác của tù nhân để dễ bề mua chuộc. Cứ người bị chúng lôi đi hỏi cung là những người còn lại đều lo lắng sợ người đó sẽ bị chúng đánh chết hoặc không chịu được đòn roi mà khai ra cơ sở bí mật.

Chính bà Hoài cũng đã phải nếm trải những đòn hành hạ của bọn cai ngục. Sau khi dùng lời dụ dỗ ngon ngọt không được, bọn chúng chuyển sang tra điện rồi đấm đá, khi người tù ngã xuống sàn còn bị giày đinh đạp lên ngực, lên mặt đến khi bất tỉnh chúng lại cho về xà lim. Dù bị tra tấn dã man bà Hoài vẫn một mực không khai báo. Câu trả lời quen thuộc khi chúng hỏi bà Hoài là cơ sở ở đâu, còn ai trong tổ chức thì đều nhận được câu trả lời “không biết” và “chỉ có mình tao”.

Chi bộ trong tù

Vào đúng dịp kỷ niệm 34 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7.11.1951), sau hơn 7 tháng hoạt động, Chi bộ 10 được Khu ủy III và Tỉnh ủy Hải Dương chính thức công nhận. Đồng chí Vũ Hồng Vũ, Tỉnh ủy viên, Tỉnh đội trưởng làm Bí thư chi bộ. Chi bộ mang mật danh là Đội quân ngầm với bí số 71151. Theo trí nhớ không đầy đủ của bà Hoài, chi bộ khi đó có 43 đảng viên là tù chính trị tham gia sinh hoạt. "Chi bộ thành lập, chủ trương hoạt động ban đầu đơn giản và thiết thực như giáo dục tù nhân giữ vững tinh thần, tránh bị dụ dỗ, mua chuộc. Đấu tranh cải thiện chế độ trong nhà tù, cài người vào hàng ngũ địch làm nội ứng. Vận động binh lính da đen, tranh thủ sự ủng hộ để phá nhà tù", bà Hoài nhớ lại.

Mặc dù hoạt động trong tình thế khó khăn, nhưng chi bộ đã lãnh đạo đảng viên và quần chúng ưu tú làm nhiều việc từ đòi quyền lợi cho tù nhân đến móc nối, cài cắm người của ta vào khai thác tài liệu, nghe ngóng thông tin... Nhờ đó, nhiều kế hoạch địch đi càn bị lộ khiến nội bộ quân địch mâu thuẫn. Sau đó, một số đảng viên tích cực của ta bị địch nghi ngờ và theo dõi sát sao. Có lần địch bắt được giao thông liên lạc của ta, công văn từ ngoài chuyển vào... nhưng tất cả các đảng viên đều bình tĩnh ứng phó. Vì thế, chi bộ đã luôn hoàn thành nhiệm vụ của Khu ủy, Tỉnh ủy và Thị ủy giao phó.

Khoảng tháng 5.1952, bọn cai ngục đã đưa hơn 200 tù nhân cả nam lẫn nữ chuyển tới các trại giam khác. Một số người bị đưa vào Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), một số người khác đi Cam Ranh và Côn Đảo. Những cán bộ, chiến sĩ được rèn giũa qua đấu tranh bền bỉ, kiên cường tại Nhà tù Hải Dương đều đã trưởng thành. Tiêu biểu là đồng chí Vũ Hồng Vũ, Bí thư Chi bộ, sau là Thường vụ Đảo ủy, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Côn Đảo; nhiều đảng viên bị chuyển nhà tù tiếp tục tham gia tổ chức đảng, gây dựng cơ sở... Mặc dù bị địch bắt, nhưng những người chiến sĩ cộng sản đã mở một mặt trận mới ngay trong lòng địch, giúp ta phá vỡ nhiều âm mưu, kiềm chế và tiêu hao một phần sinh lực địch...

Sau khi bị chuyển lên Nhà tù Hỏa Lò, bà Hoài tiếp tục tham gia vào tổ chức đảng ở đây. Khi tổ chức đảng tổ chức vượt ngục, bà Hoài cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ thoát ra trở về địa phương tiếp tục hoạt động.

Đã gần 70 năm trôi qua nhưng những kỷ niệm đẹp về tình cảm giữa những người cộng sản trong những hoàn cảnh cực kỳ gian khó luôn được bà Hoài trân trọng.

TÂM PHÚC

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/ky-uc-nha-tu-hai-duong-145974