Ký ức người lính năm xưa từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Tròn 7 thập kỷ đã trôi qua nhưng ký ức về trận chiến Điện Biên Phủ anh hùng vẫn mãi là ký ức không thể nào quên với Đại úy Nguyễn Đình Thản.

Đại úy Nguyễn Đình Thản kể lại những câu chuyện cảm động trong trận chiến Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu (Ảnh: Hoàng Linh)

Sinh năm 1932, Đại úy Nguyễn Đình Thản là con trai trong một gia đình thuần nông ở huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Gia đình ông có truyền thống yêu nước sâu sắc, cả nhà đều tham gia kháng chiến, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Khi được hỏi về ký ức thời hoa lửa, ông Thản cười hiền kể cho tôi nghe những điều mà ông đã khắc cốt ghi tâm.

“Tôi thuộc diện được miễn nhập ngũ vì cả nhà đã vào chiến trường trước rồi, gia đình chỉ còn mình tôi. Đến năm 1952, khi cục diện ở Điện Biên Phủ phức tạp quá, xã kêu gọi động viên thanh niên nhập ngũ, tôi quyết chí đi luôn. Về nhà ăn vội bát cơm nguội rồi lên đường, cũng chẳng kịp nhờ hàng xóm láng giềng trông nom nhà cửa”.

Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên Phủ, là một trong rất nhiều kỷ vật vô giá mà đại úy Nguyễn Đình Thản lưu giữ (Ảnh: Hoàng Linh)

Khi lên đến chiến trường, ông Thản được giao nhiệm vụ vận tải. Ông vận chuyển các thương binh ra ngoài rồi lại mang vũ khí đạn dược từ ngoài vào bổ sung cho chiến trường.

“Tôi cũng muốn cầm súng ra trận nhưng nghĩ mình cũng chưa được huấn luyện gì, ra đấy có thể sẽ là gánh nặng cho đồng đội nên mình cứ gắng làm tốt công việc vận chuyển của mình đã”, người lính năm xưa kể.

Mặc dù không trực tiếp tham gia chiến đấu nhưng trong tâm trí của người cựu chiến binh, những ám ảnh về đau thương mất mát vẫn còn in đậm.

“Có những đồng đội bị mảnh bom nổ cứa qua đứt rời cả cánh tay, có những đồng đội cả người sũng máu nhưng vẫn muốn lao ra chiến đấu. Tôi nhớ có đồng đội bị trúng đạn ở cả chân và tay, lúc được quân y rạch da để gắp đạn không kêu tiếng nào nhưng nghe đến việc bản thân không thể ra chiến đấu tiếp thì khóc như trẻ lên ba”, ông Thản nghẹn ngào nhớ lại.

Ngoài vận chuyển các thương binh, ông Thản cũng là người đưa những đồng đội đã ngã xuống về nơi yên nghỉ cuối cùng. Ông Thản không khỏi xúc động khi những ký ức xưa cũ tràn về...

Ông rưng rưng kể, những đồng chí chỉ vừa mấy hôm trước còn cười nói, kể cho nhau nghe những dự định họ sẽ xây dựng tương lai ra sao khi hòa bình lập lại, nhưng bom đạn chiến tranh đã vĩnh viễn đem theo những giấc mơ thành xuân ấy của bao đồng đội mãi mãi không thành hiện thực.

Quyết định thăng quân hàm từ Thượng úy lên Đại úy của ông Nguyễn Đình Thản cũng là kỷ vật vô giá mà ông lưu giữ (Ảnh: Hoàng Linh)

Đến chiều ngày 7/5/1954, tướng De Castries đầu hàng, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ. Ông Nguyễn Đình Thản cùng các đồng đội nhảy lên reo hò, niềm hạnh phúc khi ấy không chỉ là niềm vui của cả nhân mà còn là niềm vui của cả một dân tộc kiên cường.

“Chúng tôi vui sướng như trẻ con. Cảm giác tự hào khi quân ta chiến thắng một đế quốc lớn vẫn chỉ như mới diễn ra ngày hôm qua.”

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Đình Thản tiếp tục vào Nam để phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với những đóng góp to lớn, ông Thản được thăng quân hàm lên Đại úy năm 1975…

Trải qua kháng chiến, người lính Cụ Hồ năm xưa giờ đây đã trở về vui vầy bên con cháu. “Đảng tín nhiệm tôi, muốn cho tôi đi học để tiếp tục phục vụ quân đội nhưng tôi nghĩ mình đã qua chiến tranh mà không chết, toại nguyện mong muốn thấy hòa bình lập lại nên tôi xin trở về xây dựng gia đình. Chỉ huy cũng hiểu và năm 1983 tôi chính thức nghỉ hưu”.

Đất nước thống nhất 49 năm, Điện Biên giải phóng tròn 70 năm, ông Thản nay đã ở tuổi 92. Tuổi đã cao, sức cũng yếu dần nhưng những ký ức hào hùng về kháng chiến Điện Biên Phủ vẫn được ông lưu giữ sâu trong tâm hồn, để tiếp tục kể lại cho con cháu nghe, về một hào khí Điện Biên hào hùng năm ấy, và xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với những hy sinh của ông cha cho Tổ quốc quyết sinh.

Hoàng Linh

Dân sinh

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/nguoi-co-cong/ky-uc-nguoi-linh-nam-xua-tung-tham-gia-chien-dich-dien-bien-phu-20240420142234089.htm